Iran và Israel có thể là kẻ thù của nhau, song dường như hai bên đã hợp tác với nhau trong khuôn khổ một tổ chức quốc tế được lập ra để giám sát lệnh cấm thử nghiệm bom hạt nhân.

"Lúc làm việc, khi chúng tôi ngồi bên bàn tròn thảo luận, hoặc ăn tối, ăn trưa, bạn sẽ chứng kiến các chuyên gia Israel và Iran ngồi cùng một bàn", Lassina Zerbo, thành viên của một ủy ban hàng đầu thuộc Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) nói với Reuters.

{keywords}

Các công nhân Iran đứng trước nhà máy điện hạt nhân Busher

"Chẳng có gì là lạ, khi chúng tôi chứng kiến điều đó trong lĩnh vực công nghệ, có những người không hòa hợp về vấn đề chính trị, song vẫn có quan điểm chung trong lĩnh vực khoa học", ông Zerbo nói.

Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện được thành lập vào những năm 1990 và nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên toàn cầu. Tuy nhiên, hiện hiệp ước trên chưa có hiệu lực do 8 quốc gia, gồm cả Israel, Iran và Mỹ chưa phê chuẩn.

CTBTO đã thiết lập một hệ thống cho phép phát hiện bất cứ một vụ thử hạt nhân nào xảy ra, do tổ chức có 337 điểm giám sát nằm rải rác khắp toàn cầu.

Hiện, ở Israel có hai điểm giám sát hạt nhân, còn ở Iran có một. Tuy nhiên, theo ông Zerbo, điểm giám sát ở Iran đã không hoạt động kể từ 2006 khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt với Tehran. Lệnh trừng phạt khiến việc nâng cấp cơ sở này gặp khó khăn.

Israel, nước duy nhất được cho là có sức mạnh hạt nhân ở Trung Đông, đã từ lâu nghi ngờ Iran muốn chế tạo vũ khí hạt nhân. Thậm chí là một thỏa thuận khung liên quan tới tham vọng hạt nhân của Tehran, được ký hôm 2/4 giữa Iran và nhóm P5+1 (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ và Đức) cũng không làm giảm bớt nỗi lo của Israel.

Ông Zerbo bày tỏ hy vọng có thể đưa Iran trở lại tổ chức và đặt nước này vào mạng lưới phát hiện các vụ thử hạt nhân như Israel để việc phát hiện các hoạt động hạt nhân có thể xảy ra trở nên dễ dàng hơn.

Hoài Linh