Chính quyền và các chuyên gia Trung Quốc đang tranh cãi về nguồn gốc của sự bùng phát virus corona. Ai là “bệnh nhân số không” của ổ dịch này?

“Bệnh nhân số không” là thuật ngữ dùng để chỉ người đầu tiên nhiễm bệnh do virus hoặc vi khuẩn của một ổ dịch.

Những tiến bộ trong phân tích di truyền hiện nay có thể tìm lại nguồn gốc của virus thông qua những người đã bị nhiễm bệnh. Kết hợp với các nghiên cứu dịch tễ học, các nhà khoa học có thể xác định chính xác ai có thể là người đầu tiên truyền bệnh và kích hoạt sự bùng phát.

Xác định những người này có thể giúp giải quyết các câu hỏi quan trọng về cách thức, thời gian và nguyên nhân gây bệnh. Những điều này sau đó có thể giúp ngăn chặn nhiều hơn những ca bị nhiễm bệnh.

Nhưng liệu chúng ta có thể tìm ra ai là “bệnh nhân số không” trong đợt bùng phát Covid-19 bắt đầu ở Trung Quốc hay không?

Câu trả lời là không.

{keywords}

Người dân Vũ Hán nhận rau mua theo nhóm (Ảnh: Reuters)

Chính quyền Trung Quốc ban đầu báo cáo rằng trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên là vào ngày 31/12/2019. Sau đó, nhiều trường hợp khác bị nhiễm bệnh giống viêm phổi đã ngay lập tức được kết nối với một chợ hải sản và động vật ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Khu vực này là tâm điểm của sự bùng phát với gần 82% trong số 75.000 trường hợp tại Trung Quốc và trên toàn cầu được ghi nhận là từ đây, theo số liệu thống kê của ĐH Johns Hopkins.

Tuy nhiên, nghiên cứu do các nhà khoa học Trung Quốc công bố trên tạp chí y khoa Lancet lại chỉ ra người đầu tiên được chẩn đoán mắc Covid-19 là vào ngày 1/12/2019, sớm hơn rất nhiều và người đó “không có liên hệ” gì với chợ hải sản.

Wu Wenjuan, một bác sĩ cao cấp tại Bệnh viện Jinyintan của Vũ Hán và là một trong những tác giả của nghiên cứu nói rằng, bệnh nhân là một người đàn ông lớn tuổi mắc bệnh Alzheimer.

“Ông ấy sống cách 4-5 trạm xe bus từ chợ hải sản. Vì bị bệnh nên ông ấy đã không đi ra ngoài”.

Bà cũng cho biết, ba người khác đã xuất hiện các triệu chứng trong những ngày tiếp theo. Hai trong số họ cũng không tiếp xúc với chợ hải sản.

{keywords}

Một người dân trang bị bảo vệ cơ thể tại một khu dân cư ở Vũ Hán (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, 27 trong số 41 bệnh nhân nhập viện trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát đã tiếp xúc với chợ.

Giả thuyết cho rằng dịch bệnh bắt đầu từ chợ và có thể đã được truyền từ động vật sống sang vật chủ trước khi lây từ người sang người vẫn được coi là có khả năng nhất, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Vì vậy, một người thực sự có thể kích hoạt một ổ dịch lớn hay không?

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, vụ dịch Ebola năm 2014-2016 ở Tây Phi là vụ dịch lớn nhất kể từ khi virus gây bệnh được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1976. Nó đã giết chết hơn 11.000 người và lây nhiễm trên 28.000 người.

Vụ dịch kéo dài hơn 2 năm và xuất hiện ở 10 quốc gia, chủ yếu ở Châu Phi, nhưng cũng có trường hợp được báo cáo ở Mỹ, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Ý.

Các nhà khoa học kết luận, sự bùng phát của một chủng Ebola bắt đầu chỉ với một người - một cậu bé 2 tuổi đến từ Guinea - người có thể đã bị nhiễm bệnh khi chơi trong thân cây rỗng có một đàn dơi.

Nhưng có lẽ, “bệnh nhân số không” được cho nổi tiếng nhất trong lịch sử là Mary Mallon (người Hồi giáo) vì đã gây ra dịch bệnh sốt thương hàn ở New York vào năm 1906.

Xuất thân từ Ireland, Mallon di cư sang Mỹ, nơi cô bắt đầu làm việc cho các gia đình giàu có với vai trò là đầu bếp. Sau khi phát hiện ra ổ dịch tại các gia đình giàu có ở New York, các bác sĩ đã tìm ra Mallon. Bất cứ nơi nào cô làm việc, các thành viên trong gia đình cũng đều bắt đầu bị sốt thương hàn.

Các bác sĩ gọi cô là người mang mầm bệnh khỏe mạnh - một người bị nhiễm bệnh nhưng ít có biểu hiện hoặc không có triệu chứng của bệnh. Vì thế, cô tiếp tục lây nhiễm cho nhiều người khác. Mallon là một trong những trường hợp được ghi nhận sớm nhất về người có khả năng siêu lây lan.

Nhưng thuật ngữ “bệnh nhân số không” theo các chuyên gia y tế cũng mang ẩn ý và sự kỳ thị. Vì thế, nhiều người đã chống lại việc xác định trường hợp đầu tiên được ghi nhận gây ra dịch bệnh vì sợ rằng nó có thể dẫn đến sự không rõ ràng về căn bệnh hoặc thậm chí khiến người này trở thành nạn nhân.

Trường Giang (Theo BBC)

Thế giới ‘chạy đua’ chế tạo bộ chẩn đoán nhanh virus corona

Thế giới ‘chạy đua’ chế tạo bộ chẩn đoán nhanh virus corona

Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang làm việc gấp rút để phát triển bộ xét nghiệm chẩn đoán virus corona với mục tiêu cho kết quả trong thời gian kỷ lục.