Nhanh chóng, tiện lợi

Là bệnh viện cửa ngõ phía đông của TP.HCM, Bệnh viện quận Thủ Đức hàng ngày tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân đến khám và điều trị từ quận Thủ Đức và các khu vực lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai…

Bệnh viện hướng tới giải pháp “bệnh viện số” khi áp dụng công nghệ thông tin vào khám chữa bệnh như bệnh án điện tử, hệ thống lưu trữ thông tin điện tử, hóa đơn điện tử, ki-ốt điện tử… Hướng đi này nhằm gia tăng các tiện ích cho bệnh nhân, nhân viên y tế, tạo môi trường bệnh viện thân thiện.

Mỗi ngày, Bệnh viện quận Thủ Đức tiếp nhận hơn 6.500 bệnh nhân đến khám và điều trị. Tuy nhiên, ở đây không có âm thanh phát loa ồn ào quen thuộc. Người đến khám bệnh cũng không thấy lỉnh kỉnh toa thuốc, bao chụp phim, sổ khám bệnh như trước đây.

{keywords}

Nhân viên Bệnh viện quận Thủ Đức hướng dẫn người dân cách đăng ký khám bệnh chỉ với vài thao tác đơn giản thay vì ngồi chờ lấy số như trước kia

Trong lúc ngồi chờ nhân viên y tế lấy thuốc, bà Dương Thị Thanh Nga (58 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) chia sẻ: “Tôi ở một mình, mà còn bị tiểu đường, đau khớp nên đi bệnh viện thường xuyên. Tuy nhiên, từ khi bệnh viện có ki-ốt khám bệnh tôi chỉ cần nhờ mấy cô nhân viên ở quầy quẹt thẻ bảo hiểm y tế giùm rồi vô chờ tới số là vào khám. Vừa không phải xếp hàng chờ đợi mà cũng không phải chạy lòng vòng các khoa xét nghiệm để lấy kết quả”.

Với ông Đinh Văn Đức (ngụ huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương), hơn 1 năm đăng ký khám bệnh tại đây cũng là chừng ấy thời gian ông không cần tới sổ khám bệnh. Tất cả các kết quả siêu âm, xét nghiệm, chụp X-quang đều được thể hiện qua hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh trong y khoa PACs của bệnh viện.

“Trước đây, mỗi lần đi khám bệnh, tôi đều phải mua lại sổ, nhiều khi khám xong, các kết quả xét nghiệm cầm về cũng không làm gì. Với mô hình này, đi khám bệnh không sợ mất hồ sơ, không cần đợi lâu, chủ động trong thời gian, khám xong chỉ cần chờ chưa đầy 15 phút là có thuốc. Rất tiện và nhanh chóng”, ông Đức nói. 

Với thông tin bệnh nhân đã đăng ký, nhân viên y tế chỉ cần “click chuột” để chuyển dữ liệu của bệnh nhân vào phòng khám. Tất cả những thông tin sau thăm khám, kết quả chẩn đoán, toa thuốc, ngày tái khám và những lời dặn dò của bác sĩ được nhập luôn vào máy và “click” đến quầy thuốc để in ra cho người bệnh, thay vì phải đi lòng vòng giữa các khoa lấy kết quả khám như trước kia.

Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, mỗi bệnh nhân khi lần đầu đến khám đều được nhập mã số riêng cho từng người, mã số này không thay đổi trong suốt thời gian người bệnh đến khám tại đây để tránh sự trùng lặp. 

Những lần sau bệnh nhân đến khám, hệ thống nhận diện kiểm tra trên thẻ bảo hiểm hay chứng minh thư của người bệnh là ra thông tin và chuyển số thứ tự vào phòng khám một cách nhanh chóng. 

Tại các phòng khám, thông tin của bệnh nhân chờ khám cũng hiện lên rõ ràng, cả những người đã được gọi mà chưa vào khám cũng được đưa lên để bệnh nhân biết đã đến lượt mình hay chưa.

Theo bác sĩ Quân, để có được quy trình như hiện tại giúp giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân, bệnh viện đã áp dụng công nghệ thông tin từ 10 năm nay.

“Thời gian đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào khám và điều trị, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Là đơn vị tiên phong, không có nguồn tham khảo nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm để điều chỉnh. Trải qua nhiều lần điều chỉnh, đến nay quy trình đã hoàn thiện, vận hành tốt, cuối năm 2018 đã được Sở Y tế thẩm định và công nhận”, bác sĩ Quân chia sẻ.

Bệnh án điện tử chỉ cần “click chuột” là biết tất cả

Nhờ có công nghệ, bệnh viện không tốn kho lưu trữ bệnh án, truy cập tìm nhanh hơn. Hệ thống máy tính kết nối Internet sẽ giúp các bác sĩ có được mọi thông tin về người bệnh. Đơn giản, thuận tiện khi không cần phải ôm những tập bệnh án dày nặng mỗi khi hội chẩn là những tiện ích mà bệnh án điện tử mang lại, thời gian lưu trữ lên đến 10 năm đối với những bệnh nhân mạn tính.

