- Từ vụ Minh Béo bàn về các tội xâm phạm tình dục ở Việt Nam.

Ngày 16/12, nam nghệ sĩ sẽ ra hầu toà lần cuối để nghe toà tuyên án nếu không có gì thay đổi. Song xoay quanh vụ việc vẫn còn rất nhiều khúc mắc như: Hành vi phạm tội của Minh Béo có được quy định trong pháp luật Việt Nam không? Thân phận pháp lý của Minh Béo khi trở về Việt Nam? ... 

Để làm sáng tỏ những vấn đề trên, đồng thời có cái nhìn tổng quát về vụ Minh Béo dưới góc độ khoa học pháp lý, VietNamNet đã có buổi trò chuyện cùng thạc sĩ Nguyễn Thị Ánh Hồng, giảng viên khoa Luật hình sự, trường Đại học Luật TP HCM.

{keywords}

Thạc sĩ luật Nguyễn Thị Ánh Hồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.


- Ngày 16/12, toà sẽ tuyên án nghệ sĩ hài Minh Béo. Người bị cơ quan công tố đề nghị mức án 18 tháng tù giam. Người nói nhẹ; kẻ nói đúng tội. Luật sư cũ của Minh Béo nói như vậy là nặng. Vậy quan điểm của chị như thế nào?

Tôi cho rằng mình không đủ dữ liệu để kết luận được mức án đó là nặng hay nhẹ. Thứ nhất, nghệ sĩ này thực hiện hành vi ở Mỹ, bị cáo buộc theo pháp luật Mỹ. Cá nhân tôi cho dù là nhà nghiên cứu cũng chủ yếu trong phạm vi pháp luật Việt Nam, còn luật Mỹ chỉ ở mức độ cơ bản thôi.

Thứ hai, về khía cạnh thực tiễn áp dụng pháp luật. Ngoài chuyện luật quy định thế nào thì mỗi quốc gia trong từng giai đoạn với mỗi tội danh khác nhau thì thực tiễn áp dụng pháp luật cũng có thể có những đặc thù. Ví dụ như cùng một tội danh ở quốc gia này có thể xử nặng hơn những quốc gia khác cũng là chuyện hoàn toàn bình thường.

Cho nên rất khó để đưa ra kết luận mức án đó là nặng hay nhẹ, hợp lý hay không hợp lý.

- Nghệ sĩ Minh Béo bị cáo buộc ba tội danh là: “Quan hệ tình dục bằng miệng với một nam thiếu niên dưới 18 tuổi”, “Toan có hành động dâm ô với trẻ em dưới 14 tuổi” và “Hẹn hò gặp gỡ với dự tính có hành động dâm ô với trẻ vị thành niên”. Nhưng có vẻ như những hành vi khách quan của các tội danh nêu trên không được quy định thành tội phạm trong Bộ luật Hình sự (BLHS). Vì sao vậy?

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh một ý là pháp luật Mỹ theo hệ thống thông luật (common law) còn pháp luật Việt Nam theo hệ thống châu Âu lục địa (civil law) nên cách thức xác định tội danh, hành vi khách quan, các yếu tố cấu thành tội phạm…sẽ rất khác nhau. Chúng ta sẽ không tìm thấy các tội danh với tên gọi chính xác như vừa nói trong pháp luật Việt Nam.

Luật hình sự Việt Nam quy định hành vi khách quan trong các tội danh cụ thể và các giai đoạn thực hiện tội phạm là chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành. Trong pháp luật hình sự Hoa Kỳ, giai đoạn trước hành vi khách quan họ quy định các mức độ khác nhau và với cách thức xác định tội danh khác với pháp luật hình sự Việt Nam. Tôi cho rằng chúng ta không nên lấy góc nhìn từ pháp luật Việt Nam để đánh giá pháp luật nước ngoài.

- Đặt trường hợp vụ việc của nghệ sĩ này xảy ra ở Việt Nam thì diễn biến, kết quả của nó đi theo chiều hướng nào? Vì sao?

{keywords}

Nếu giả dụ nghệ sĩ này thực hiện hành vi ở Việt Nam thì giai đoạn khác nhau, tội danh có thể khác nhau. Quy định trong BLHS năm 1999 về hành vi này so với BLHS năm 2015 có sự khác biệt.

