Ngày 19/4, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên xét xử phúc thẩm đối với 6 bị cáo liên quan đến vụ việc bà Chu Thị Bình mất 245 tỉ đồng tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM (Eximbank TP.HCM).

Trước đó, tại phiên sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Hồ Ngọc Thủy (nguyên giao dịch viên phòng Dịch vụ khách hàng cá nhân (DVKHCN), ngân hàng Eximbank) 4 năm 6 tháng tù giam; Nguyễn Thị Ngọc Trâm (nguyên giao dịch viên Phòng DVKHCN) và Nguyễn Thị Thi (nguyên kiểm soát viên Phòng DVKHCN), mỗi bị cáo 3 năm tù cho hưởng án treo

Các bị cáo Trần Nguyễn Xuân Lan (nguyên giao dịch viên Phòng DVKHCN) 2 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo; Cao Lan Phương (cựu phó trưởng Phòng DVKHCN) và Lương Quốc Anh (nguyên nhân viên ngân quỹ) mỗi bị cáo 2 năm tù cho hưởng án treo, cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”.

{keywords}
Bà Chu Thị Bình tại phiên phúc thẩm

Do Lê Nguyễn Hưng - kẻ chiếm đoạt số tiền của bà Chu Thị Bình hiện đang bỏ trốn nên HĐXX buộc ngân hàng Eximbank chịu trách nhiệm trả lại bà Chu Thị Bình (khách hàng bị mất tiền) số tiền trong 3 sổ tiết kiệm (gốc và lãi) của bà gửi tại Eximbank TP.HCM, khi cơ quan chức năng tìm thấy thủ phạm, điều tra và đưa ra xét xử sau.

Không đồng tình với bản án sơ thẩm, Eximbank kháng cáo đề nghị xem xét trách nhiệm của bà Chu Thị Bình đối với thiệt hại xảy ra. Phía ngân hàng khẳng định bà Bình có lỗi khi ký khống một số giấy tờ. Từ đó, Lê Nguyễn Hưng có điều kiện chiếm đoạt tiền.

Phía bà Chu Thị Bình kháng cáo yêu cầu Eximbank tất toán 103 tỉ đồng (tiền lãi 3 sổ tiết kiệm) theo quyết định từ cấp sơ thẩm; 16 tỉ đồng tiền phạt chậm trả lãi. Chưa hết, bà Bình đề nghị xem xét trách nhiệm Tổng giám đốc, quản lý Eximbank TP.HCM. Ngoài ra, bị cáo Hồ Ngọc Thủy kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Hồ Ngọc Thủy, 5 bị án cùng những người liên quan có đơn xin xét xử vắng mặt. Tất cả giữ nguyên lời khai tại phiên tòa sơ thẩm.

Trước tòa, bà Chu Thị Bình cho biết bản thân không có lỗi trong việc ông Hưng chiếm đoạt tiền ngân hàng. Đồng thời, bà Bình còn yêu cầu Eximbank công khai xin lỗi tại tòa và thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đối với khách hàng; cũng như phán quyết từ tòa án.

Còn phía Eximbank TP.HCM giữ nguyên quan điểm kháng cáo. Phía ngân hàng không đồng ý trả lãi suất vì cho rằng bà Bình phải chịu một phần trách nhiệm dân sự trong vụ việc.

Theo điều tra, trong các năm 2012-2017, Lê Nguyễn Hưng (nguyên là Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM) lập tài khoản giả mạo mang tên Nguyễn Thị Hồng Lê; lập giấy ủy quyền giả mạo việc bà Chu Thị Bình ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Đăng Phong để rút tiền trong các tài khoản tiết kiệm của bà Bình tại Eximbank TP.HCM.

Ngoài ra, Hưng còn chỉ đạo cho các nhân viên dưới quyền lập giấy ủy quyền, lập chứng từ rút tiền và chi tiền mặt nhưng thực hiện không đúng chức năng nhiệm vụ được giao, không đúng quy định của Eximbank về trình tự thủ tục lập ủy quyền, lập chứng từ rút tiền và cho khách hàng rút tiền mặt.

Bằng thủ đoạn này, Hưng còn rút số tiền hơn 10 tỷ đồng của Eximbank TP.HCM trong tài khoản tiết kiệm của bà Phùng Thị Phẩm (ngụ quận 7, TP.HCM); chiếm đoạt gần 9 tỷ đồng trong tài khoản tiết kiệm của chị Lê Thị Minh Quí (ngụ quận 7, TP.HCM) và rút tiền trong các tài khoản tiết kiệm của bà Chu Thị Bình đang gửi tại Eximbank TP.HCM số tiền 245 tỷ đồng.

Bà Chu Thị Bình là một đại gia có tiếng trong kinh doanh thủy sản. Từ cuối tháng 2/2007, bà Bình bắt đầu gửi tiết kiệm tại Eximbank TP.HCM và được chăm sóc theo chế độ khách hàng VIP, người trực tiếp chăm sóc là Lê Nguyễn Hưng.

Bà Bình hoàn toàn tin tưởng vào Hưng; nhiều lần anh ta cùng nhân viên đến nhà riêng của bà Bình để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi.

Tuy nhiên, trên thực tế, Hưng chỉ đạo nhân viên lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà Bình rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán. Bằng thủ đoạn này, Hưng đã chiếm đoạt số tiền rất lớn mà bà Bình không hay biết.

Mãi tới đầu năm 2017, khi đến hạn tất toán các sổ tiết kiệm, bà Bình tá hỏa khi thấy số dư trên sổ tiết kiệm không trùng khớp với số dư thể hiện trên bản gốc các sổ tiết kiệm. Nghi ngờ mình bị lừa đảo, bà Bình đối chiếu số dư sổ tiết kiệm thì phát hiện hơn 245 tỷ trong các tài khoản đã 'bốc hơi'. Ngay sau đó, bà Bình làm đơn tố cáo tới cơ quan Công an.

Tổng số tiền mà Hưng chiếm đoạt của Eximbank TP.HCM là hơn 264 tỷ đồng rồi tẩu tán hơn 200 tỉ đồng qua việc sử dụng thẻ Visa để thanh toán qua qua website thương mại điện tử. Số tiền còn lại anh ta dùng để mua 850.000 USD và hơn 41.853 chỉ vàng SJC của Eximbank TP.HCM...

Sau khi xem xét, cấp phúc thẩm tuyên bố chấp nhận một phần kháng cáo của bà Chu Thị Bình. Theo đó, HĐXX buộc Eximbank TP.HCM trả bà Bình hơn 115,4 tỉ đồng tiền lãi phát sinh tới nay. HĐXX kết luận ngân hàng áp dụng cách tính lãi không kỳ hạn đối với 3 sổ tiết kiệm đứng tên bà Chu Thị Bình là trái quy định Ngân hàng nhà nước ban bố. Về yêu cầu xem xét trách nhiệm lãnh đạo ngân hàng, HĐXX nhận thấy cấp sơ thẩm trước đó không xem xét nên cấp phúc thẩm không có thẩm quyền giải quyết.

Trước đó, Eximbank TP.HCM đã tất toán 3 sổ tiết kiệm đứng tên bà Bình nhưng giữ lại khoản tiền lãi phát sinh.

Eximbank phải trả cả gốc và lãi cho đại gia Chu Thị Bình

Eximbank phải trả cả gốc và lãi cho đại gia Chu Thị Bình

Phó giám đốc Eximbank TP.HCM chiếm đoạt tiền của bà Bình. Hiện người này bỏ trốn nên Eximbank phải có trách nhiệm chi trả.     

Đoàn Nga