{keywords}

Bệnh án điện tử giúp bác sĩ, điều dưỡng tiết kiệm thời gian

Bác sĩ Mai Hùng Cường, Khoa Nội tổng quát, Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, bệnh án điện tử đã giúp anh và các đồng nghiệp thao tác rất thuận lợi và nhanh chóng. Bởi trước kia, công tác lưu trữ thông tin về bệnh nhân từ thời điểm làm thủ tục nhập viện đến khi xuất viện đều phải thực hiện trên giấy tờ, sổ sách. Tuy nhiên, khi có ứng dụng bệnh án điện tử thì chỉ cần truy cập hệ thống dữ liệu là có thể tìm kiếm dễ dàng, mà đặc biệt là tính chính xác rất cao.

“Ở đây, chúng tôi có sự liên kết cổng thông tin dữ liệu giữa các khoa phòng nên việc tìm hiểu bệnh sử cũng thuận lợi hơn rất nhiều”, bác sĩ Cường chia sẻ.

Hiện tại, bệnh án điện tử đã được Bệnh viện quận Thủ Đức triển khai trên toàn bộ khu ngoại trú và nội trú. Các thông tin của bệnh nhân đều được lưu trữ qua các đợt khám tại bệnh viện từ thông tin hành chính, toa thuốc, tường trình phẫu thuật… đều có đầy đủ, giúp hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm; từ đó giúp bệnh nhân đỡ tốn kém chi phí các kết quả cận lâm sàng.

{keywords}

Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức kiểm tra hồ sơ sức khỏe của bệnh nhân trên điện thoại nhờ bệnh án điện tử

Theo bác sĩ Quân, để đảm bảo yếu tố công nghệ thông tin thì yếu tố đầu tiên là bệnh viện phải có máy phát điện dự phòng. Khi có sự cố cúp điện xảy ra bệnh viện vẫn có thể hoạt động bình thường. 

Các máy chủ của bệnh viện có 2 hệ thống chạy song song kể cả đường dây mạng LAN để đảm bảo khi hệ thống này trục trặc thi hệ thống kia chạy song song. Bên cạnh đó, tất cả mọi người tùy theo mức độ phân quyền sẽ được truy cập trong hồ sơ bệnh án điện tử.

Tuy nhiên, qua thời gian ứng dụng triển khai, bệnh viện vẫn đối mặt với một số thách thức. Bởi khi cập nhật, lưu trữ hồ sơ theo ngày tháng, số lượng ngày càng nhiều nên dữ liệu data phải lớn vì vậy chi phí để duy trì và cập nhật hạ tầng công nghệ thông tin rất cao. Hiện bệnh viện phải tự chủ nguồn kinh phí này.

Bên cạnh đó, chưa có chuẩn data dẫn đến khó khăn khi liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện. Ngoài ra, chính sách thay đổi liên tục để phù hợp từng giai đoạn phát triển nên phải cập nhật thường xuyên. Bác sĩ Quân hy vọng trong thời gian tới những thách thức này sẽ được giải quyết đến hướng đến nền y tế thông minh như các nước trong khu vực giúp người dân được bảo vệ sức khỏe một cách toàn diện.

Bệnh án điện tử là một trong những khâu đột phá của ngành y tế nhằm hướng tới một nền y tế thông minh. Việc mỗi cá nhân có hồ sơ bệnh án điện tử sẽ giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh tốt hơn và giúp cán bộ y tế thuận tiện trong quản lý hồ sơ.

Bệnh viện quận Thủ Đức - Hiện tượng ngành y tế

 

Bệnh viện quận Thủ Đức được xem là hiện tượng của ngành y tế với nhiều thành tích tiên phong cụ thể:

- Bệnh viện quận đầu tiên của cả nước đạt bệnh viện hạng 1.

- Bệnh viện đầu tiên ở phía Nam triển khai đề án bệnh án điện tử. 

- Bệnh viện quận đầu tiên cả nước được giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến cho các tỉnh, thành khu vực phía Nam. 

- Bệnh viện tuyến quận đầu tiên trên cả nước có thể phẫu thuật tim hở và mổ tim ít xâm lấn.

- Năm 2018, Bệnh viện quận Thủ Đức được trao tặng Huân chương lao động hạng 3. 

- Ngày 14/12/2019 mô hình “Bệnh viện số” của Bệnh viện quận Thủ Đức đã đạt giải nhất tại giải thưởng Y tế thông minh TP.HCM 2019. Đơn vị còn lọt top 5 bệnh viện được hài lòng nhất ở TP.HCM theo khảo sát của Bộ Y tế.

Liên Anh

Cả nước đã có hơn 1.000 bệnh viện khám chữa bệnh từ xa

Cả nước đã có hơn 1.000 bệnh viện khám chữa bệnh từ xa

Chưa đầy 5 tháng, đề án Khám chữa bệnh từ xa đã về đích với hơn 1.000 điểm kết nối trên khắp cả nước.