Hơn 1 tuần dựng mạng lưới với hàng nghìn bác sĩ

TS.BS Lê Tuấn Thành, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, Ủy viên BCH Hội Thầy thuốc Trẻ Việt Nam và là một trong ba thành viên sáng lập chính của Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành.

Người được mệnh danh là “Kiến trúc sư trưởng” của mạng lưới này chia sẻ, cuộc họp đầu tiên để thành lập mạng lưới vào ngày 22/7.

Trong cuộc họp, “cha đẻ” của Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành, PGS.TS Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, lúc đó là Tổ trưởng Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống dịch CoVid-19, đề nghị phải có một hệ thống tổng đài để giải tỏa, chia sẻ áp lực của Tổng đài 1022 tại “điểm nóng” TP.HCM.

Trong khi đó, TS Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y Tế, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, lại có trăn trở làm sao chăm sóc, hỗ trợ cho F0 tại nhà. Đồng thời có thể động viên tinh thần, tìm phương án hỗ trợ nếu F0 chuyển nặng.

{keywords}
TS.BS Lê Tuấn Thành, một trong ba thành viên sáng lập chính của Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành.

“Sau cuộc họp, tôi bắt tay xây dựng mô hình hoạt động dựa trên 2 nhiệm vụ trên. Tổng đài có 2 hướng hoạt động, đó là các bác sĩ chủ động gọi điện để sàng lọc, tư vấn, theo dõi bệnh nhân cũng như là xác định nguy cơ và kết hợp y tế địa phương để đưa F0 trở nặng đến bệnh viện. Thứ 2, chúng tôi nhận các cuộc gọi của bệnh nhân, ưu tiên cuộc gọi khẩn cấp, để xác thực tình trạng, hỗ trợ F0”, anh nói.

Theo anh, đây là mô hình sàng lọc nguy cơ người bệnh tại cộng đồng dựa trên nguyên tắc Steps Care - phân tầng để tương ứng với tư vấn, vận chuyển, hỗ trợ cấp cứu. 

Chỉ hơn 1 tuần ngắn ngủi, họ chạy đua với thời gian, miệt mài thiết kế hệ thống, xây dựng các văn bản thành lập mạng lưới. “Ra quyết định nào đó, chúng tôi không có thời gian để đắn đo”, anh nói thêm.

Trong số hơn 10 nghìn đơn đăng ký của các y bác sĩ, tình nguyện viên, họ đào tạo chuyên môn và hướng dẫn sử dụng phần mềm được 6.300 y bác sĩ để phục vụ người dân. Ngoài ra, có hơn 500 tình nguyện viên và chuyên gia công nghệ để hỗ trợ cho 6.300 thầy thuốc của tổng đài.

Đào tạo, tập huấn các thầy thuốc cũng là một bài toán khó của mạng lưới. Bởi việc huy động, sàng lọc và đào tạo nguồn lực lớn cả trong và ngoài nước trong trong thời gian gấp rút không hề dễ dàng. May mắn, họ có sự giúp sức của hệ thống chuyên gia đầu ngành như BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; TS Phạm Quang Thái, trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc; TS Hà Anh Đức Chủ tịch Hội Thầy Thuốc Trẻ Việt Nam, BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

“Chúng tôi cùng nhau đưa ra kiến thức tốt nhất để đào tạo y bác sĩ, sau đó, các y bác sĩ này phải trải qua các đợt kiểm tra, đánh giá trước khi đi vào hoạt động. Họ cũng thường xuyên, liên tục cập nhật kiến thức để đảm bảo chất lượng phục vụ người dân”, TS.BS Thành nói thêm.

Theo TS.BS Lê Tuấn Thành, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đã thực sự lấy của anh và đồng nghiệp nhiều nước mắt, bởi những câu chuyện cảm động họ nhận được từ tình cảm của người dân trong suốt quá trình đồng hành chống lại Covid-19 .

Đó là khoảnh khắc vào 11h trưa ngày 1/8/2021, khi phía đội ngũ kỹ thuật thông báo: “Hệ thống thông rồi!”, anh bật khóc. “Lúc đó – mạng lưới chính thức khởi động, tôi biết, chúng tôi có thể làm được gì đó cho người dân TP.HCM”, anh nói.

‘Kênh nóng’ G23 ra đời

Sau một tuần đi vào hoạt động, công việc quá tải do khối lượng thông tin bùng nổ, dịch bùng phát ngày càng mạnh khiến nhiều thành viên có dấu hiệu uể oải, mệt mỏi.

