Bác sĩ chỉ học hết tiểu học

Sự nghiệp y khoa của Veeragandham Teja sống tại bang Telangana, miền nam Ấn Độ đã chính thức chấm dứt vào tuần qua khi cảnh sát phát hiện anh ta dùng bằng cấp giả.

Mọi việc bắt nguồn từ đơn tố cáo của vợ anh. Cô cáo buộc Teja từng có vợ nhưng che giấu suốt nhiều năm và có hành vi quấy rối tinh thần và thể chất với cô. Từ đó, cảnh sát bắt đầu cuộc điều tra và phát hiện thêm 4 đơn tố cáo khác với người này về các hành vi đe dọa, cố ý gây thương tích, trộm tiền và lừa đảo.

Teja bị phát hiện đã sử dụng rất nhiều tên giả và còn tự nhận mình là họ hàng của một tỉnh trưởng ở bang phía đông nam Ấn Độ hòng thoát tội.

Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện ra thanh niên 23 tuổi này đã thiết lập rất kỹ lớp bọc cho mình với đủ loại bằng cấp. Anh ta đã bỏ học từ lớp 5, tất cả các bảng điểm đến đại học đều là giả mạo. Có ít nhất 5 người đã thừa nhận bán các chứng chỉ đào tạo cho Teja.

{keywords}

"Bác sĩ" Veeragandham Teja bị bắt sau khi đã hành nghề khắp các bệnh viện 

Ủy viên cảnh sát cho biết, bảng điểm và giấy chứng nhận phổ thông đã được Teja mua với giá 10.000 Rupee (hơn 3 triệu đồng) với sự giúp đỡ của Marry Thomson, một bị can trong vụ án hiện nay.

Teja còn mua bảng điểm đại học từ 2010 đến 2014 tại 2 trường đào tạo y khoa là Pandit Deendayal Upadhyay Memorial Health Sciences và Ayush University of Chhattisgarh.

Tuy nhiên, do không thanh toán đầy đủ nên anh ta chỉ được nhân viên trường đại học cho bản sao, không có bản gốc. Nhân viên này cũng bị khởi tố trong vụ án.

Từ bảng điểm đại học và các giấy tờ giả khác, Teja đã gia nhập Cao đẳng Y tế JN để thực tập, nơi anh thực sự tiếp cận về điều trị y tế và thông thạo tiếng Anh, tiếng Hindi và tiếng Kannada. Sau đó, Teja trở thành bác sĩ chính thức tại Bệnh viện Bengaluru.

Giai đoạn 2016 - 2019, Teja quay lại Srinivasa Rao lấy bằng cử nhân Quản trị Kinh doanh (BBA) và bằng thạc sĩ về Quản lý bệnh viện tại Đại học Himalaya.

Qua nhiều năm, Teja đã làm việc tại ít nhất 16 bệnh viện. Vừa qua, anh ta còn tình nguyện hỗ trợ cảnh sát địa phương kiểm tra y tế cho những người lao động nhập cư trong đại dịch Covid-19.

“Đáng ngạc nhiên là anh ta đã làm việc ở một số bệnh viện chuyên khoa mà không bị bất kỳ ai nghi ngờ”, cảnh sát cho hay.

Theo cảnh sát, Teja bỏ nhà đi năm 8 tuổi để thoát khỏi sự hành hạ của mẹ kế. Anh đi khắp các thành phố như Vijayawada, Tirupati, Kolkata và Lucknow bán đồ ăn vặt và nước uống trên xe lửa cho đến khi gặp bác sĩ YS Purushotham Reddy. Khi đó, Teja tự nhận mình là một trẻ mồ côi nên Reddy đã đưa anh ta đến Tirupati để sinh sống.

Một sĩ quan cấp cao gọi Teja là “kẻ có nhiều khả năng gây hại cho xã hội”. "Anh ta rất thông minh. Khi gặp ai đó, anh ta đoán được sở thích của người đó để điều chỉnh hành vi của mình. Ngay cả khi bị bắt ở Bengaluru vì gian lận và mạo danh là cảnh sát, anh ta vẫn cố gắng bảo vệ danh tính bác sĩ của mình", sĩ quan này cho hay. 

Teja thường lưu tên của các lãnh đạo dịch vụ hành chính công và sĩ quan cảnh sát cao cấp trong điện thoại với các số tự đặt. Anh ta cũng từng tuyên bố làm việc ở Viện khoa học Y tế Ấn Độ.

Anh ta luôn tự bịa ra các câu chuyện khác nhau khi gặp ai đó nên ban đầu vợ hiện tại của anh ta không mảy may nghi ngờ. Chỉ khi cảnh sát vào cuộc, mọi người mới phát hiện Teja đã kết hôn một lần.

Cuộc đời hành nghề phiêu lưu đầy giả dối của anh gợi nhớ đến Frank Abagnale, kẻ giả mạo nổi tiếng trong lịch sử tài chính Mỹ, trước khi giải nghệ làm chuyên gia tư vấn cho FBI.

Nền y tế yếu kém, bác sĩ chính quy không hơn lang băm

Tại Ấn Độ, những câu chuyện giả mạo bằng cấp như Teja không hiếm. Ngày 8/9 vừa qua, một nữ bác sĩ không có bằng cấp đã bị bắt giữ sau khi làm hỏng một ca sinh mổ.

