Các cuộc kiểm tra sức khỏe, sống trong một trung tâm tị nạn, và bị an ninh theo dõi suốt 24/24… chỉ là một phần trong những gì mà ‘người thổi còi’ Mỹ Edward Snowden sẽ phải đối mặt trong vài tuần tới, nếu như người này có thể bước ra khỏi khu vực chờ tại sân bay Moscow, Nga.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Edward Snowden - người đang bị Mỹ truy lùng vì đã tiết lộ các chương trình nghe lén bí mật của Mỹ

Cơ quan Nhập cư Liên bang Nga (FMS) phải mất tới ba tháng để xem xét đơn xin tị nạn của Snowden.

Luật sư người Nga của Snowden là Anatoly Kucherena cho biết thân chủ của ông ‘nóng lòng chờ đợi tin tức có thể đến bất cứ lúc nào’.

Các quan chức FMS cũng nói rằng câu trả lời chính thức có thể sẽ đưa ra trong vòng 1 tuần làm việc, tuy nhiên trước tiên họ cần xác minh xem liệu Edward Snowden có đúng là người như ông ta nói hay không, vì hộ chiếu của ông đã bị ủy. FMS nói rằng họ chỉ biết Snowden thông qua những gì mà ông này tuyên bố.

Nếu như đơn xin tị nạn được chấp thuận và Snowden được phép ở lại Nga trong vòng 12 tháng kế tiếp, ‘người thổi còi’ của Mỹ sẽ có thể rời khu vực trung chuyển của sân bay Sheremetyevo và tiến hành các thủ tục xét nghiệm y tế dành cho người nhập cư.

Cùng với việc xét nghiệm các bệnh như HIV và bệnh lao, Snowden sẽ phải kiểm tra xem có bị bệnh phong và các bệnh có thể lây truyền khác. Các quan chức bộ Y tế Nga cho biết họ đã sẵn sàng tiến hành các xét nghiệm này, nhưng vẫn chưa nhận được yêu cầu nào từ phía Snowden.

Sau khi đăng ký nơi tạm trú của mình với cảnh sát (để trán bị phạt 150 USD), Snowden có thể tự do đăng ký nơi ở cho những người xin tị nạn. Tại Moscow không có nơi nào như vậy, còn các khu vực tương tự ở vùng phụ cận đã chứa đầy những người tị nạn trốn khỏi cuộc xung đột ở Syria.

Ngoài ra, một số người còn có thể tị nạn ở Perm cách Moscow 1000km về phía đông.

Tuy nhiên, luật sư của Snowden cho rằng việc thân chủ của ông ở đâu không phải là vấn đề.

“Snowden có thể tự quyết định việc ông ấy sống ở đâu một khi ra khỏi sân bay. Ông ấy không nhất thiết phải sống trong khu tị nạn của chính phủ. Việc đó do ông ấy tự quyết. Ông ấy có thể sống ở khách sạn, hoặc thuê một phòng riêng chẳng hạn”.

Tuy nhiên, thư ký báo chí của FMS Vladimir Volokh nói rằng việc Snowden rời khỏi sân bay là một ‘ý tưởng tồi’ vì khi đó, an toàn của bản thân Snowden sẽ không còn được đảm bảo khi bước qua cánh cửa nhập cảnh.

“Tôi không nghĩ rằng việc Snowden có thể tự do đi lại trong nước Nga là một điều hay, vì ông ấy là người đang bị truy lùng” – Volokh nói.

Ngay cả khi Snowden có vệ sĩ riêng và có một căn hộ được bảo vệ cẩn mật tại địa điểm bí mật, tương lai của người bị coi là ‘kẻ phản bội nước Mỹ’ vẫn rất mơ hồ, và thực tế này thật sự rất khác so với những gì mà nhân vật này hình dung ra khi ghi lại những tiết lộ đầu tiên.

Một người tị nạn chính trị tạm thời được phép tìm việc làm, nhưng không được phép gây cản trở thêm mối quan hệ giữa Moscow và Washington. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng điều kiện tiên quyết đối với đơn xin tị nạn của Snowden là ‘không ngầm phá hoại nước Mỹ thêm nữa’, và Snowden đã phải hứa thực hiện theo điều kiện này với các nhà hoạt động nhân quyền hai tuần trước đây.

“Snowden ở đây là vì ông ấy đã bị kẹt” – nhà phân tích chính trị nổi tiếng người Nga Fyodor Lukyanov của tờ Global Affairs nói.

‘Ông ấy chắc chắn sẽ không bao giờ được phép tiết lộ thêm dữ liệu nữa. Và trong trường hợp đó thì Snowden sẽ chẳng có gì để làm ở Nga cả” – Lukyanov nói thêm.

Lê Thu (theo RT)