BLHS năm 1999, đối với những hành vi xâm phạm tình dục hoặc xâm phạm tình dục trẻ em thường phải xác định dưới dạng hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu và dâm ô. Trong đó hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu phải thực hiện hành vi giao cấu còn dâm ô là hành vi sờ mó, kích thích, khơi gợi về mặt tình dục nhưng không giao cấu. Và trong bộ luật này, hành vi giao cấu phải xảy ra giữa hai người khác giới và thường là quan hệ tình dục truyền thống.

Tuy nhiên tôi không nhìn thấy cáo trạng cụ thể của cơ quan công tố Mỹ để biết chính xác hành vi của nghệ sĩ này như thế nào. Nếu dựa theo thông tin báo chí cung cấp, với hành vi quan hệ tình dục bằng miệng và đối tượng dưới 16 tuổi và không có dấu hiệu trái ý muốn nạn nhân thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự ở tội dâm ô đối với trẻ em theo Điều 116 BLHS năm 1999.

Còn BLHS năm 2015 quy định khác. Các hành vi xâm phạm tình dục ngoài hành vi giao cấu còn quy định thêm một dạng nữa là “hành vi quan hệ tình dục khác”. Mặc dù hiện nay BLHS năm 2015 đã bị lùi thời hạn có hiệu lực. Chúng ta chưa có văn bản hướng dẫn thì chúng ta chưa có kết luận chính xác cuối cùng về cái gọi là “hành vi quan hệ tình dục khác”.

Tuy nhiên theo quan điểm khoa học cũng như tham khảo quy định pháp luật của nhiều nước trên thế giới thì nội hàm của các hành vi xâm phạm tình dục nói chung sẽ được mở rộng ra, có thể bao gồm cả đối tượng là người cùng giới tính, hành vi quan hệ tình dục bằng miệng, các cách thức khác…

- Bản thân chị nhận định gì về thái độ của xã hội dành cho nghệ sĩ Minh Béo, giả dụ trong tương lai khi anh ấy trở về Việt Nam?

Thái độ của xã hội trước vụ việc của nghệ sĩ Minh Béo, trước hết là thái độ của từng cá nhân, mỗi người đều có quyền phản ứng khác nhau. Nhưng vấn đề là phản ứng đó được nâng tầm đến mức độ nào và có tác động ngược trở lại như thế nào mới là chuyện cần bàn tiếp theo.

Theo cá nhân tôi, tội phạm là hành vi đáng lên án, cho dù hành vi đó xảy ra ở đâu. Nếu hành vi vi phạm ở nước ngoài, chúng ta cần tôn trọng việc pháp luật nước sở tại xử lý họ. Sau khi chấp hành xong bản án, họ vẫn là công dân Việt Nam, sẽ trở về Việt Nam.

{keywords}

Nữ thạc sỹ mong xã hội sẽ có thái độ không quá khắt khe với trường hợp của nghệ sĩ hài Minh Béo.


Trong trường hợp này, người phạm tội có vị trí xã hội, tác động xã hội lớn nên thu hút sự quan tâm của nhiều người nhưng tôi chỉ nói riêng khía cạnh pháp luật rằng, cho dù họ phạm tội thì họ vẫn có những quyền cơ bản của người phạm tội. Họ đã bị xử lý theo quy định của pháp luật thì đó là hậu quả mà họ phải gánh chịu.

Sau này họ tiếp tục hành nghề được không; chúng ta có tiếp tục cấp giấy phép hành nghề không; họ có chỗ đứng trong đời sống, công việc của mình nữa không… đó là những chuyện tiếp theo. Nhưng tôi chỉ muốn nói rằng trong cuộc đời mỗi con người đều có thể có giai đoạn sai lầm nhất định. Rất khó để nói trước cả đời chúng ta sẽ không thực hiện hành vi phạm pháp.

Do đó tôi nghĩ chúng ta đừng quá khắt khe với người phạm tội. Hãy cho họ con đường để cải tạo, thay đổi và hoà nhập với xã hội tốt hơn. Khi họ đã chịu trách nhiệm trước pháp luật rồi, nếu chúng ta phản ứng quá nặng nề sẽ càng đẩy họ vào con đường tiêu cực hơn, hoặc cắt đứt hoàn toàn khả năng quay lại cộng đồng của họ.

Đó là vì sao tôi cho rằng chúng ta nên cân nhắc về thái độ. Mục đích của việc truy cứu trách nhiệm hình sự không phải để trả thù người phạm tội mà suy cho cùng là cải tạo, giáo dục họ; khiến họ tự thay đổi bản thân để tái hoà nhập cộng đồng.

Gia Bảo