Ông từng được đào tạo ĐH Luật tại Liên Xô rồi công tác tại các cơ quan bảo về pháp luật với cương vị Kiểm sát viên cao cấp, Thẩm phán TANDTC, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư…

Cuộc đời nửa thế kỷ gắn bó với hoạt động pháp luật của ông phong phú, nhiều kinh nghiệm và cũng không ít trăn trở. Đầu năm 2018, ông vinh dự được trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

{keywords}
  Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ

Hồ Chủ tịch chỉ thị, Viện kiểm sát ra tay

Ông Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên là Thẩm phán TANDTC, năm 1992 ông nghỉ hưu và tham gia Đoàn Luật sư. Trước khi về TANDTC ông là Trưởng phòng kiểm sát xét xử VKSQS TƯ. Thế là cả công tố, xét xử rồi bào chữa ông đều đã trải qua. Cuộc đời nửa thế kỷ gắn bó với hoạt động pháp luật của ông phong phú, nhiều kinh nghiệm và cũng không ít trăn trở.

Theo dòng ký ức, ông nhớ đến nhiều vụ án mà ông đã giải quyết khi còn làm Trưởng phòng kiểm tra sát xét xử ở VKSQS TƯ. Trong đó, sâu sắc nhất là vụ ba chú cháu ông Đỗ Văn Chồi ở Đông Triều (Quảng Ninh) bị tù oan đến 8 năm trời.

Lúc bấy giờ, khoảng năm 1966, Hồ Chủ tịch cho thư ký chuyển cho ông Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng VKSNDTC một lá đơn kêu oan của ông Đỗ Văn Chồi với lời nhắn: Bác không hài lòng với lối làm việc cứ đùn đẩy cho nhau.

Người ta đã gửi tới 70 lá đơn mà không cơ quan nào đứng ra giải quyết dứt điểm. Bác yêu cầu VKSNDTC phải giải quyết việc này rồi báo cáo kết quả cho Bác biết.

Ông Nguyễn Trọng Tỵ được giao nhiệm vụ cùng một số cán bộ đi xác minh vụ án này. Vụ án có ba người, chú là Đỗ Văn Chồi, Phó Chủ tịch, Trưởng Công an xã và hai người cháu là Đỗ Thị Tương và Đỗ Văn Mạch bị kết án vì có hành vi giết chị Nguyễn Thị Là, chị dâu của chị Tương.

Liên tục trong suốt 8 năm trời trong trại cải tạo ông Chồi không ngừng làm đơn kêu oan. Hồi âm bao giờ cũng chỉ là kết luận ngắn ngủi: Án xử đúng, nên yên tâm cải tạo… Uất ức nhưng ông không tuyệt vọng, ông gửi lá đơn thứ 72 lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quả thật lá đơn này đã mang ánh sáng công lý đến cho ba chú cháu ông Đỗ Văn Chồi khốn khổ.

Ông Nguyễn Trọng Tỵ cùng anh em cán bộ lên trại giam tận Lạng Sơn để gặp gỡ những người này. Ông Chồi kể lại: Vào cái đêm chị Là bị giết, tôi ở nhà vì hai đứa con lên đậu mùa, quấy khóc dữ lắm. Khi nghe tiếng kêu cháy, nhà tôi vội sang gọi anh Giáp là dân quân thường trực ở cạnh nhà đi chữa cháy.

Khi đến nơi đã thấy có nhiều người ở đó rồi. Cái nhà chị Là như một túp lều, có một gian hai chái, đã cháy rụi. Chị Là chết trong đó. Tôi liền cho người dân báo ngay cho Công an huyện Đông Triều và cử người canh giữ bảo vệ hiện trường. Công an về khám nghiệm tử thi cho biết chị Là đã bị đập vỡ sọ, máu và não bắn tóe lên mảng tường đất đầu giường. Kẻ gian đã đốt nhà để phi tang.

