- Sau ăn tiết canh 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đau đầu, ban tím nổi khắp mặt và chân.

BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, bệnh nhân là Đỗ Nguyên Long, 67 tuổi, Phú Thọ, được chuyển đến bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hôm 19/5.

Trước đó 2 ngày, ông Long ra quán gần nhà ăn tiết canh. Ngay ngày hôm sau, bệnh nhân sốt cao, đau đầu, nôn, ý thức lơ mơ, ban tím nổi nhiều vùng mặt, vành tai, cẳng tay và đùi 2 bên.

{keywords}
Bệnh nhân hoại tử vì nhiễm liên cầu khuẩn

Gia đình vội đưa ông đến bệnh viện đa khoa Phú Thọ cấp cứu. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng do mắc liên cầu lợn, huyết áp tụt nên chuyển thẳng đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

"Khi đến bệnh nhân đã rất nguy kịch. Chúng tôi đã cấp cứu tích cực, dùng kháng sinh, thuốc vận mạch, thở máy, lọc máu liên tục nhưng vẫn không cải thiện, các nốt ban hoại tử vẫn tiếp tục lan rộng, tiên lượng xấu. Đến ngày 21/5, gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà", BS Cấp thông tin.

Theo BS Cấp, khi mắc liên cầu khuẩn bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất lớn nếu bị nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm não. Bệnh nhân sẽ phải trải qua quá trình điều trị hàng tháng ròng, chi phí lên tới hàng trăm triệu.

Dù đã được tuyên truyền nhiều về nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn khi ăn tiết canh, song với hầu hết người Việt, đây vẫn là món khoái khẩu trong các bữa nhậu.

T.Hạnh