Cũng trong tuần đó, một người đàn ông với bằng bác sĩ giả đã bị bắt khi đang hành nghề tại một điền trang trồng trà phía bắc Ấn Độ.

Ba trường hợp giả mạo trên không đáng ngạc nhiên khi báo cáo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016 cho thấy 57,3% lực lượng y tế ở Ấn Độ là những “kẻ lang thang” - một thuật ngữ dùng để chỉ những người hành nghề y khoa gian lận hoặc không đủ tiêu chuẩn.

Các bác sĩ không bằng cấp ở Ấn Độ đặc biệt phổ biến ở vùng nông thôn và các khu ổ chuột. Họ thường mở phòng khám nhỏ và hành nghề rất thuận lợi vì giá cả phù hợp với thu nhập của người dân.

{keywords}

Các miền quê ở Ấn Độ thiếu bác sĩ trầm trọng, nên người dân thường tìm đến các "lang băm" để chữa bệnh.

Vậy vì sao bác sĩ lang băm ở quốc gia này có nhiều đất sống như vậy?

Thứ nhất, Ấn Độ quá thiếu bác sĩ. Hồ sơ Y tế Quốc gia Ấn Độ năm 2019 cho thấy chi tiêu cho y tế công của Ấn Độ đang thấp nhất thế giới. Với dân số 1,3 tỷ người nhưng cứ 1.457 dân mới có 1 bác sĩ, trong khi mức khuyến cáo của WHO là 1 bác sĩ/1.000 dân.

Thứ 2, trình độ của bác sĩ đào tạo chính quy không hơn "lang băm" nhiều. 

Yogesh Jain, bác sĩ y tế công cộng ở miền trung Ấn Độ, tiết lộ những yếu kém trong đào tạo y khoa ở quốc gia này. Đôi khi trình độ tay nghề của lang băm thậm chí không thua kém những bác sĩ có trình độ.

Một cuộc khảo sát vào tháng 6 năm nay cho thấy, 68% các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở khu vực tư nhân nông thôn Ấn Độ đều không chính thức hoặc không được đào tạo. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra, các "lang băm" ở một số bang của Ấn Độ thậm chí có nhiều kiến thức y khoa hơn các bác sĩ được đào tạo chính quy ở các bang khác.

Việc thiếu hụt bác sĩ được đào tạo chính quy khiến nhiều tiểu bang Ấn Độ phải tự tổ chức các chương trình đào tạo tạm thời những người hành nghề y không đủ tiêu chuẩn để lấp đầy khoảng trống trong các bệnh viện và các cơ sở chăm sóc sức khỏe khác.

Tại bang Tây Bengal, miền đông Ấn Độ, quỹ Liver, một tổ chức phi lợi nhuận, đã khởi động chương trình đào tạo các bác sĩ địa phương chưa qua đào tạo về chăm sóc y tế ban đầu.

“Ít nhất bằng cách cho họ biết những gì không được làm và những gì nên làm, họ có thể trở nên hữu ích hơn”, Abhijit Chowdhury của quỹ Liver nói.

Ở Ấn Độ cũng có sự thâm hụt lòng tin giữa bác sĩ và bệnh nhân. Một số đổ lỗi cho việc thương mại hóa ngành y quá mức với học phí cao và dịch vụ y tế đắt đỏ.

Trong bối cảnh đại dịch, sự ngờ vực biến thành bạo lực với các bác sĩ đồng thời thúc đẩy người dân tìm đến các bác sĩ không chính thức.

Trong đợt bùng phát Covid-19, các nhà chức trách đã tiến hành một cuộc trấn áp những “kẻ lang thang” buôn bán thuốc giả. Vào tháng 4, một “kẻ lang thang” đã bị bắt vì nói với những người bị cảm lạnh và sốt thông thường rằng họ nhiễm Covid-19 để bán “thuốc phòng ngừa”.

Một tháng sau, một lang băm khác bị buộc tội điều hành phòng khám ở New Delhi và kê đơn thuốc trị khó thở - triệu chứng Covid-19.

Vụ việc nghiêm trọng hơn xảy ra vào năm 2018, một “kẻ lang thang” đã làm lây nhiễm HIV cho 41 người khi dùng chung một cây kim bị nhiễm bệnh để tiêm trong khi hứa hẹn điều trị giá rẻ.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, trong tình hình đại dịch căng thẳng như hiện nay, thay vì dùng các biện pháp mạnh tay với đội ngũ lang băm, chính quyền nên tổ chức nâng cao kỹ năng cho họ để tạm lấp đầy khoảng trống thiếu hụt bác sĩ.

M.Anh (Theo Indianexpress, Vicenews)

Nữ nhân viên y tế tiêm vắc xin bạch hầu ‘chui’ bị phạt 30 triệu đồng

Nữ nhân viên y tế tiêm vắc xin bạch hầu ‘chui’ bị phạt 30 triệu đồng

Nữ nhân viên y tế công tác ở Đắk Nông tiêm vắc xin bạch hầu “chui” cho người dân ở tỉnh Đắk Lắk đã bị xử phạt 30 triệu đồng.