Bác sĩ Tống Hồ Từ Phương, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, vừa ghi nhận một trường hợp bệnh nhi bị ống hút inox đâm vào họng.

Cụ thể, cậu bé 4 tuổi cầm bình có ống hút inox vừa đi vừa uống. Bé bị vấp ngã, ống hút đâm vào vòm họng, dẫn đến rách niêm mạc khẩu cái. Vết thương ăn sâu và vùng hầu miệng rất nhiều mạch máu nhỏ phức tạp. Bệnh nhi được gây mê và khâu vết thương, kịp thời xử trí.

{keywords}
Vết thương trong họng của bệnh nhi 4 tuổi. Ảnh: BVCC


Thực tế ghi nhận nhiều trẻ nhét dị vật vào tai, mũi, hay nuốt dị vật vào đường thở, đường tiêu hoá. Bên cạnh đó là các chấn thương gãy xương, chấn thương phần mềm cần phải can thiệp thủ thuật hoặc phẫu thuật từ đơn giản đến phức tạp. Bác sĩ Tống Hồ Từ Phương khuyến cáo, tai nạn sinh hoạt ở trẻ em rất khó lường, nhiều trường hợp xảy ra từ tính năng động của trẻ, cũng như sự chủ quan của các bậc phụ huynh.

“Tai nạn là sự việc ngẫu nhiên, không mong muốn và không biết trước. Tuy nhiên, mọi tai nạn đều được hạn chế nếu chúng ta cẩn thận, giáo dục và giám sát”, bác sĩ Từ Phương cho biết.

Để giảm thiếu tai nạn ở trẻ, phụ huynh cần cẩn thận, không cho trẻ dùng ống hút cứng bằng kim loại hoặc nhựa cứng. Khi uống, không đi tới lui, chạy nhảy. Phụ huynh cần nói cho trẻ biết những tình huống tai nạn sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, cần giám sát, dẹp bỏ những công cụ gây nguy cơ tai nạn cho trẻ.

Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm 15-19 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (43%), thấp nhất là nhóm từ 0-4 tuổi (19,5%). Các em trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các em gái.  Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong ở nam cao hơn 3 lần so với nữ.

Linh Giao

Ngã vào chậu nước, bé trai ở TP.HCM bị tổn thương não

Ngã vào chậu nước, bé trai ở TP.HCM bị tổn thương não

Trong lúc không có người lớn bên cạnh, bé trai ngã chìm vào chậu nước. Dù được cứu sống nhưng não của bé bị thiếu oxy, không thể phục hồi.