“Một số trường hợp các bác sĩ trẻ, ít kinh nghiệm vì vậy khi gọi điện gặp trường hợp người bệnh đã mất trước đó khiến họ bị sốc về tâm lý, không thể tiếp tục công việc của mình. Các nhóm làm việc thường phải có những buổi nói chuyện, giải tỏa áp lực tâm lý cao cho bác sĩ”, BS.Thành nói.

Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành có 31 nhóm tổng đài chăm sóc. 22 nhóm đầu dành cho khu vực TP.HCM, được mã hóa theo đơn vị quận huyện như 760, 761, 762… để trong lúc giao tiếp không lộ thông tin người bệnh.

{keywords}
Bác sĩ mạng lưới đang chăm sóc, hỗ trợ F0.

Trong quá trình đó, mạng lưới cũng nhận các cuộc gọi khẩn cấp từ Tổng đài 1022 nhánh 4 chuyển sang. Đó là những cuộc gọi kêu cứu của người dân được mã hóa y tế khẩn cấp, được triển khai bởi Sở Thông tin truyền thông TP.HCM theo đề xuất của Thứ Trưởng Bùi Thế Duy.

Tối muộn ngày 4/8/2021, số trường hợp được mã hóa y tế khẩn cấp tăng đột ngột. Đầu mối Sở Thông tin truyền thông gọi điện cho BS Thành trao đổi tình hình. Ngày 5/8, mạng lưới đã tiến hành tuyển gấp rút các y bác sĩ mới để thành lập nhóm G23. Người được chọn là các y bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm, từng nhiều lần đối mặt với sinh tử và phải vững vàng trong chuyên môn.

Ngày 6/8/2021, nhóm G23 chính thức đi vào hoạt động, các bác sĩ thay phiên nhau tình nguyện trực online 24/24 để xử lý mã hỗ trợ y tế khẩn cấp.

“Không ít bác sĩ dù có nhiều năm kinh nghiệm nhưng do phải tiếp xúc với trường hợp nặng liên tục cũng không chịu được áp lực tâm lý nên đành xin rút. Với số lượng 100 bác sĩ, sau 1 tuần, chúng tôi “rụng” mất 60% nhân lực ở nhóm này. Mạng lưới lại liên tục tuyển mới để bổ sung. Đến ngày cuối cùng, khi Tổng đài 1022 nhánh 4 tạm đóng lại, may sao vẫn còn hơn 50 bác sĩ “chiến đấu” trong nhóm “đặc nhiệm” này”, anh Thành nói thêm.

Theo thống kê của Sở Thông tin truyền thông, nhóm G23 đã hỗ trợ dc 9.300 trường hợp F0, trong đó hơn 1.200 trường hợp nguy kịch được nhóm hỗ trợ đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Cuộc gọi lúc nửa đêm

Bên cạnh nhiều cuộc gọi khẩn thiết của F0 cần hỗ trợ y tế, cũng không ít cuộc gọi chỉ vì lý do không liên quan đến chuyên môn cũng khiến các bác sĩ “đau đầu”.

Theo BS. Thành, có trường hợp “tấn công” mạng lưới suốt 1 ngày. Đó là một người thấy hàng xóm là F0 đã hoảng loạn, gọi báo: “Bà kia sắp chết rồi, nặng lắm rồi, bác sĩ phải đến ngay”. Với tình huống ngày, các bác sĩ kiên trì, phối hợp với y tế địa phương đến tận nơi đánh giá tình trạng bệnh nhân. Sau khi đánh giá thấy bệnh nhân ổn định, không nguy hiểm, bác sĩ lại tiếp tục trấn an, tư vấn kiến thức cho người gọi điện.

BS Thành cũng chia sẻ, anh đặt số điện thoại của mình ở cuối cùng danh sách. Theo đó về đêm các bác sĩ để tình trạng off hoặc lúc mạng lưới quá tải, bệnh nhân gọi đến vẫn sẽ có người nghe máy.

Có lần 2h sáng, anh nhận được cuộc gọi của một bệnh nhân nam sinh năm 1994, là công nhân ở một khu trọ. Vừa nhấc máy, BS Thành thấy bệnh nhân khóc nức nở. Anh là F0 từ 2 tháng nay, vừa rồi phòng trọ có 2 người bạn trở nặng phải nhập viện cấp cứu, anh càng lo lắng về tình trạng của mình.

“May mắn em gọi được anh, hai tháng nay em không liên lạc được với bác sỹ nào, em không biết tình trạng sức khỏe của em giờ ra sao, em còn dương tính không, nếu như này em có thể làm gì để về quê?”, bệnh nhân nói. BS Thành đã trấn an và sau khi đánh giá sơ bộ thấy người bệnh không còn triệu chứng, anh kiên trì giải thích và sau đó chuyển giao lại cho y tế địa phương để giúp F0 này xét nghiệm, có phương án về quê.

