Anh Bùi Đức Trường, nhân viên điều hành xe bus (42 tuổi, phường Phúc Diễn, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là bệnh nhân 714 được ghi nhận mắc Covid-19.

Anh Trường xuất hiện trong buổi lễ công bố khỏi bệnh chiều 9/9 với đôi mắt thâm quầng, thoáng chút mệt mỏi. Người đàn ông tâm sự, anh vừa “hồi sức” trở lại sau quãng thời gian kiệt quệ vì mất ngủ do quá áp lực. Kể từ khi biết tin mắc Covid-19, anh có 21 ngày liên tiếp gần như thức trắng.

Anh Trường cùng gia đình vào Đà Nẵng du lịch từ ngày 14 -17/7. Sau khi về lại Hà Nội, anh trở lại làm việc, gặp gỡ một số bạn bè và có về quê nội, ngoại tại Nam Định, Thái Bình để thăm người thân.

Chiều 25/7, nghe tin Đà Nẵng có các ca bệnh đầu tiên, vợ chồng anh Trường lúc này đang ở Thái Bình, liền tức tốc quay về Hà Nội để cách ly tại nhà. Đến ngày 31/7, anh được test nhanh Covid-19, cho kết quả âm tính, vừa đúng lúc kết thúc thời hạn cách ly 14 ngày theo hướng dẫn.

Tâm lý khá an tâm, đầu tháng 8, anh Trường tới cơ quan một số lần để giải quyết công việc, tuy nhiên vẫn đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với mọi người.

Đến ngày 4/8, người đàn ông 42 tuổi được đưa tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp PCR. Kết quả dương tính SARS-CoV-2 tới sau đó một ngày.

Bệnh nhân 714 không thể quên buổi chiều hôm đó, thời điểm bắt đầu chuỗi ngày khủng hoảng của anh.

{keywords}
Bệnh nhân 714 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chiều 9/9 - Ảnh: N.Liên

Từ khoảng 16h30’ chiều đến suốt đêm, anh nhận gần 1000 cuộc gọi, đa phần là các đầu số lạ. Đó là những đơn vị có liên quan, báo chí, người muốn hỏi thăm và cả những người lạ gọi chỉ để quát tháo, chửi bới.

Lướt một vòng mạng xã hội, những câu nói như “đồ vô ý thức”, “thiếu suy nghĩ” hướng về anh xuất hiện rất nhiều dưới phần bình luận của các bài đăng trên Facebook, bài báo. “Tôi ở tuổi này cũng không còn trẻ nữa, lần đầu tiên trong cuộc đời bị nói những lời rất xúc phạm. Sốc, suy sụp vô cùng”, anh chia sẻ.

Anh Trường tâm sự, thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông chỉ cho biết anh phát bệnh từ ngày 20/7, sau đó vẫn đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Đó là lý do khiến cộng đồng hiểu lầm và có cái nhìn gay gắt.

“Hôm 20/7, tôi đi uống bia với một vài đồng nghiệp, trời lại rất nắng. Sau đó về có dấu hiệu đau họng, sốt nên cũng chỉ nghĩ là cảm nắng bình thường. Uống thuốc 3 ngày, triệu chứng khỏi hẳn. Thời điểm đó, Đà Nẵng cũng chưa công bố dịch nên tôi hoàn toàn không có chút đề phòng”, anh Trường kể.

Điều làm anh đau lòng nhất là một số người còn hướng sự chỉ trích, kỳ thị tới cả những người thân của anh đang cách ly tại quê chỉ vì là F1. “Thậm chí, khi người thân tôi kết thúc cách ly tập trung với đủ số lần âm tính, nhiều người vẫn tỏ thái độ xa lánh. Một số còn quay lưng bỏ đi ngay khi nhìn thấy họ từ xa”, người đàn ông không giấu được sự xúc động.

Mệt mỏi, nặng nề, lo cho gia đình, anh Trường có 3 đêm liên tiếp thức trắng. Những đêm sau đó, anh chỉ ngủ được 15, 20’ lại giật mình tỉnh giấc, sau đó rất khó ngủ lại. Ngước nhìn lên trần nhà, thời gian như dài vô tận. Trung bình mỗi ngày, anh Trường ngủ vỏn vẹn được khoảng 1 đến 2 tiếng đồng hồ.

“Tới ngày thứ 16, 17, tôi gần như kiệt quệ. Tôi bị suy nhược thần kinh, đứng dậy là thấy đầu óc quay tít, chỉ nghiêng người khi nằm cũng thấy cả gian phòng quay quay”, người đàn ông kể.

Anh Trường sau đó được bác sĩ cho sử dụng thuốc chống choáng và động viên rất nhiều để lấy lại tinh thần, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Sau chuỗi ngày suy sụp, anh quyết tâm phải gạt bỏ tất cả áp lực, chỉ tập trung lo cho sức khỏe của bản thân. Anh cố gắng không nghĩ những điều tiêu cực, tập thể dục nhiều lần mỗi ngày. Bên cạnh đó, anh cũng ăn uống nhiều hơn, bổ sung các loại hoa quả giàu vitamin để nhanh lại sức. Dần dần, anh Trường có thể ngủ lại và quay về với nhịp sinh hoạt bình thường.

Điều mong mỏi nhất với người đàn ông 42 tuổi là cộng đồng có sự sẻ chia với bệnh nhân Covid-19: “Không ai mong muốn mình mắc bệnh. Xin mọi người hãy tìm hiểu kỹ và đừng nói những lời tiêu cực, bởi chúng quá nặng nề, gây áp lực rất lớn cho bệnh nhân như chúng tôi”.

{keywords}
Các bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh chiều 9/9

Sau 4 lần liên tiếp âm tính SARS-CoV-2, ngày 9/9, anh Trường được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương công bố khỏi bệnh cùng 3 bệnh nhân Covid-19 khác.

Những người còn lại là bệnh nhân 865 (nam, 33 tuổi, Cẩm Giàng, Hải Dương), bệnh nhân 951 (nam, 27 tuổi, Yên Thành, Nghệ An) và bệnh nhân 1032 (nam, 21 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội). 3 người này đều từ nước ngoài về Việt Nam, được cách ly ngay sau nhập cảnh.

Riêng bệnh nhân 1032 phát hiện dương tính SARS-CoV-2 thời điểm vừa kết thúc 14 ngày cách ly tại Hải Dương, trở về nhà tại Hà Nội. 6 thành viên trong gia đình có tiếp xúc với trường hợp này tới nay đều âm tính nCoV.

Đến hết ngày 9/9, Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận 1059 ca Covid-19, trong đó 890 người đã được chữa khỏi.

Nguyễn Liên

Bệnh nhân Covid-19 vẫn tổn thương phổi sau 3 tháng xuất viện

Bệnh nhân Covid-19 vẫn tổn thương phổi sau 3 tháng xuất viện

Sức khỏe của phần lớn bệnh nhân Covid-19 được cải thiện sau 6 tuần xuất viện nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy một số người tiếp tục ho và khó thở kéo dài sau 12 tuần. 

 

Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19

Bộ TT&TT và Bộ Y tế vừa thống nhất triển khai trên phạm vi toàn quốc ứng dụng Bluezone để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng này giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.

Link tải Bluezone trên Android Link tải Bluezone trên iOS

Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.