Sau màn cưỡng chế đất của hai hộ dân ở cụm 8, thôn Trát Cầu (Tiền Phong, Thường Tín, Hà Nội), một số quan xã đã phải ngồi tù vì tội Hủy hoại tài sản...

Ngày 5/9, TAND TP Hà Nội đưa vụ án Hủy hoại tài sản ra xét xử. Bị cáo trong vụ án này là những người chỉ đạo và thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất của hai hộ dân ở cụm dân cư 8.

Theo cáo trạng, năm 1997, UBND xã Tiền Phong giao cho cụm 8 gần 98 sào đất ven sông Nhuệ, cạnh khu công nghiệp để đấu thầu nộp sản vụ.

Ông Đỗ Duy Khang (SN 1960) trúng thầu diện tích hơn 10,7 sào khu bãi cát, thời hạn 13 năm. Thực hiện hợp đồng, từ năm 1999-2010, ông Khang tự ý đào đất, đóng và đun đốt gạch, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm…

Năm 2010, UBND xã và ông Khang thống nhất thanh lý hợp đồng. Xã lấy 2.579,6m2 và diện tích đất còn lại đề nghị giao cho cụm 8 quản lý.

{keywords}
Các bị cáo tại tòa.

Năm 2011, cụm 8 đền bù 300 triệu đồng, thanh lý hợp đồng với ông Khang.

Tuy nhiên, sau khi nhận tiền đền bù và giao mặt bằng, ông Khang vẫn tiếp tục tự ý đổ đất, cát san lấp để chiếm lại một phần diện tích đất. Bị lập biên bản đình chỉ nhưng ông Khang vẫn cố tình chiếm giữ quản lý, sử dụng.

Không chỉ ông Khang, bà Đỗ Thị Hợp (SN 1953) cũng nhận thầu 12,2 sào đất, thời hạn 13 năm. Sau khi hết hạn hợp đồng vào năm 2011, bà Hợp không nộp lại sản phẩm, không hợp tác với cụm 8 thanh lý hợp đồng, bàn giao mặt bằng.

Trước tình huống trên, ông Nguyễn Văn Hợi, trưởng cụm 8 nhiều lần họp, thông báo cho ông Khang và bà Hợp về việc thu hồi đất.

Xử lý bất thành, ông Hợi thống nhất với Bí thư chi bộ cụm là ông Lê Văn Mộ, yêu cầu người dân tham gia cưỡng chế thu hồi. Những người tham gia được hưởng 300.000 - 500.000 đồng tiền công.

Nhận sự phân công, công an viên Đỗ Duy Vịnh đã liên hệ thuê máy xúc, cưa máy. Vịnh bàn với ông Hợi và Hồng Quang Tuấn thống nhất tiền công phá dỡ trang trại, cưa bỏ cây trồng.

Sáng 30/6/2012, ông Hợi và ông Mộ trực tiếp chỉ đạo người dân cụm 8 tham gia thành nhiều nhóm đứng chặn hai đầu đường, cấm các phương tiện đi vào khu vực cưỡng chế.

Trong khi đó, nhóm phía trong thực hiện việc cưa chặt cây cối, ủi đất phá nhà tạm, tường rào... trong khu đất vườn nhà ông Khang, bà Hợp.

Căng thẳng xảy ra khi người nhà bà Hợp ngăn cản, ném gạch về phía máy xúc và bị một số người xông vào dùng dây vải trói tay.

Một người khác nhà bà Hợp dùng máy ảnh chụp cảnh ủi tường, chặt cây cũng bị ngăn cản, giằng máy ảnh đập, ném xuống sông.

Cơ quan điều tra xác định, tổng giá trị thiệt hại về tài sản trong vụ án là hơn 134 triệu đồng.

Cáo trạng cho rằng, việc giao đất cho hộ gia đình ông Khang, bà Hợp thuê thầu như trên là không đúng theo quy định của Luật Đất đai. Cơ quan điều tra có công văn gửi UBND huyện Thường Tín xác định rõ sai phạm của các cá nhân, tổ chức về việc quản lý, sử dụng đất đai để xử lý theo quy định.

Hành vi của các bị cáo bị xác định đã phạm vào tội Hủy hoại tài sản.

Sau khi xem xét, HĐXX tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Văn Hợi (SN 1959, ở Thường Tín, Hà Nội) mức án 48 tháng tù; Hồng Thanh Tuấn (SN 1964): 30 tháng tù; Lê Văn Mộ: 42 tháng tù vì cùng tội Hủy hoại tài sản.

Các bị cáo còn lại là Đỗ Duy Châm, Đỗ Duy Vịnh, Nguyễn Văn Hồng, Đỗ Duy Hoàn phải nhận từ 13 tháng 1 ngày tù đến 24 tháng tù.

T.Nhung