- Bằng giấy ủy quyền được lập vào ngày 13/4/2017, ông Đặng Quang Phương, nguyên Phó chánh án TANDTC, sẽ chính thức làm người đại diện cho nguyên đơn trong vụ kiện kéo dài suốt 10 năm qua.

Vụ án tranh chấp khu đất vàng vườn đào kéo dài gần chục năm qua sẽ được TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm vào ngày 22/9 tới đây. Vụ việc được dư luận coi là “kỳ án vườn đào” do thời gian khiếu kiện kéo dài, nhiều lần TAND các cấp mở phiên xét xử nhưng vẫn chưa có hồi kết.

{keywords}
Khu đất tranh chấp gần 10 năm qua được dư luận gọi là "kỳ án vườn đào"

Trước đó, bản án sơ thẩm, phúc thẩm (lần 2) vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đã bị Hội đồng giám đốc thẩm TANDTC tuyên hủy, trả hồ sơ để xử lại do mắc nhiều sai lầm từ nội dung cho đến tố tụng. Sau đó, vụ kiện được TAND quận Tây Hồ thụ lý lại và đưa ra xét xử sơ thẩm lần 3. Hiện bản án sơ thẩm này đã bị kháng cáo.

Trong quá trình xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ông Đặng Quang Phương, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, đã nhiều lần gửi thư tới lãnh đạo TAND tối cao cho biết nguyên đơn là người thân của ông và nêu một số góp ý về xét xử vụ án.

Cụ thể, vào tháng 12/2016 và tháng 4/2017, ông Phương đã có “thư công tác”, lấy tư cách nguyên Phó chánh án TAND tối cao gửi đến Chánh án TAND tối cao, các phó chánh án, TAND TP.Hà Nội và tập thể Ủy ban Thẩm phán TAND TP Hà Nội đề cập đến vụ án, bản chất sự việc, quan điểm xét xử...

Trong các bức thư này, nguyên Phó chánh án TANDTC nêu: “Tôi rất quan tâm và theo dõi về vụ án này, vì đây là vụ án liên quan đến người thân thích của tôi (nguyên đơn trong vụ án)”.

Trong "thư công tác" gửi ngày 14/12/2016, ông nêu nhiều vấn đề cụ thể trong vụ án.

Tiếp đó, trong "thư công tác" gửi ngày 11/4/2017, ông Phương tiếp tục đề cập đến nội dung vụ án, cho rằng vụ án không phức tạp nhưng xét xử kéo dài nhiều năm với 6 phiên tòa các cấp và kết quả khác nhau. Trong thư, ông Phương tiếp tục đưa ra nhận định lỗi chủ yếu là do công ty Hồng Lan đã bội tín, đồng thời nhận định một số cấp tòa đã xét xử đúng. Sau "thư công tác" này khoảng vài ngày, đến ngày 14/4/2017, ông Phương đã nhận ủy quyền cho nguyên đơn trong vụ án để làm người đại diện tố tụng.

Bị đơn, công ty Hồng Lan cho rằng, việc tham gia tố tụng của nguyên Phó Chánh tòa Tối cao sẽ ảnh hưởng tới tính khách quan của phiên xét xử.

Trong đơn gửi UB Tư pháp QH, công ty Hồng Lan đặt ra nghi vấn vụ án này trở thành kỳ án kéo dài gần 10 năm qua 6 lần xét xử là “do ông Đặng Quang Phương, nguyên Phó chánh án TAND tối cao đã sử dụng quan hệ và chức vụ của mình để can thiệp làm sai lệch bản chất vụ kiện dân sự”.

Từ đó, doanh nghiệp này đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để vụ án được xét xử đúng theo pháp luật, khách quan, công bằng.

"Tư cách công dân"

Trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Quang Phương, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, đã nghỉ hưu từ năm 2014 - cho biết, việc ông nhận ủy quyền thay nguyên đơn (vợ chồng ông Phạm Xuân Mừng - bà Lưu Hoàng Anh) để tham gia tố tụng trong phiên xét xử tới đây là do mối quan hệ người thân.

“Mình là người thân của nguyên đơn thì mình nhận ủy quyền thay để tham gia tố tụng. Thứ 2 là vì công lý”. 

Ông Phương cũng giải thích, việc ông 2 lần viết thư trao đổi với lãnh đạo TAND Tối cao; lãnh đạo TAND TP Hà Nội, Ủy ban Thẩm phán TAND TP là để góp ý mang tính chất nghiệp vụ chứ không phải là can thiệp hay “định hướng” HĐXX.

“Tôi không lấy tư cách cá nhân mình là Phó chánh án TAND Tối cao để gây áp lực hay can thiệp HĐXX trong vụ việc này. Nếu tôi can thiệp thì làm gì có Giám đốc thẩm nữa” - ông Phương khẳng định.

Về việc ghi rõ chức danh “nguyên Phó chánh án TAND Tối cao” của mình trong hai bức thư “trao đổi nghiệp vụ”, ông Phương giải thích: đó là chức danh trước đây của tôi, và đó là thư trao đổi công tác, tôi gửi cho tập thể chứ không phải cá nhân ai cả. Gửi tập thể để các anh ấy xem xét, theo dõi xem HĐXX xét xử vụ việc này như thế nào.

“Tôi chỉ đại diện cho nguyên đơn chứ không phải luật sư đại diện bảo vệ cho nguyên đơn, nên không thể nói tôi có ý định “can thiệp” hay định hướng vụ việc” - ông cho biết.

Gần 10 năm chưa xử xong vụ án

Năm 2004, công ty Hồng Lan ký Hợp đồng kinh tế số 18 chuyển nhượng thửa đất số 32 và số 33 với diện tích 431 m2 tại khu vườn đào (P.Phú Thượng, Q.Tây Hồ, Hà Nội) cho ông Trần Văn Thơm, nguyên cán bộ Công an Q.Tây Hồ, với giá 12,1 tỉ đồng. Sau đó, do kẹt tiền thanh toán, ông Thơm đã ký một hợp đồng khác chuyển nhượng 2 lô đất trên cho vợ chồng bà Lưu Hoàng Anh - ông Phạm Xuân Mừng (ngụ Q.Đống Đa, Hà Nội) với giá khoảng 13 tỉ đồng để hưởng khoản chênh lệch hơn 761 triệu đồng. Do ông Thơm không thực hiện thanh toán đúng thời hạn nên công ty Hồng Lan hủy hợp đồng chuyển nhượng.

Từ tháng 11/2008, do không lấy được đất nên vợ chồng bà Lưu Hoàng Anh đã khởi kiện ông Thơm ra TAND Q.Tây Hồ, yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng, nếu không sẽ phải bồi thường thiệt hại. Công ty Hồng Lan là pháp nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Bất thường CA xã niêm phong, giao nhà đang tranh chấp

Bất thường CA xã niêm phong, giao nhà đang tranh chấp

Dãy biệt thự ở khu dân cư Bà Điểm vốn được Ngô Quang Trưởng (người bị tuyên án tử hình) giao cho một doanh nhân một cách hợp pháp. Tuy nhiên khi xuất hiện tranh chấp dân sự, chính quyền xã đã có sự can thiệp...thô bạo, khó hiểu. 

Thái Bình