- Trong các ngày từ 18/7 đến 8/8, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đường dây kinh doanh thương mại điện tử đa cấp xuyên quốc gia đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng nghìn bị hại.

Cầm đầu đường dây này là bị cáo Lâm Phúc Hùng (SN 1959, ở Đống Đa, Hà Nội). Hùng đã cùng 8 bị cáo khác phạm vào tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 226b-BLHS.

VKS cho rằng, với tư cách là Tổng giám đốc Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á, để chiếm đoạt tiền của nhiều người, bị cáo Hùng đã cùng các đồng phạm “vẽ” ra gói sản phẩm đặt phòng du lịch 4 ngày 3 đêm ở các khách sạn từ 3 đến 5 sao hoặc khu Resorts trên toàn thế giới (325 USD/gói) với hình thức kinh doanh đa cấp trên mạng Internet.

{keywords}
Các bị cáo tại tòa.

Theo cáo trạng, tháng 2/2010, trong một lần truy cập mạng Internet, Hùng tình cờ phát hiện ra trang Website: Usdiamondholyday.com của DHT (trang mạng nước ngoài) kinh doanh thương mại điện tử đa cấp bằng gói sản phẩm đặt phòng du lịch 4 ngày 3 đêm ở các khách sạn từ 3 đến 5 sao hoặc khu Resorts trên toàn thế giới với giá 325 USD/1 mã số ID (dành cho 2 người/phòng).

Đến ngày 6/2/2010, Hùng và Thanh rủ Phạm Thị Thúy (nguyên Trưởng phòng vé của Công ty Newtatco) đặt mua thử gói dịch vụ này từ một người trong hệ thống DHT. Thúy đồng ý và nhanh chóng chuyển 1.000 USD ra nước ngoài để mua Evochers (Code), tạo mã ID và hệ thống thành viên của DHT.

Thúy, Hùng và Thanh trở thành những người đầu tiên tại Việt Nam gia nhập đường dây kinh doanh thương mại điện tử đa cấp, trong hệ thống DHT với các tên mã ID lần lượt là “thuyvn”, “hung68” và “david 688”.

Tiếp đó, Câu lạc bộ Du khách do Hùng làm chủ nhiệm ra đời. Để phát triển kinh doanh thương mại điện tử đa cấp, Hùng tuyển thêm người làm thủ quỹ cho câu lạc bộ và Bùi Đức Cường làm nhân viên kỹ thuật.

Bộ ba Hùng, Thanh Thúy đã sang Hồng Kông (Trung Quốc) gặp đối tượng tên Hsueh Cho-Ting, người quản lý DHT để học hỏi thêm phương thức, thủ đoạn cũng như tỷ lệ ăn chia tiền chiếm đoạt được của bị hại.

Tại đây, cả ba được chỉ dẫn và cho phép chuyển 100.000 USD tiền “ảo” vào E-wallet (ví điện tử) của hệ thống DHT gắn với mã số ID “thuyvn”.

Từ “mồi nhử” này, câu lạc bộ Du khách do Hùng cầm đầu sẽ thu hút được mọi người tham gia và sẽ dùng tiền “ảo” trong ví điện tử để trả thưởng cho những người mới, khi họ gia nhập vào mạng lưới kinh doanh thương mại điện tử đa cấp.

Các bị cáo đã quảng cáo, tuyên truyền, vận động nhiều người tham gia mua gói dịch vụ đặt phòng du lịch, thông quan câu lạc bộ Du khách.

Từ tháng 2 đến tháng 7/2010, Hùng và đồng bọn ở câu lạc bộ Du khách đã chiếm đoạt được hơn 8,3 tỷ đồng và 253.520 USD của 1.062 người tham gia với hơn 2.400 mã ID.

Tổng cộng, sau hơn 2 năm hoạt động (từ tháng 2/2010 đến đầu năm 2012), Hùng cùng 8 đối tượng trong vụ án đã chiếm đoạt được số tiền lên đến gần 80 tỷ đồng, tương ứng với gần 11.000 bị hại. Trong số này, các cơ quan tố tụng mới chỉ xác định được hơn 2.000 bị hại.

Quá trình điều tra cho thấy, các tổ chức cũng như công ty do Lâm Phúc Hùng đứng đầu hoặc tham gia liên kết, điều hành đều không có chức năng và được phép kinh doanh lữ hành, thương mại điện tử hay kinh doanh bằng hình thức đa cấp.

Chiều 8/8, sau khi xem xét, HĐXX tuyên phạt các bị cáo Hùng: 14 năm; Bắc: 13 năm; Thanh: 10 năm; Dân: 9 năm; Thuỷ: 7 năm; Đoan: 36 tháng tù treo; Cường: 3 năm 1 tháng 13 ngày tù; Thinh 3 năm 1 tháng 13 ngày tù; Trọng: 30 tháng tù treo.

T.Nhung