TAND tỉnh An Giang vừa xét xử sơ thẩm nhóm lừa đảo nhận 20 tỷ đồng để "đẩy" Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh đi nơi khác. Tuy nhiên, sau một ngày xét xử, HĐXX đã hoãn, trả hồ sơ cho VKS để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan.

Các bị cáo trong vụ án này gồm: Vũ Văn Quý (30 tuổi, ở TP.HCM), Ngô Văn Trọng (48 tuổi, ở TP Đà Nẵng) và Hoàng Thị Tâm (54 tuổi, ở TP Hà Nội). Ba bị cáo bị truy tố về Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Riêng Quý bị cáo buộc phạm thêm tội Rửa tiền.

{keywords}
Mãnh là bị hại trong vụ án này và là bị can trong vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả"

Bị hại là ông Trần Trí Mãnh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Gia Thịnh (TP Châu Đốc, tỉnh An Giang). Đây là vụ án có nhiều tình tiết bất ngờ và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Bởi, lần đầu tiên có một giám đốc doanh nghiệp chi 20 tỷ để chạy điều động Giám đốc Công an tỉnh.

GĐ sản xuất hàng giả quyết chi tiền “đẩy” Giám đốc Công an đi nơi khác

Theo điều tra, Trần Trí Mãnh (41 tuổi, ngụ tại phường Châu Phú A, TP Châu Đốc), làm nghề kinh doanh dầu nhớt, phụ tùng xe gắn máy. Mãnh thấy từ khi Đại tá Đinh Văn Nơi về làm Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã tăng cường, kiên quyết tấn công, trấn áp các loại tội phạm, trong đó có tội phạm về hàng gian, hàng giả mà người đàn ông này đang sản xuất, buôn bán.

Mãnh sợ hành vi phạm tội của mình bị Giám đốc Công an tỉnh An Giang phát hiện, xử lý, ảnh hưởng đến việc làm kinh doanh phi pháp nên nảy sinh ý định dùng tiền tìm cách “điều chuyển” Đại tá Đinh Văn Nơi đi nơi khác. Cũng như đưa Giám đốc Công an tỉnh khác về An Giang về thay thế Đại tá Nơi.

Để thực hiện ý định này, tháng 12/2020, Mãnh đặt vấn đề nhờ ông Đào Ngọc Cảnh (74 tuổi, ngụ Đà Nẵng), là người có mối quan hệ quen biết từ trước. Sau khi nghe Mãnh trình bày, ông Cảnh đồng ý với giá 20 tỷ.

{keywords}
Ông Đào Ngọc Cảnh, người khoe với Mãnh là có quen biết nhiều "mối quan hệ rộng lớn"

Tuy nhiên, bản thân ông Cảnh không thực hiện được nên đặt vấn đề nhờ Ngô Văn Trọng (người làm nghề tài xế ở Đà Nẵng). Sau đó, Trọng lại tiếp tục nhờ Hoàng Thị Tâm với giá 13 tỷ đồng và được cái gật đầu đồng ý.

Tâm nói sẽ chi 10 tỷ để thực hiện việc “điều chuyển” Đại tá Nơi. Sau khi thành công Tâm sẽ “bồi dưỡng” cho người mà phụ nữ này nhờ thực hiện thêm 500 triệu đồng. Tổng cộng hết 10,5 tỷ. Còn 2,5 tỷ đồng thì Tâm và Trọng chia nhau. Riêng Trọng còn lại 7 tỷ đồng trong số 20 tỷ, dự tính sẽ cho ông Cảnh.

{keywords}
Bị cáo Trọng, làm nghề tài xế ở Đà Nẵng 

Song, cũng như ông Cảnh và Trọng, bản thân Tâm không thực hiện được việc “điều chuyển” nên tiếp tục nhờ Vũ Văn Quý. Quý nhận lời với giá 10 tỷ, và được Tâm hứa sẽ chuyển 5 tỷ vào tài khoản để làm chi phí thực hiện việc “điều chuyển”.

Quý nảy sinh ý định chiếm đoạt bằng cách sau khi có 5 tỷ gã sẽ để tiền trong tài khoản một thời gian, chứ không làm việc gì. Sau đó, Quý sẽ thông báo cho Tâm biết mình không thực hiện được việc “điều chuyển”. Quý buộc Tâm phải cho mình tiền chi phí mới đồng ý trả lại 5 tỷ đồng. Như thế thì Quý không mất tiền chi phí về việc gì.

Ngày 16/1/2021, ông Cảnh và Trọng từ Đà Nẵng bay vào TP Cần Thơ. Đồng thời, Trọng cũng đặt vé máy bay cho Tâm từ Hà Nội bay vào. Còn Tâm trước khi vào TP Cần Thơ cũng báo cho Quý biết, nhưng người phụ nữ này không nói có Trọng tham gia.

{keywords}
Bị cáo Tâm

Ngày 17/1, ông Cảnh cùng Trọng, Tâm từ Cần Thơ lên TP Châu Đốc để gặp giám đốc Mãnh.

Qua đó, ông Mãnh, Cảnh thống nhất chuyển trước 10 tỷ đồng cho bị cáo Trọng, Tâm. Sau khi hoàn thành việc “điều chuyển” sẽ chuyển tiếp 10 tỷ còn lại. Theo yêu cầu của ông Cảnh, Trọng chỉ đạo Tâm mở tài khoản ngân hàng cùng hệ thống với Mãnh.