Mấy ngày sau tôi bị bắt cùng với hai chị em Tương và Mạch vì người ta cho rằng Tương đã giết chị Là, áo nó còn dính máu. Ở trong nhà tạm giam, người ta nói với tôi rằng thằng Mạch nhận hết rồi.

Tôi và chị nó bàn bạc giao cho nó giết chị Là vì chị Là có mâu thuẫn với Tương. Người ta còn nói rằng chính đêm hôm đó tôi đứng canh chừng ở đường 18 cho Mạch vào giết chị Là và đốt nhà…

Họ đưa Mạch ra đối chất. Mạch gặp tôi cũng chỉ nói đúng như thế là người ta dẫn nó đi. Mặc dù oan khuất nhưng cuối cùng họ cũng khiến tôi phải nhận tội! Rồi ba chú cháu tôi lại về quê diễn lại “hành vi thực hiện tội phạm” ấy cho họ chụp ảnh. Vì vậy tôi may mắn được lĩnh án 20 năm tù, nếu không thì chắc không còn sống đến ngày hôm nay để kêu oan lên Hồ Chủ tịch.

Giám thị trại cũng cho biết, ông Chồi không bao giờ viết đơn xin ân giảm mà chỉ xin minh oan. Ông ta chấp hành kỷ luật và chỉ tiêu lao động rất tốt. Hàng tháng ông ta dành một ít tiền để… đóng Đảng phí.

Trại không nhận, ông Chồi cho vào một cái ống nứa, để ngày được ra tù ông đem nộp cho Đảng. Nghe đến đó, ông Nguyễn Trọng Tỵ thấy sống mũi cay xè và thấy cần phải khẩn trương, minh oan cho họ sớm ngày nào tốt ngày ấy.

Sau đó, ông Tỵ gặp gỡ Đỗ Văn Mạch. Vừa vào câu chuyện anh Mạch đã đứng phắt dậy vạch áo lên tận ngực và nói: Các ông xem đây. Một vết sẹo dài ngoằn nghèo chạy dọc bụng anh ta. Vết sẹo này do chính anh Mạch rạch bằng thủy tinh bóng đèn điện.

Lúc đầu anh ta định lấy máu ở tay viết đơn gửi lên Bác Hồ nhưng mới viết được mấy câu “… Bác Hồ ơi, con không bao giờ làm sai lời dạy của Bác. Con không giết chị Là” thì bị phát hiện và thu mất.

Tuyệt vọng nên anh Mạch lấy thủy tinh rạch bụng nhiều nhát cho lòi ruột ra để chết, nhưng anh được cấp cứu và thoát chết… Người ta lại kết luận, thằng này rạch bụng hòng trốn tránh tội lỗi.

– Anh nói là anh không giết chị Là sao áo anh có máu, anh lại nhận tội? Một cán bộ trong đoàn hỏi.

– Đúng là vết máu ấy gieo tai họa xuống gia đình tôi. Hồi đó tôi là nhân viên bưu điện. Khi đưa thư qua nhà ông Cảnh ở làng bên, tôi ghé vào xem hoạn trâu. Khi con trâu giãy lên thì máu bắn tung tóe, phun vào cả áo tôi. Hôm sau tôi mang áo ra mương giặt thì có người trông thấy nên nghi oan cho tôi.

Mặc dù có ông Cảnh và nhiều người có mặt ở đó xác nhận nhưng người ta bảo khám nghiệm rồi. Họ tin vào khoa học, khoa học đã xét nghiệm máu trên áo tôi là máu người không phải máu súc vật. Thế là tôi nhận cho xong, nhận để khỏi phải tra tấn, cùm kẹp.

