Ngày 23/2, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, các bác sĩ đã chạy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) xuyên Tết cứu sống bé gái 15 tháng tuổi (ngụ Bình Tân, TP.HCM) uống nhầm dầu thắp đèn.

{keywords}

Sau quá trình điều trị tích cực, bệnh nhi có thể xuất viện vào cuối tuần

Người nhà bé cho biết, cách nhập viện khoảng 1 giờ, bé uống nhầm khoảng 100 ml dầu lửa dùng để thắp đèn (dầu Paraffin), mẹ móc họng cho bé ói. Sau đó, bé lừ đừ, thở mệt, môi tái nên đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Bé gái nhập viện trong tình trạng nồng độ oxy trong máu thấp. Ngay lập tức, bé được thở oxy, chụp X-quang phổi, kết quả ghi nhận tình trạng viêm phổi hít.

Bác sĩ Quang cho biết, sau vài giờ, bé suy hô hấp nặng dần và được thở áp lực dương nhưng tình trạng không cải thiện. Tổn thương phổi lan tỏa 2 bên nên bé được đặt nội khí quản thở máy sau 24 giờ nhập viện.

Dù được thở máy với thông số hỗ trợ tối ưu kết hợp với nằm sấp nhưng tình trạng suy hô hấp của bé nghiêm trọng hơn, thiếu oxy máu nặng. Các bác sĩ nhận định nếu không có phương pháp điều trị nào khác, bé sẽ tử vong.

Vì vậy, các bác sĩ quyết định thực hiện ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo) ngay tối 9/2 (28 Tết).

Bác sĩ Bạch Văn Cam, Phó chủ tịch Hội Hồi sức Việt Nam, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, đây là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện ECMO cho trẻ bị viêm phổi hít. Mục đích là cải thiện tình trạng suy hô hấp, giúp cho phổi của bé được nghỉ ngơi và có thời gian hồi phục.

Tuy nhiên, do bé nhỏ tuổi (15 tháng), chỉ nặng 11 kg nên việc đặt các ống thông mạch máu để chạy ECMO rất khó khăn. Vì vậy, ê-kíp phẫu thuật với nhiều chuyên khoa Hồi sức tích cực, Ngoại khoa, Gây mê, kỹ thuật ECMO… cùng kết hợp, sau 30 phút thực hiện đặt máy thành công.

“Như một phép màu, bệnh nhi đang tím tái, bị đe dọa tính mạng bỗng chợt hồng hào trở lại với các thông số sinh hiệu bắt đầu cải thiện tốt", bác sĩ Quang xúc động chia sẻ.

Sau 9 ngày, chức năng phổi của bệnh nhi đã được cải thiện tốt, bé được cai ECMO và cai máy thở.

Hiện tại, bé tỉnh táo, đang thở oxy và uống được sữa. Nếu diễn tiến thuận lợi, bé có thể xuất viện vào cuối tuần.

Theo bác sĩ Quang, viêm phổi hít dầu lửa là tai nạn thường gặp trong gia đình do thói quen thắp đèn dầu ở ban thờ và đựng dầu trong các vật dụng như chai nước suối, ly, cốc … nên trẻ dễ uống nhầm.

Để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, phụ huynh không nên đựng dầu lửa, dầu thắp đèn trong các vật dụng uống nước, nên cất trong các chai có nắp đậy chặt, để trong tủ có khóa an toàn.

“Khi trẻ uống nhầm dầu lửa hay dầu thắp đèn, người nhà nên mang bệnh nhi đến ngay cơ sở y tế, không nên móc họng cho ói hoặc rửa dạ dày vì nguy cơ hít sặc vào phổi gây tổn thương nặng, suy hô hấp và có thể tử vong”, bác sĩ Quang nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Bạch Văn Cam, hiện nay, nhiều người có thói quen dùng dầu thắp đèn (dầu Paraffin) vì dầu này khi đốt không khói. Dầu không có mùi, vị lạt… nên nếu nhầm sẽ uống lượng lớn.

Các bệnh viện khi sơ cứu cho trẻ ngộ độc chất bay hơi cũng phải lưu ý không được rửa dạ dày vì các thao tác gây nôn cho bệnh nhân khiến viêm phổi nặng hơn. Chất này hấp thu qua đường tiêu hóa rất ít.

Trong ngày 28 Tết vừa qua, bệnh viện cũng tiếp nhận điều trị cho bé trai 3 tuổi, ngụ quận 8 uống nhầm dầu Paraffin màu trắng. Nhưng vì gia đình không móc họng cho ói nên bé đã xuất viện sau 1 tuần điều trị.

Liên Anh

Bé Hà Nội 1 tuổi rách thành bụng do ngã vào cốc thủy tinh vỡ

Bé Hà Nội 1 tuổi rách thành bụng do ngã vào cốc thủy tinh vỡ

Bé gái 16 tháng tuổi làm vỡ cốc thủy tinh trong lúc đùa nghịch rồi ngã trúng gây rách thành bụng.