Bệnh nhi Tống Duy Khánh, ở xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang được phát hiện vàng da mức độ nặng khi mới 4 ngày tuổi.

Bé được chuyển đến BV Sản nhi Bắc Giang trong tình trạng li bì, có cơn ngừng thở, bỏ bú, vàng da đậm toàn thân và vàng mắt.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, chỉ số bilirubin toàn phần lên tới 564 μmol/L, trong khi ở trẻ sơ sinh bình thường dưới 171 μmol/L và bilirubin trực triếp là 46.3 μmol/L (bình thường ở mức 0 – 7 μmol/L).

{keywords}

Sau thay máu, bệnh nhi tiếp tục được chiếu đèn chữa vàng da

 

Do bilirubin trong máu quá cao, gan không đào thải kịp có thể gây nhiễm độc thần kinh dẫn tới hôn mê, vì vậy các bác sĩ quyết định thay máu toàn phần cấp cứu cho bệnh nhi kết hợp chiếu đèn điều trị vàng da tích cực.

Quá trình thay máu kéo dài 4 giờ với 240 ml hồng cầu và 240 ml huyết tương. Trong giai đoạn thay máu, bệnh nhi được thở oxy, nuôi dưỡng hoàn toàn theo đường tĩnh mạch.

Sau thay máu, kết quả xét nghiệm lại cho thấy chỉ số bilirubin toàn phần đã giảm xuống còn 267 μmol/L. Bệnh nhi vừa được nuôi dưỡng đường tĩnh mạch vừa ăn qua ống sonde dạ dày.

2 ngày sau, bệnh nhi bắt đầu tự thở, tình trạng vàng da giảm. Đến ngày thứ 3, trẻ đã hồng hào trở lại, nhịp tim, phổi ổn định, sau đó tiếp tục chuyển về phòng ghép mẹ để chăm sóc.

BS Nguyễn Thị Lệ, Trưởng Khoa Sơ Sinh cho biết, vàng da ở trẻ sơ sinh (vàng da sinh lý) là tình trạng khá phổ biến, thường xuất hiện 24 giờ sau sinh và thường tự hết sau 1 tuần (đối với trẻ đủ tháng) hoặc xấp xỉ 2 tuần đối với trẻ sinh non dưới 36 tuần.

Tuy nhiên nếu trẻ sơ sinh có các biểu hiện bất thường như: Vàng da đậm xuất hiện sớm; không hết vàng da sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng; mức độ vàng toàn thân và cả mắt; vàng da kết hợp các triệu chứng bất thường khác như bỏ bú, li bì, khóc nhiều…; xét nghiệm bilirubin trong máu tăng cao hơn bình thường thì đó là biểu hiện của vàng da bệnh lý.

{keywords}
BS Lệ khám lại cho bệnh nhi trước khi xuất viện 

 

Khi đó, cha mẹ cần sớm đưa trẻ tới các bệnh viện chuyên khoa để điều trị kịp thời bằng các phương pháp như chiếu đèn (với tình trạng nhẹ) và thay máu (vàng da bệnh lý thể nặng).

Nếu không điều trị kịp thời, chất bilirubin thấm nhiều vào não gây nhiễm độc thần kinh, hôn mê, co giật hay còn gọi hội chứng vàng da nhân não, trẻ sẽ có nguy cơ để lại các biến chứng thần kinh nặng nề như bại não, chậm phát triển trí tuệ, thậm chí tử vong.

Ở giai đoạn vàng da nhân não, việc điều trị rất khó khăn và ít hiệu quả, các sĩ sẽ phải thay truyền máu liên tục để đẩy lượng bilirubin ra ngoài.

Với trường hợp bệnh nhi nói trên, BS Lệ cho biết, bé mắc vàng da do thiếu men G6PD. Đây là một chất xúc tác quan trọng cho các phản ứng chuyển hóa trong tế bào và đặc biệt quan trọng đối với hồng cầu.

Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh thiếu men G6PD vì vậy ngay sau sinh, trẻ nên sớm được thực hiện các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu gót chân để phát hiện các bệnh di truyền bẩm sinh.

BS Lệ lưu ý, vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh đặc biệt nguy hiểm, diễn biến nhanh. Do đó, cha mẹ cần thường xuyên quan sát, theo dõi màu da con dưới ánh sáng tự nhiên, không nên quan sát dưới ánh đèn neon hoặc đèn thường vì sẽ khó phát hiện.

Kế đó quan sát từ trên xuống dưới theo thứ tự trán – ngực – bụng – đùi – cẳng chân. Đầu tiên dùng ngón tay trỏ, ấn nhẹ lên lớp da trán để mạch máu giãn ra, giữ vài giây rồi bỏ ra và quan sát.

Nếu trẻ chỉ vàng từ trán đến ngực thì không cần đưa đi khám, chỉ cần theo dõi ở nhà. Nếu trẻ vàng da đến bụng, đùi, cẳng chân thì bắt buộc phải đưa đến các bệnh viện nhi hoặc chuyên khoa nhi để kiểm tra.

Thúy Hạnh

Mẹ hy sinh lá gan để cứu con gái 1 tuổi chỉ còn sống từng ngày

Mẹ hy sinh lá gan để cứu con gái 1 tuổi chỉ còn sống từng ngày

 - Nhìn cô con gái nhỏ xíu, chưa đầy 1 tuổi nằm thoi thóp thở, bà mẹ không cầm được nước mắt, quyết định hiến một phần gan để cứu con.