Sau khi trình bày rằng xưa cơ hàn không sao, nay mình có tuổi thì chồng có vợ nhỏ rồi xin ly hôn…, người vợ bỗng im bặt rồi xỉu tại tòa.

TAND TP Cần Thơ vừa xử phúc thẩm vụ án ly hôn giữa ông T. (60 tuổi, nguyên đơn) và bà H. (62 tuổi, bị đơn). Lý do có phiên tòa phúc thẩm là do bà H. kháng cáo xin không ly hôn và yêu cầu cả hai phải trả nợ chung...

Suốt phần xét hỏi của tòa, chỉ thấy bà kể này kể kia, còn ông gần như im lặng, thỉnh thoảng phản đối một vài ý kiến của luật sư như không thừa nhận có vợ khác, không thừa nhận có con riêng.

Kể tội chồng nhưng không muốn ly hôn

Lý do ông T. yêu cầu ly hôn rất đơn giản: Ông không còn tình cảm yêu thương dành cho bà. Cụ thể hơn, ông trình bày ông và bà đã ly thân với nhau gần 20 năm nay rồi.

Qua những câu chuyện đứt quãng của bà H., người nghe có thể chắp vá và hiểu rằng ông bà đã có một thời gian dài chung lưng đấu cật, làm lụng đủ thứ nghề để có cuộc sống ngày một tốt hơn, có của ăn của để cho ba người con chung.

Từ năm 2002, khi bà phải đi chấp hành án phạt tù thì cuộc sống gia đình bắt đầu đổi khác. Đến năm 2007, bà được tha tù trước thời hạn. Khi trở về nhà, bà mới hay chồng đã có vợ nhỏ, có con riêng. Rồi theo đề nghị của chồng, bà đồng ý là dù sao thì chuyện cũng lỡ rồi, thôi thì bà cho người đàn bà đến sau thuê một căn phòng trong khu đất của vợ chồng bà để… chồng sớm hôm chăm sóc con nhỏ. Bà đồng ý cho thuê hai năm nhưng ông T. nâng lên năm năm. khi hết thời hạn năm năm, người thứ ba cũng không đi nơi khác...

Ấy thế nhưng khi tòa hỏi đi hỏi lại, bà đều nhất quyết không muốn ly hôn.

{keywords}

Chỉ có luật sư, bảo vệ tòa, người dự khán và tài xế phụ khiêng bà H. ra xe đi cấp cứu. Ảnh: N.Nam

Chồng đành đoạn, vợ chẳng đành lòng

Tòa gợi chuyện phân tích thiệt hơn để bà H. cân nhắc, rằng bà thấy cuộc sống “tay ba” thế nào, bà có chấp nhận được không. Tòa đưa ra lời khuyên, rằng phụ nữ phải mạnh mẽ lên khi người chồng đã phụ bạc, khi họ đã không còn thương mình thì dù có níu giữ cũng chỉ làm mình đau lòng thêm...

Nghe tòa nói, bà đổi ý, chấp nhận ly hôn nhưng yêu cầu nợ phải xem là nợ chung dù khoản tiền đó không phải là lớn. Rồi bà nói trong nước mắt, rằng bà uất ức vì thuở cơ hàn vợ chồng đồng lòng gắng sức gây dựng cơ ngơi từ hai bàn tay trắng, vậy mà giờ chồng bà đành đoạn bỏ bà vì bà đã hơn 60 tuổi…

“Người ấy trẻ hơn tôi, chỉ mới ngoài 40 thôi. Tôi không đành lòng! Lúc tôi ở tù về, nó nói nó thương tôi nên mới lấy chồng tôi (?!). Nó mới sinh đứa thứ hai cho ổng mới hơn tháng nay. 

Nhà ổng ngay trước nhà con gái chúng tôi, vào ra con nhìn thấy hết. Bao nhiêu năm nay tôi theo Phật, Phật dạy tha thứ nên tôi cũng tha thứ cho ổng dù ổng có vợ nhỏ, bỏ bê mẹ con tôi. Nếu ly hôn thì ly hôn từ khi tôi ở tù về, sao giờ mới ly hôn...”. Bà H. nói một hơi dài trong cay đắng rồi tắt lịm.

Con trai ông bà ngồi phía dưới xin tòa cho mẹ mình ngồi vì bà có bệnh tim và cao huyết áp. Bà ngồi ngả đầu trên thành ghế. Người con trai nắm tay, gục mặt lên trán mẹ thì thầm điều gì đó, có lẽ là động viên bà.

VKS đề nghị tòa y án sơ thẩm cho ông bà ly hôn và buộc bà trả nợ vì đây là nợ riêng của bà, chồng bà không thừa nhận món nợ này; bà không có gì chứng minh đây là nợ chung của vợ chồng, mà bà thừa nhận có nợ nên chỉ bà phải trả.

Tình hết đã đành, lẽ nào nghĩa cũng tan…

Tòa vào nghị án. Người con trai đứng phắt dậy không đồng ý với đề nghị của VKS. Anh này kêu trời và gằn từng chữ giữa phòng xử, rằng “làm đàn ông mà như vậy sao, làm cha mà như vậy sao” rồi đi một mạch ra cửa kêu trời.

Bà H. định đứng lên nhưng ngã phịch xuống đất. Cả phòng xử nháo nhào. Có người kêu anh con trai mau đưa mẹ đi cấp cứu nhưng anh này nói vọng vào, cốt ý cho cha nghe thấy rằng “mẹ hôm nay có chết là lỗi của ba” rồi bỏ đi.

Người cha - nguyên đơn vụ ly hôn - lúc này vẫn ngồi lặng yên trên hàng ghế đầu; ông thậm chí không nhìn lại người từng đầu ấp tay gối với mình.

Con dâu bà H. vội lên nâng đầu mẹ chồng dậy. Các luật sư, thư ký tòa, bảo vệ tòa và người dự khán nháo nhào khiêng bà ra xe taxi chở đi bệnh viện cách đó mấy trăm mét để cấp cứu.

Cảnh tượng ấy khác hoàn toàn với câu chuyện và cũng là mong ước của vị chủ tọa nói trước đó, rằng có cặp vợ chồng đến tòa ly hôn mà họ chở nhau đi, đưa nhau về rất ân cần. Tòa chỉ mong các cặp vợ chồng dù không còn tình cũng còn nghĩa, ly hôn trong sự tôn trọng và thân ái để con cháu khi nhìn lại không đau lòng.

Cuối cùng, tòa chấp nhận đề nghị của VKS, bác kháng cáo của bà H., tuyên y án sơ thẩm, chấp nhận cho ông T. ly hôn với bà H. Về tài sản chung, nguyên đơn và bị đơn đã tự thỏa thuận chia; về nợ riêng, tòa buộc bà H. có nghĩa vụ trả cho hai người liên quan số tiền 111 triệu đồng.

Theo Pháp luật TP.HCM