70 năm qua, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn cả nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ chủ nghĩa.

Góp sức xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ

Ngày 19/7/1946, Quyền Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng đã ký Sắc lệnh số 130 ấn định thể thức thi hành phải ghi trên các bản toàn sao hay trích sao án hoặc mệnh lệnh.

Nhìn lại chặng đường 70 năm đã qua, toàn thể cán bộ, công chức, người lao động các thế hệ làm công tác thi hành án dân sự TP Hà Nội không khỏi bồi hồi, xúc động, phấn khởi, tự hào với tinh thần quyết thắng, đoàn kết vượt mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Hướng đến ngày Hội lớn của hệ thống thi hành án dân sự cả nước, 70 năm, một chặng đường khá dài với nhiều thăng trầm biến đổi, nhiều gian khổ khốc liệt, nhiều sự kiện vui - buồn, nhiều nụ cười - nước mắt… Trong dòng thời gian ấy, có một cột mốc lịch sử sáng ngời và đã trở thành nét son hình thành Ngày Truyền Thống Thi hành án dân sự Việt Nam.

{keywords}

Lật lại những trang sử vẻ vang của đất nước, sẽ dễ dàng nhận ra khi có sự xâm phạm, áp đặt của một thế lực từ bên ngoài thì tinh thần yêu nước trong tim của mỗi người dân Việt Nam nói chung và nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng luôn trỗi dậy mạnh mẽ.

Trong 2 cuộc đấu tranh trường kỳ của dân tộc để giành lại độc lập, các thế hệ làm công tác Thi hành án dân sự trên địa bàn TP Hà Nội vừa là hậu phương cung cấp, nuôi dưỡng, che giấu cán bộ; vừa là tiền tuyến đối đầu chiến đấu ác liệt với các phần tử phản động, vi phạm pháp luật, vi phạm chính sách hậu phương quân đội, tạo niềm tin cho những người đang mặt trận và tiền tuyến lớn.

Trên mỗi chặng đường máu lửa ấy, các thế hệ làm công tác Thi hành án dân sự trên địa bàn thủ đô Hà Nội đã góp phần xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc, thống nhất Tổ quốc, giữ vững chính quyền còn non trẻ của cách mạng.

Trong dòng chảy của lịch sử - xã hội, cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan thi hành án dân sự TP Hà Nội đã vượt qua nhiều thử thách gian nan, đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp chung của cách mạng.

Hành trình & sứ mệnh mới

Chuyển sang giai đoạn mới của cách mạng, khi cả nước ta bước vào công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, các thế hệ làm công tác thi hành án dân sự của Thủ đô Hà Nội lại tiếp tục một hành trình mới với sứ mệnh mới, nhiệm vụ mới.

Với đường lối đổi mới, cải cách bộ máy nhà nước nói chung và cải cách tư pháp nói riêng, tại kỳ họp thứ nhất ngày 06/12/1992, Quốc hội khoá IX thông qua Nghị quyết về việc bàn giao công tác thi hành án từ Toà án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ. Ngày 02/6/1993, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 266/TTg về triển khai việc bàn giao và tăng cường công tác thi hành án dân sự.

Trên thực tế, đến hết tháng 6/1993 thì việc thành lập các cơ quan thi hành án và bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Toà án nhân dân các cấp sang các cơ quan của Chính phủ đã được thực hiện xong. Khi đó Thủ đô Hà Nội hiện nay vẫn còn là thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ) nên các Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự.

Cơ quan thi hành án dân sự thành lập ở Thủ đô Hà Nội khi đó là Phòng thi hành án thuộc Sở Tư pháp TP Hà Nội, ở Hà Tây là Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp Hà Tây. Đội thi hành án được thành lập tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ) và chịu sự quản lý nhà nước của Phòng Tư pháp cấp huyện.

Thời điểm này biên chế, lực lượng cán bộ làm công tác Thi hành án dân sự (bao gồm cả Thi hành án dân sự TP Hà Nội và Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tây) gồm 110 người, với 44 Chấp hành viên (chiếm 38%) và 66 cán bộ. Khối lượng công việc nhận bàn giao từ Tòa án nhân dân chuyển sang là 4.669 việc, tương đương với số tiền 6 tỷ 819 triệu 395 nghìn đồng.

Khi mới nhận bàn giao, hầu hết các cơ quan Thi hành án dân sự gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu và chưa được trang bị đầy đủ, trụ sở làm việc chật hẹp. Chi bộ Đảng ở cấp tỉnh trực thuộc Đảng bộ Sở Tư pháp. Chi bộ Đảng ở cấp huyện sinh hoạt chung với Chi bộ Phòng Tư pháp, chưa có tổ chức Công đoàn và Đoàn Thanh niên. Với những ngày đầu khó khăn như thế, tập thể lãnh đạo và công chức Thi hành án dân sự hai đơn vị đã từng bước khắc phục khó khăn, yếu kém để dần khẳng định vị thế của cơ quan Thi hành án dân sự.