Còn chị Tương thì gặp đoàn chỉ khóc mà không nói nên lời. Sau khi chị bị bắt, chồng chị đã ly dị, ba đứa con chị phải sống nhờ ông bà ngoại. Mãi rồi chị mới nghẹn ngào: “Xin Đảng soi xét cho chú cháu tôi. Chú cháu tôi bị oan. Tôi chỉ muốn chết”…

Công việc xác minh những điều cần thiết được tiến hành nhanh chóng. Cuối cùng nhờ tài liệu của ông Nguyễn Trọng Tỵ, bản án giám đốc thẩm do Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch ký đã khẳng định: Chồi, Tương và Mạch không phạm tội giết người.

Ông Nguyễn Trọng Tỵ cùng một cán bộ TANDTC, một cán bộ VKSNDTC đã về quê của ba người này, công bố trước toàn thể nhân dân địa phương về quyết định của TANDTC.

Tuy vậy vẫn có người dân chưa tin vào sự vô tội của họ. Mãi hai năm sau thủ phạm đích thực của vụ án bị phát hiện thì nỗi oan ức của họ mới thực sự được cởi bỏ. Thủ phạm chính là Nguyễn Ngọc Bồi, Thiếu úy quân đội, chồng của nạn nhân Nguyễn Thị Là.

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ kể xong câu chuyện, ông trầm ngâm rồi nói, có biết bao nhiêu bài học trong vụ án này, từ khâu điều tra, xét nghiệm, lấy lời khai, đến công tố, xét xử… Cuối cùng là công tác giải quyết đơn thư.

Nếu lá thư 72 không đến tay Hồ Chủ tịch thì sao? Đến bây giờ công tác nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại của chúng ta cũng còn nhiều bất cập. Chưa có cơ quan nào nhận và giải quyết dứt điểm. Đơn lại chuyển về cho chính cơ quan bị khiếu kiện thì bao giờ vụ việc được sáng tỏ.

Hiện, Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ muốn biết tin ông Chồi, chị Tường, anh Mạch ngày ấy chắc bây giờ đã già, hiện ở đâu? Qua trang báo này hy vọng chúng tôi nhận được tin của ba vị để thông tin cho luật sư Nguyễn Trọng Tỵ.

Tuyên tha người vô tội, mắc tiếng “luật đơn thuần”

Trở lại với nội dung nâng cao chất lượng xét xử, chống oan sai theo yêu cầu cải cách tư pháp, Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ nhấn mạnh: “Mặc dù luật tố tụng đã quy định nhưng còn luật không thành văn”.

Ông cho rằng cán bộ cơ quan tư pháp còn nể nhau. Do vai vế trong bộ máy Nhà nước mà họ không muốn mất lòng nhau. Ví dụ đáng lẽ tại phiên tòa thấy không đủ căn cứ buộc tội bị cáo thì Tòa phải tuyên bị cáo vô tội. Nhưng tuyên như thế thì mất lòng cơ quan kiểm sát, cơ quan điều tra…

Thế là họ tuyên rất khéo rằng hủy án sơ thẩm để điều tra bổ sung. Mà tuyên như thế bị cáo lại trở về trại giam ít ra cũng 1 năm nữa. Quyền lợi của bị cáo bị xâm phạm mà bị cáo không làm gì được. Ông cũng có những bài học về vấn đề này.

Hồi ở VKSQSTW có vụ án liên quan đến vợ một ông Bộ trưởng, vì thế có ý kiến chỉ khởi tố mấy cán bộ cấp dưới. Ông không đồng ý. Nếu vụ việc đến mức phải khởi tố thì không trừ một ai, còn nếu có thể tha được thì tha hết.

Việc đến tai Thủ tướng khi đó là đồng chí Phạm Văn Đồng. Thủ tướng cho gọi ông Nguyễn Trọng Tỵ lên báo cáo. Nghe xong Thủ tướng ủng hộ quan điểm của ông. Cuối cùng bà vợ ông Bộ trưởng bị khởi tố và truy tố. Vụ án kết thúc công bằng nhưng có người chê ông là “chỉ biết pháp luật đơn thuần”

Sang TANDTC ông cũng mắc tiếng ấy! Có nhiều vụ nhưng xin kể lại một vụ. Nguyễn Hữu Đạo là giáo viên từ miền Nam về nghỉ hưu ở quê (Thanh Hóa). Ít lâu sau có hai mẹ con người hàng xóm bị chết vì ngộ độc thuốc trừ sâu Vôfatốc.

