Chiều nay (9/7), Bộ Y tế phát động chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch bạch hầu, trước hết tại 4 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, bao gồm Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông. Đối tượng của chiến dịch là những người từ 2 tháng tuổi trở lên.

Trong đó, trẻ từ 2 đến 18 tháng tuổi tiêm 1 mũi vắc xin 5 trong 1; trẻ từ 19 đến 48 tháng tuổi tiêm 1 mũi vắc xin DPT và người từ 4 tuổi trở lên tiêm 2 mũi vắc xin Td (mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng).

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh, tiêm vắc xin bạch hầu là một trong những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất, mang ý nghĩa chống dịch toàn diện và bền vững.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên. Đây là kế hoạch có quy mô lớn từ trước đến nay tại Việt Nam.

{keywords}
Đoàn công tác Bộ Y tế trong buổi phát động chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch bạch hầu tại Tây Nguyên

Mục tiêu chung của kế hoạch là đảm bảo ít nhất 90% các đối tượng từ 2 tháng tuổi đến 40 tuổi tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông được sử dụng vắc xin chứa thành phần bạch hầu đảm bảo an toàn.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tới ngày 8/7, khu vực Tây Nguyên ghi nhận 68 ca dương tính với bạch hầu. Đắk Lắk là tỉnh mới nhất ghi nhận ca mắc đầu tiên, Đắk Nông có 27 ca; Gia Lai có 16 ca; Kon Tum có 24 ca; Đắk Lắk có 1 ca.

Trong đó, có 3 trường hợp tử vong, đều là người sống ở vùng sâu, vùng xa và được phát hiện muộn.

Về độ tuổi của người mắc bạch hầu, có 3 trường hợp dưới 1 tuổi, 8 trường hợp từ 1 tới 7 tuổi, 37 ca từ 8 tới 40 tuổi, 5 trường hợp trên 40 tuổi. Đa số các bệnh nhân đều không được tiêm vắc xin có chứa thành phần phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch.

{keywords}
Gần 4,7 triệu người tại 4 tỉnh Tây Nguyên sẽ được tiêm các mũi vắc xin khác nhau để phòng chống dịch bạch hầu

Báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về kết quả tiêm chủng 5 tháng đầu năm 2020 cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ thấp. Do vậy, để khống chế dịch bệnh, đảm bảo duy trì miễn dịch cộng đồng, việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên là cần thiết.

​Dự kiến, chiến dịch này sẽ tiêm chủng khoảng 120.000 liều vắc xin 5 trong 1; gần 280.000 liều vắc xin DPT và hơn 10 triệu liều vắc xin Td. Như vậy, gần 4,7 triệu người tại 4 tỉnh Tây Nguyên sẽ được tiêm các mũi vắc xin khác nhau để phòng chống dịch bạch hầu.

Nguyễn Liên

63 ca mắc bạch hầu, quyền Bộ trưởng Y tế họp khẩn

63 ca mắc bạch hầu, quyền Bộ trưởng Y tế họp khẩn

Bộ Y tế có cuộc họp khẩn với các chuyên gia do dịch bạch hầu đang lan rất nhanh, gấp 3 lần năm ngoái.