Về mặt thể chế, nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành thi hành án dân sự được ban hành với những quy định chặt chẽ, rõ ràng và phù hợp hơn với thực tiễn thi hành án, trong đó phải kể đến Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 21/4/1993, Nghị định số 30/CP ngày 02/6/1993 “về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên”, Nghị định số 69/CP ngày 18/10/1993 “quy định thủ tục thi hành án dân sự”, Thông tư liên ngành số 981/TTLN ngày 21/9/1993 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao “hướng dẫn thực hiện một số quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự”.

Bước ngoặt hợp nhất

Tháng 8/2008, Thi hành án dân sự TP Hà Nội và Thi hành án dân sự Tỉnh Hà Tây hợp nhất theo Nghị quyết số 15/2008/NQ - QH ngày 29/5/2008 của Quốc hội khoá XII đánh dấu một bước ngoặt trọng đại của hệ thống thi hành án dân sự ở Thủ đô Hà Nội.

Những ngày đầu hợp nhất, thuận lợi cũng nhiều nhưng khó khăn, thử thách thì lớn hơn (vừa thiếu thốn, khó khăn về cơ sở vật chất, vừa phải làm sao để hai cơ quan về với nhau nhưng phải là một..). Nhưng với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hết mình, các cơ quan Thi hành án dân sự TP Hà Nội đã bố trí ổn định công tác, Thi hành án dân sự Thành phố và 29 đơn vị cấp huyện với 439 các công chức, trong đó có 182 Chấp hành viên đã vào một guồng máy chung, thống nhất, chung sức, đồng lòng.

Cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp Thành phố phải giải quyết 37.820 việc, với số tiền phải thi hành là 1.420.677.817.000 đồng; đã giải quyết xong về việc: 20.037 việc, đạt 82 %/số có điều kiện thi hành, về tiền: 511.837.349.000 đồng, đạt 71% số có điều kiện thi hành.

Ngày 06/11/2009, Bộ Tư pháp phối hợp với UBND TP Hà Nội đã tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Cục Thi hành án dân sự thành phố và 29 Chi cục Thi hành án dân sự; đồng thời công bố Quyết định bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo của Cục và 29 Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội, sớm nhất trong toàn quốc, tạo điều kiện để các cơ quan Thi hành án dân sự sớm ổn định và đi vào hoạt động bình thường.

Ngày 21/2/2014, Bộ Tư pháp có Quyết định về việc thành lập Chi cục Thi hành án dân sự quận Nam Từ Liêm, quận Bắc Từ Liêm, xây lên thành 30 Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc TP Hà Nội. Đảng bộ Cục Thi hành án dân sự thành phố có 05 Chi bộ trực thuộc. Các Chi cục Thi hành án dân sự được thành lập Chi bộ trực thuộc cấp ủy địa phương. Về biên chế, hiện nay tổng biên chế của các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã thực hiện là 514/526 biên chế.

Được sự quan tâm sâu sắc của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự và Lãnh đạo TP Hà Nội, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn có những chuyển biến tích cực so với giai đoạn trước khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính.

Đặc biệt, sau khi triển khai thực hiện Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014, hệ thống tổ chức Thi hành án dân sự được tổ chức và quản lý tập trung, thống nhất theo ngành dọc, vị thế cơ quan Thi hành án dân sự trong hệ thống cơ quan Nhà nước được nâng lên rõ rệt; đội ngũ công chức thi hành án dân sự tại TP Hà Nội không ngừng được tăng cường về số lượng và nâng cao chất lượng, kết quả thi hành án năm sau cao hơn năm trước và có tính bền vững.

Kết quả thi hành án dân sự từ năm 1993 đến 2013: Tổng số việc phải thi hành trên 335 ngàn việc, tương đương với số tiền hơn 16 ngàn tỷ đồng. Số thụ lý mới từ 1993 đến 2013 là trên 334 ngàn việc, tương đương với số tiền hơn 15 ngàn tỷ đồng. Đã giải quyết trên 326 ngàn việc, tương đương với số tiền hơn 13 ngàn tỷ đồng. Số việc tồn là: 9.841việc, tương đương với số tiền hơn 2.240 tỷ đồng.

Đặc biệt từ năm 2014 đến tháng 6/2016: Tổng số việc phải thi hành là: 80.273 việc, tương đương số tiền 23.186 tỷ đồng; Trong đó số thụ lý mới từ 2014 đến 30/6/2016 là 70.673 việc, tương đương với số tiền 20.945 ngàn tỷ. Đã giải quyết trên 62.191 việc, tương đương với số tiền hơn 11.700 ngàn tỷ đồng. Số việc tồn là: 18.082 việc, tương đương với số tiền hơn 11.486 ngàn tỷ đồng.

Nhìn lại chặng đường dài đã đi qua, không thể đong đếm bao nhiêu mồ hôi, thậm chí cả nước mắt; không thể đo lường hết công sức của bao lớp thế hệ Thi hành án dân sự Thủ đô Hà Nội để giữ vững kỷ cương, pháp luật của Nhà nước, công bằng của xã hội.

Trong khó khăn thử thách, người cán bộ làm công tác thi hành án dân sự Thủ đô Hà Nội vẫn quyết tâm một lòng trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng của đất nước, bảo đảm để “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành; như quy định của Hiến pháp nước cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013.

Cao Tùng