Họ nghi và cuối cùng kết án anh Đạo là thủ phạm. Bản án được nhận định thuốc Vôfatốc khi đó chưa có ở miền Bắc nhưng sử dụng nhiều ở miền Nam. Anh Đạo vừa từ trong Nam ra nên không ai khác có Vôfatốc để giết người ngoài anh Đạo. Tòa tuyên phạt Nguyễn Hữu Đạo mức án tử hình.

Đọc đơn kháng cáo kêu oan và hồ sơ vụ án, Thẩm phán Nguyễn Trọng Tỵ thấy không đủ chứng cứ buộc tội Nguyễn Hữu Đạo phạm tội giết người. Nhận định trong bản án sơ thẩm còn có chỗ mâu thuẫn với hồ sơ. Tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán Nguyễn Trọng Tỵ làm chủ tọa phiên tòa đã tuyên Nguyễn Hữu Đạo không phạm tội và trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa. Lúc đó anh Đạo đã bị giam hơn 4 năm.

Về cơ quan, Thẩm phán Nguyễn Trọng Tỵ phải báo cáo Ủy ban Thẩm phán. Ông chỉ nêu bút lục, có trong hồ sơ cho thấy, ông đội trưởng đội sản xuất ở địa phương của nạn nhân khai tại cơ quan điều tra là đội cấp cho mỗi hộ xã viên 3-4 thìa Vôfatốc để trừ rầy nâu cho lúa nếp. Nhà nạn nhân cũng cho con đến nhận.

Còn nhà anh Đạo thì qua khám nhà thấy vẫn còn nguyên số thuốc Vôfatốc để trên gác bếp. Biên bản còn ghi rõ số thuốc trừ sâu này để trong ống bơ, bịt giấy xi măng, khi thu giữ còn nguyên lớp bồ hóng… Nghe ông báo cáo, Ủy ban Thẩm phán cũng nhận thấy xử bị cáo vô tội là đúng.

Nhận định thế nhưng bản án phúc thẩm đó vẫn bị kháng nghị hủy để xử lại. Phiên tòa phúc thẩm thứ hai xử ngay tại quê nạn nhân và bị cáo, cũng đi đến kết luận anh Đạo không phạm tội…

Thẩm phán Nguyễn Trọng Tỵ đã xử đúng nhưng ông cũng không vui vẻ gì. Một cán bộ bảo: Cậu dại thế, sắp sửa đề bạt rồi mà cậu lại gây ra vụ này. Có người thì bảo, thấy không đủ căn cứ thì cứ tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra bổ sung là khôn ngoan nhất, đỡ phiền phức…

Ông nghĩ, lương tâm không cho phép. Bị cáo Nguyễn Hữu Đạo khi ra phiên tòa phúc thẩm đã rất ốm yếu, sức khỏe suy kiệt, phải có người dìu. Nếu tuyên trả hồ sơ, đồng nghĩa với bị cáo tiếp tục bị giam giữ, có thể bị cáo sẽ không qua khỏi được.

Điều ông thấy vui là qua cán bộ Tòa án tỉnh Thanh Hóa ông biết tin, sau khi được trở về với vợ con và mẹ già, vợ chồng ông Đạo đã sinh được một cháu trai mà trước đó chỉ có mấy con gái. Báo chí cũng cho biết sau này ông Nguyễn Hữu Đạo đã được xin lỗi, bồi thường.