Ngày 20/1, ông Mãnh cùng Trọng đến ngân hàng để chuyển 10 tỷ vào tài khoản của Tâm. Lúc này, ông Mãnh giữ lại giấy Chứng minh nhân dân của Tâm để phòng việc người phụ nữ này rút tiền bỏ trốn.

Thủ đoạn lừa đảo

Còn Quý, sau khi biết Tâm về An Giang thì yêu cầu người phụ nữ khi di chuyển tới đâu thì gửi vị trí cho mình.

Sau đó, Quý từ TP.HCM đi xe xuống Đồng Tháp. Lúc này, Quý biết trong tài khoản của Tâm có 10 tỷ. Tâm yêu cầu Quý bỏ tiền túi ra lo việc “điều chuyển”, chứ tiền trong tài khoản của mình không rút ra được. Nghe vậy, Quý đi về TP Châu Đốc để gặp Tâm.

Khi đi ngang qua trụ sở công ty của ông Mãnh, Quý thấy ô tô biển xanh đậu đối diện nên tưởng vụ việc bị bại lộ, cơ quan công an đang bắt Mãnh.

{keywords}
Bị cáo Quý

Khi gặp Tâm, Quý nói lại vụ việc. Lúc này, Quý mới biết Trọng cũng tham gia cùng. Quý nói với bị cáo Trọng vụ việc đã bị bại lộ.

Cả nhóm rút về Đồng Tháp, nhưng ngang công ty của ông Mãnh không thấy dấu hiệu bất thường nên Quý cho rằng mình đã nhầm lẫn.

Sau đó, Quý và Trọng trao đổi, thống nhất đặt vấn đề yêu cầu ông Mãnh cho tiền làm chi phí đi lại, ăn ở và “lo lót” cho công an để không bị truy cứu hình sự.

Quý nảy sinh ý định lừa đảo bằng cách yêu cầu phía ông Mãnh buộc phải chi tiền “lo lót” mới trả lại 10 tỷ đồng. Quý phân công Trọng đứng ra dàn xếp, thỏa thuận với ông Mãnh. Sau nhiều lần trao đổi, cuối cùng nhóm của Trọng sẽ trả lại cho giám đốc Mãnh 7,4 tỷ đồng.

Nhóm của Quý nhận 2,6 tỷ, trong đó ông Mãnh phải cho riêng Trọng 300 triệu đồng. Số tiền 2,3 tỷ đồng, nhóm Trọng nói dùng để “lo lót” cho công an, nhưng thực tế sau đó bị cáo này và Tâm, Quý chia nhau ra tiêu xài, trả nợ.

Ngày 2/3, cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang bắt giam khám xét khẩn cấp nơi ở của Mãnh và thu giữ một số lượng lớn hàng hóa là nhớt, phụ tùng xe gắn máy giả. Cùng ngày, Mãnh đến công an đầu thú và bị tạm giữ để điều tra hành vi Sản xuất, mua bán hàng giả.

Trong quá trình điều tra, ngoài thừa nhận hành vi phạm tội “Sản xuất, mua bán hàng giả”, Mãnh còn làm đơn tố cáo và khai bị các đối tượng Quý, Trọng, Tâm lừa đảo chiếm đoạt tiền.

{keywords}
Công an khám xét khẩn cấp kho hàng của Mãnh vào tháng 3/2021 Ảnh: Tiến Tầm

Ngày 9/3, Quý, Tâm, Trọng đến Công an tỉnh An Giang đầu thú. Ngày 18/3, cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã khởi tố bị can, bắt giam đối với Trọng, Quý, Tâm.

Trần Trí Mãnh khai, trong những lần tiếp xúc với ông Cảnh thì người đàn ông 74 tuổi khoe có nhiều mối quan hệ rộng lớn ở Hà Nội và Trung ương nên tin tưởng. Vì vậy, để thực hiện ý định “điều chuyển” Giám đốc Công an tỉnh An Giang đi nơi khác, Mãnh đã nhờ ông Cảnh thực hiện.

Theo HĐXX, ông Cảnh là “đầu dây mối nhợ” trong vụ việc này. Bản thân ông Cảnh thừa nhận, là người "làm mai mối" và được Mãnh cho 50 triệu đồng; đồng thời bị cáo Trọng hứa sau khi xong việc sẽ cho cho ông Cảnh một số tiền.

Còn bị cáo Trọng thực chất chỉ là người hành nghề cho thuê xe tự lái và “cò” đất. Bị cáo Quý làm nghề buôn bán; tốt nghiệp cử nhân luật; bị cáo Tâm là nhân viên của một công ty ở Hà Nội.

Thiện Chí 

Giám đốc DN khai chi 20 tỷ để chạy điều chuyển Đại tá Đinh Văn Nơi đi nơi khác

Giám đốc DN khai chi 20 tỷ để chạy điều chuyển Đại tá Đinh Văn Nơi đi nơi khác

Tại tòa, giám đốc doanh nghiệp đã khai mục đích chi 20 tỷ để chạy điều động Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang đi nơi khác.