Cũng theo người sáng lập Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, mạng lưới có quy định, sau 10 ngày theo dõi, nhận định trường hợp F0 không nguy cơ, các bác sĩ sẽ dừng lại để chuyển sang chăm sóc người bệnh khác. Nhưng có những trường hợp F0 là người già 70, 80 tuổi không có người thân bên cạnh do dịch bệnh khiến các bác sĩ phải đắn đo khi ngừng kết nối.

“Vì trái tim mách bảo, họ vẫn tiếp tục nói chuyện với bệnh nhân. Đến khi các F0 có tiếp cận được với y tế địa phương, người thân, hàng xóm, các bác sỹ của chúng tôi mới yên tâm dừng lại”, anh Thành nói thêm.

Giai đoạn sau khi đi vào hoạt động, nhiều bác sĩ mệt mỏi do công việc quá tải, Tổ trợ lý vận hành của mạng lưới đã đưa ra ý tưởng là bác sĩ nào thực hiện được 50 cuộc gọi cho F0 sẽ được nhận 1 ngôi sao hy vọng. “Điều đơn giản như vậy nhưng lại là động lực cho các y bác sĩ. Họ hoàn toàn hoạt động tình nguyện, đối mặt với nhiều áp lực, căng thẳng nhưng chưa một lần họ hỏi gì về sự khen thưởng, hỗ trợ.

Có lẽ điều duy nhất để các y bác sĩ đồng tâm hoạt động chính là tình yêu nghề. Khi thấy bệnh nhân có nguy cơ tử vong, chúng tôi đã rất quyết liệt để cứu người - đây là phản xạ nghề nghiệp tự nhiên và cộng thêm suy nghĩ đây là đồng bào của mình đang trong đợt dịch nguy hiểm.

Chúng tôi cũng như Sở Y tế TP.HCM đã thống nhất đánh giá rằng, nếu không có biện pháp mạnh mẽ này hỗ trợ người dân trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát dữ dội vừa qua, có lẽ số trường hợp tử vong còn cao hơn nữa. Đó là động lực giúp chúng tôi tiếp tục hỗ trợ người dân nếu có gửi gắm từ địa phương”, TS.BS. Lê Tuấn Thành nói về động lực để giúp họ theo đuổi công việc tại mạng lưới.

Thành lập từ ngày 1/8 đến 10/10/2021, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đã chăm sóc, sàng lọc 373.096 bệnh nhân Covid-19, chiếm đến 42% số F0 cả nước. Với những nỗ lực không mệt mỏi, qua 2 tháng, 10.028 tình nguyện viên là y bác sĩ đã chăm sóc từ xa cho 373.096 bệnh nhân. Ngày 12/11/2021, nhằm tăng cường tư vấn và hỗ trợ cho người bệnh Covid-19 đang có xu hướng tăng lại trong thời gian gần đây trên địa bàn TP.HCM, Sở Y tế đã quyết định kích hoạt lại mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" để tư vấn hỗ trợ F0. 

Từ tháng 8/2021, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đã hoạt động trong bối cảnh TP.HCM và các tỉnh phía Nam bùng phát dịch. Các bác sĩ trong mạng lưới đã góp công lớn trong kết nối, tư vấn, chăm sóc F0 từ xa, phát hiện kịp thời ca chuyển nặng và thông báo y tế cơ sở chăm sóc, xử trí phù hợp.

Tại Hà Nội, với tình hình dịch Covid căng thẳng, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành do Sở Y tế Hà Nội và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp triển khai đã tư vấn F0 hoặc người nguy cơ cao mắc Covid-19 trong cộng đồng. Mạng lưới có khoảng 300 y, bác sĩ, sinh viên, đang công tác tại các bệnh viện, trường y, dược, Hội thầy thuốc trẻ TP Hà Nội...

Ngày 31/12/2021, Sở Y tế Hà Nội ban hành hướng dẫn quy trình phối hợp giữa trạm y tế, tổ hỗ trợ quản lý, theo dõi người mắc Covid-19 tại nhà và mạng lưới thầy thuốc đồng hành. Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết mạng lưới bác sĩ ở tổng đài 1022 đã thể hiện y tế luôn đồng hành với người dân.

Ngọc Trang

Kết thúc cuộc gọi, người vui mừng, người rơi nước mắt

Kết thúc cuộc gọi, người vui mừng, người rơi nước mắt

Khi sức khỏe F0 ổn định, bác sĩ Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành thông báo sẽ dừng kết nối với bệnh nhân. Dù chỉ liên lạc qua điện thoại nhưng người bệnh vẫn ngậm ngùi khi phải nói lời tạm biệt.