Không ngừng trăn trở về công tác pháp luật

Gần đây, qua theo dõi việc xét xử các bị cáo trong vụ án xảy ra tại ngân hàng OceanBank do TAND TP Hà Nội tuyên xử ngày 29/9/2017, luật sư Nguyễn Trọng Tỵ nhận thấy còn một số vấn đề cần quan tâm, làm sáng tỏ.

Vì vậy, ông đã viết đơn đề nghị các vị lãnh đạo, các cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm, xem xét một cách khách quan, toàn diện, đúng bản chất vụ án, kẻ phạm tội phải bị trừng phạt nghiêm minh nhưng cũng không xử oan sai người vô tội. Trong thư ông đã phân tích bản án sơ thẩm, trên cơ sở pháp luật về nhiều vấn đề như xác định tư cách pháp nhân của OceanBank, quyền sở hữu số tiền bị thất thoát…

Trước đây, trong vụ án Lã Thị Kim Oanh, dù Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ không bào chữa cho bị cáo Lã Thị Kim Oanh nhưng quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án và tham gia phiên tòa, ông thấy việc áp dụng pháp luật, xác định tội danh với bà Oanh chưa phù hợp, ông đã có văn bản kiến nghị lên cấp có thẩm quyền, đề nghị quan tâm, giải quyết vụ án thật khách quan, đúng pháp luật.

Hay cách đây mấy năm, khi còn cương vị Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, báo chí từng phản ánh, Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ đã hai lần có văn bản kiến nghị gửi đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội, kiến nghị giải quyết đúng pháp luật vụ thu hồi đất đối với vợ chồng ông Lê Phúc Thủy ở 123 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội.

Nguyên do có hai bản kiến nghị mạnh mẽ này là vợ ông Thủy bị bệnh hiểm nghèo, ông Thủy bị thương tật, thuộc hộ nghèo, nên Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ tư vấn miễn phí, giúp đỡ họ trên con đường bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ cho rằng theo quy định của các điều 39, 40 luật Đất đai thì Nhà nước chỉ thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Vậy mà, UBND quận Long Biên thu hồi đất của gia đình ông Thủy đang ở từ năm 1991, để phục vụ cho việc bán đấu giá quyền sử dụng đất cho người khác làm nhà ở. Đó là việc làm trái pháp luật. Đồng quan điểm với Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, ngày 21/6/2013 Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã tuyên hủy các quyết định của UBND quận Long Biên bằng bản án số 114/2013/PTHC ngày 21/6/2013.

Bản án nhận định gia đình ông Thủy sinh sống liên tục, ổn định tại 123 Nguyễn Văn Cừ từ trước 15/10/1993 đến nay, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Mới đây, UBND quận Long Biên đã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Thủy.

***

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ tâm sự: “ Hàng ngày, tôi vẫn thường xuyên theo dõi hoạt động của các cơ quan tố tụng, nhất là công tác tố tụng những vụ án nổi cộm trong đời sống xã hội; mong sao nền tư pháp nước nhà ngang tầm với các nước văn minh trên thế giới”.

Nhìn vị luật sư già, mái tóc bạc phơ nhưng còn rất minh mẫn, khúc chiết, tôi thấy ông vừa là người am hiểu pháp luật, tuân thủ và vận dụng triệt để các quy định của pháp luật, vừa là người có trái tim nhân hậu, luôn luôn đứng về phía những người yếu thế để bênh vực họ và cuối cùng là vì “nền tư pháp nước nhà ngang tầm với các nước văn minh”.

Nữ thẩm phán Phùng Lê Trân - người tuyên Tạ Đình Đề vô tội

Nữ thẩm phán Phùng Lê Trân - người tuyên Tạ Đình Đề vô tội

Hơn 40 năm trước, phiên tòa xét xử Tạ Đình Đề, gây nên sự chú ý đặc biệt, thẩm phán đã tuyên Tạ Đình Đề không phạm tội, trong niềm vui vỡ òa của hàng ngàn người theo dõi phiên tòa.

Theo phaply.vn