Chiều nay (25/11), phiên tòa xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tiếp tục với phần thẩm vấn.

Theo cáo buộc, dù là công trình trọng điểm quốc gia, có chi phí đầu tư rất lớn (34.516 tỷ đồng được phê duyệt), nhưng quá trình thực hiện thi công, quản lý giám sát thi công xây dựng, từ Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Nhà thầu thi công, Nhà thầu tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, tổ chức thi công, nghiệm thu hạng mục, nghiệm thu công trình để đưa vào khai thác sử dụng không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế.

Cụ thể, chiều dày lớp bê tông nhựa VTO/Novachip thu thập tại hiện trường rất nhiều vị trí không đảm bảo quy định, độ rỗng dư, hàm lượng nhựa, hệ số thấm không đạt yêu cầu.

Lớp bê tông nhựa hạt mịn C12.5, bê tông nhựa hạt trung C19 thiếu chiều dày bình quân, độ rỗng dư giao động rất lớn; các lớp bê tông nhựa và đá dăm gia cố nhựa có hiện tượng bong tróc cốt liệu, lớp cấp phối đá dăm loại I và loại II tại các gói thầu có độ mài mòn, chỉ số dẻo không đạt yêu cầu.

{keywords}
Các bị cáo tại tòa

Bên cạnh đó, cường độ chịu tải của mặt đường không đảm bảo quy định, nhiều vị trí đo trên tuyến có hệ số rất thấp…

Kết luận giám định cũng nêu rõ, quá trình thi công, nghiệm thu, các đơn vị liên quan đã không thực hiện đo cường độ mặt đường trên các lớp vật liệu hoàn thành, đo hệ số thấm của lớp bê tông nhựa tạo nhám để đánh giá chất lượng công trình sau khi thi công, dẫn đến không kiểm soát được chất lượng hạng mục công trình xây dựng.

Đặc biệt, đối với hạng mục công trình có sử dụng vật liệu đá (cấp phối đá dăm, bê tông nhựa các loại), ngày 18/5/2016, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Chủ đầu tư dự án, cảnh báo về chất lượng kém đối với nguồn vật liệu đá của các mỏ đá Đà Sơn, Phước Tường, Hương Mao, Chu Lai, Hố Chuồn…

Nhưng VEC, Ban QLDA đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan đã “phớt lờ”, dẫn đến cả 7/7 gói thầu đều sử dụng đá tại các mỏ này làm vật liệu sản xuất các lớp cấp phối đá dăm và bê tông nhựa các loại.

Thiệt hại được xác định là giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng tại các gói thầu, nhưng đã được Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiệm thu, thanh toán với số tiền đặc biệt lớn là hơn 811 tỷ đồng cho các Nhà thầu thi công.

Nhắc chuyện ‘sâu làm rầu nồi canh’

Trả lời thẩm vấn tại tòa, đại diện cơ quan giám định trình bày về phương pháp để chứng minh quá trình này là khách quan, độc lập, đảm bảo đúng pháp luật.

Giám định viên cho rằng, trong cấp phối đá dăm có trộn lẫn các loại khác, khiến cơ quan giám định giật mình.

“Vật liệu rất rời rạc, vậy chịu lực làm sao được... Đá trơ ra, không có một miếng nhựa nào dính với đá. Đáy bê tông nhựa bọc lót cũng thể hiện bóc nhựa, nhựa không dính vào đá", lời giám định viên.

Trong phần trình bày, giám định viên khẳng định, việc đánh giá hoàn toàn độc lập, không chịu ảnh hưởng của bên nào. Những thông số, kết quả thí nghiệm đã loại trừ ảnh hưởng của thời gian.

“Giờ anh nói với tôi nồi canh của anh là ngon. Nồi canh của anh ngon thế nào tôi không biết, nhưng tôi gắp chỗ này thấy sâu, gắp chỗ khác lại thấy sâu”, giám định viên trả lời thẩm vấn của luật sư.

Để chứng minh cho những lập luận của mình, giám định viên đưa ra một số hình ảnh thể hiện chất lượng xấu của công trình do các đơn vị thi công thực hiện.

Trước đó, trong phần trả lời thẩm vấn, nhiều bị cáo cho rằng, đoạn cao tốc bị hư hỏng chỉ mang tính cục bộ, nhưng cơ quan giám định lại lấy một đoạn đường để quy kết cho cả công trình.

Xử vụ cao tốc 34.000 tỷ, chủ đầu tư nói ‘thiệt hại chỉ là cục bộ’

Xử vụ cao tốc 34.000 tỷ, chủ đầu tư nói ‘thiệt hại chỉ là cục bộ’

Chiều nay (24/11), phiên tòa xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tiếp tục với phần thẩm vấn.

T.Nhung