Đang ăn cơm, buông đũa để cứu bệnh nhân

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung đang công tác tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Ngày 2/7, chị cùng 5 bác sĩ và 8 điều dưỡng của bệnh viện nhận lệnh đến Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1 chăm sóc, điều trị cho 400 bệnh nhân Covid-19.

Nhận quyết định buổi tối, sáng hôm sau, chị và các đồng nghiệp lên đường ngay. "Dù nhận quyết định điều động khẩn, nhưng tôi luôn sẵn sàng", bác sĩ Nhung nói. 

{keywords}
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết, dù nhận lệnh điều động khẩn nhưng chị luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ. L.A.

Vị bác sĩ cho biết, những ngày gần đây, chị và các đồng nghiệp đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Buồn vì phải xa gia đình. Mệt mỏi, vất vả khi phải mặc bộ đồ bảo hộ trong điều kiện thời tiết nóng nực để chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân. Niềm vui chị nhận được là thấy nhiều bệnh nhân được khỏi bệnh xuất viện, trở về với cuộc sống thường ngày, cảm ơn các y bác sĩ.

Xúc động nhất, vui nhất vẫn là những khoảnh khắc F0 trở nặng nhanh, được phát hiện, xử trí kịp thời, qua cơn nguy kịch.

Bác sĩ Nhung vẫn nhớ như in về một F0 diễn tiến suy hô hấp sau một tuần nhập viện. Hôm đó, chị và các đồng nghiệp vừa kết thúc ca trực, trở về khu nghỉ trưa dành cho nhân viên y tế nghỉ ngơi, ăn cơm. Sau khi cởi bộ đồ bảo hộ, khử khuẩn toàn thân, chị và các đồng nghiệp ngồi lại ăn cơm trưa.

Vị bác sĩ vừa cầm đũa thì nghe điều dưỡng trực báo, có một bệnh nhân nữ trở nặng. Ngay lập tức, các y bác sĩ vội đeo khẩu trang, mặc đồ phòng hộ chạy xuống phòng bệnh cấp cứu bệnh nhân.

{keywords}
Bác sĩ Bệnh viện dã chiến TP.HCM xúc động khi F0 trở nặng qua cơn nguy kịch

Khi thăm khám, bác sĩ Nhung được biết, nữ bệnh nhân ăn uống kém từ sáng. Nồng độ oxy trong máu thấp, chỉ số SpO2 là 80%, bệnh nhân tay chân lạnh, huyết áp kẹp (86/70mmHg), khó thở, không đáp ứng lời nói… Qua hội chẩn nhanh, các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp suy hô hấp cấp, sốc nhiễm trùng, hạ đường huyết/nhiễm SARS-CoV-2.

Các bác sĩ vội xử trí cấp cứu, truyền dịch NaCl 0,9% xả nhanh, thở oxy qua mặt nạ có túi dự trữ 15 lít/phút, cho bệnh nhân uống từng thìa nước đường. Sau 15 phút, tình trạng bệnh nhân ổn định hơn, các bác sĩ liên hệ xe cấp cứu chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Vui khi bệnh nhân được xuất viện

Để yên tâm hơn trong quá trình di chuyển bệnh, bác sĩ trưởng đoàn công tác Bệnh viện Da Liễu đã cử bác sĩ Nhung cùng điều dưỡng Huỳnh Minh Đạt và điều dưỡng Nguyễn Hà My đi cùng xe cấp cứu, đề phòng dọc đường bệnh nhân có những chuyển biến bất thường.

{keywords}
Các y bác sĩ giúp nhau mặc đồ bảo hộ khi đi thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: L.A.

Trong suốt quãng đường chuyển tuyến, điều dưỡng Huỳnh Minh Đạt luôn túc trực sát bệnh nhân, đo lại huyết áp, trấn an tinh thần bệnh nhân. Khi thấy chỉ số SpO2 tăng lên 93%, huyết áp 100/70 mmHg, mạch và nhiệt độ cơ thể bệnh nhân dần ổn định, ê-kíp mới yên tâm. “Đến khi thấy bệnh nhân chuyển viện an toàn chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, bác sĩ Nhung chia sẻ.

Bệnh viện dã chiến thu dung Covid-19 số 1 bắt đầu hoạt động từ ngày 28/6. Trước đó, bệnh viện thực hiện cách ly, điều trị cho hơn 4.500 ca F0. Theo bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, ngoài những F0 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ còn có nhiều bệnh nhân chuyển nặng nhanh. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện có khoảng 20 ca chuyển nặng. Các triệu chứng nặng của bệnh nhân đa số là suy hô hấp, khó thở, nồng độ oxy trong máu thấp và ho nhiều.

{keywords}
Nhân viên y tế vẫy tay chào khi các F0 khỏi bệnh lên xe về nhà. 

Theo bác sĩ Tâm, từ ngày 20/7 đến nay, bệnh viện đã có hơn 2.600 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh Covid-19. “Đây là những con số mang sắc màu tươi sáng, giúp các y bác sĩ nơi đây có thêm niềm tin, động lực chiến đấu trong cuộc chiến với tình hình dịch bệnh đang phức tạp tại TP”, bác sĩ Tâm nói.

Bác sĩ Tâm cũng cho biết, khi bệnh nhân được xuất viện không chỉ họ vui mà chính các nhân viên y tế cũng vui mừng. Từ ngày 20/7 đến nay, bệnh viện liên tục cho các F0 xuất viện. “Có những ngày tới 700 - 800 F0 được xuất viện. Vì vậy, các nhân viên y tế phải làm thủ tục từ sáng đến chiều, có khi bỏ luôn bữa ăn để hoàn thành các thủ tục, cho mọi người được sớm về nhà”, bác sĩ Tâm kể.

Tú Anh

Bệnh nhân Covid-19 TP.HCM: Nhìn bác sĩ, tôi hối hận vì hành động ban đầu của mình

Bệnh nhân Covid-19 TP.HCM: Nhìn bác sĩ, tôi hối hận vì hành động ban đầu của mình

Lúc mới đến bệnh viện, chị C. chưa được phục vụ đồ ăn, nước uống nên gọi về nói với gia đình mình bị bác sĩ bỏ đói. Cho đến khi nhìn thấy các y bác sĩ, lực lượng chống dịch ngày đêm làm việc chị vô cùng hối hận.