Tính tới tối 26/3, nước ta đã có 153 ca mắc Covid-19 và hàng ngàn người từ nước ngoài về hoặc có tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với người bị nhiễm bệnh phải đi cách ly tập trung.

Sở dĩ lượng người phải đi cách đi lớn như vậy là do ý thức của chính những người mắc bệnh và sự chủ quan của người dân.

Điển hình là việc người đàn ông ở quận 8, TP.HCM, sau khi đi Malaysia về bị yêu cầu cách ly tại nhà nhưng người này vẫn cố tình đi lễ ở nhà thờ hồi giáo tại quận 8 vài chục lần. Hành vi vô ý thức này khiến 140 hộ với 725 nhân khẩu ở phường 1 và 17 hộ, 71 nhân khẩu ở phường 2, quận 8 bị cách ly.

{keywords}
Người dân được yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc nơi công cộng. Ảnh: Thanh Tùng

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một phần xuất phát từ ý thức của người dân, mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã giao Sở Tư pháp nghiên cứu, đề xuất tham mưu cho TP quy trình cưỡng chế cách ly tại nhà hay tập trung. Đồng thời, nghiên cứu biện pháp xử lý và xử phạt hành chính người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng, nơi đông người để có tính răn đe.

Trước diễn biến này, VietNamNet đã trao đổi với các luật sư về tính khả thi của việc cưỡng chế cách ly những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm tại cộng đồng.

Theo luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn luật sư TP Hà Nội), dịch Covid-19 hiện nay là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bậc nhất thế giới. Ngày 29/01/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-BYT về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 (Luật PCBTN).

Ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Theo đó, tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Do vậy, việc Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Sở Tư pháp tham mưu việc cưỡng chế người thuộc đối tượng cách ly bất hợp tác và xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng là biện pháp cần thiết theo quy định của Luật PCBTN để phòng, chống dịch bệnh.

Việc bắt buộc mang khẩu trang trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm như hiện nay khi ra nơi công cộng và đến các cơ sở đông người là cấp thiết để bảo vệ chính bản thân, gia đình, không gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng xã hội.

Căn cứ điểm b, khoản 2, Điều 10, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, quy định trong trường hợp từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của Chính phủ.

{keywords}
TPHCM thực hiện cách ly người nghi nhiễm. Ảnh: Thanh Tùng 

Với hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác, người vi phạm còn có thể bị xử lý về hình sự. Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), tại Điều 240 về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”.

Đối với việc xử phạt khi có quy định phải mang khẩu trang nơi công cộng, nhưng người tham gia sinh hoạt, đi lại nơi công cộng không đeo khẩu trang, có nguy cơ gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng giữa thời điểm dịch bệnh thì cần áp dụng xử phạt cá nhân đó từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Số tiền phạt này nếu có nên đưa vào ngân sách phòng chống dịch bệnh của ngành Y tế.

“Trước bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đang gây nguy hiểm cho sức khỏe, sinh mệnh người dân cả ở trong nước và thế giới thì việc cưỡng chế cách ly người cần cách ly và bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ được nhân dân ủng hộ, do vậy tôi cho rằng quy chế này có tính khả thi cao”, luật sư Thu nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (hãng Luật Giải phóng) cũng khẳng định, nếu không tự nguyện chấp hành hoặc bỏ trốn khỏi nơi cách ly thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 triệu tới 10 triệu đồng và tiếp tục bị buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 10 của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Nghị định số 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch cũng đã quy định rõ: "Với các đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế nhưng không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế thì sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly".

'Một người nhiễm Covid-19 lây 406 người nếu không cách ly'

'Một người nhiễm Covid-19 lây 406 người nếu không cách ly'

Chủ tịch UBND.TPHCM Nguyễn Thành Phong thông tin, theo tính toán của các chuyên gia, một người nhiễm Covid -19 nếu đi ra đường sau 30 ngày lây nhiễm cho 406 người.

Thanh Phương