- Thời điểm thị trường chứng khoán đang "lên cơn sốt", bà Nghĩa bị cáo buộc ôm hơn 46 tỷ bỏ trốn gây rúng động Hà Nội. Từ đó đến nay, vụ án vẫn chưa thể đi đến hồi kết.

Ngày 18/10, Tòa án cấp cao tại Hà Nội đưa vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Bị cáo là Đoàn Vũ Thanh Nghĩa (SN 1969, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội), người từng làm Hà Nội rúng động vào năm 2008 vì cú lừa cổ phiếu hơn 46 tỷ đồng.

{keywords}

Bị cáo tại tòa.

Vào thời điểm năm 2007, 2008, khi thị trường chứng khoán "lên cơn sốt", nhiều người sẵn sàng bỏ tiền tỷ để đầu tư chứng khoán.

Thời điểm đó, Nghĩa "nổ" rằng, chị ta có quan hệ quen biết nên có khả năng mua được các cổ phiếu ưu đãi của các doanh nghiệp đang cổ phần hóa, chưa đưa lên sàn giao dịch, rồi lại bán các cổ phiếu này thu lãi cao.

Theo lời Nghĩa, khi cổ phiếu OTC chính thức được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thì chắc chắn sẽ có lãi từ 5-10%. Nhưng vì là cổ phiếu chưa niêm yết công khai nên việc mua bán cổ phiếu của công ty nào, thời gian, giá cả, số lượng bao nhiêu phải do Nghĩa mua và đứng tên.

Trước khi mua bán, Nghĩa sẽ báo cho mọi người biết thời gian và số tiền nộp, người mua chuyển tiền cho Nghĩa để mua cổ phiếu.

Tin tưởng Nghĩa, trong khoảng thời gian từ 3/2007 đến 1/2008, nhiều người đã giao tiền cho Nghĩa để nhờ mua và bán chứng khoán nhằm hưởng lãi.

Các bị hại giao tiền cho Nghĩa bằng hình thức giao trực tiếp (không lập giấy tờ biên nhận) hoặc qua chuyển khoản. Nghĩa đã nhận của các bị hại hơn 46 tỷ đồng.

Sau khi nhận tiền của các bị hại, Nghĩa chiếm đoạt số tiền này và không mua, bán cổ phiếu OTC như đã hứa hẹn. Ôm tiền của những người nhẹ dạ, Nghĩa bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Nghĩa phản đối nội dung bản cáo trạng, kêu oan và cho rằng mình không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo thừa nhận về số lượng tiền đã giao, nhận và chuyển qua tài khoản như cơ quan điều tra đã thống kê, nhưng cho rằng đây là số tiền do các bị hại trả nợ bị cáo là chủ yếu và có một phần gửi bị cáo để mua chứng khoán, bị cáo đã trực tiếp thanh toán đầy đủ cho các bị hại và chỉ còn chiếm đoạt 300 triệu đồng.

Hành vi của Nghĩa bị Tòa án cấp sơ thẩm cho là đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của nhiều người, tạo dư luận bất bình trong nhân dân, gây tác động ảnh hưởng tới đời sống kinh tế của những người có tài sản bị chiếm đoạt; tác động ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thủ đô... HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên phạt Nghĩa tù chung thân.

Sau 8 năm chưa có hồi kết

Vụ án xảy ra từ năm 2008, cho đến nay vẫn chưa thể đi đến hồi kết. Trước đó, vào năm 2010, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử, nhưng phiên tòa đã phải tạm hoãn vì kiểm soát viên bị “tố” gợi ý chạy án.

Sau đó, cơ quan chức năng xác định không có cơ sở để kết luận kiểm soát viên chạy án. Đến ngày 1/8/2011, phiên tòa sơ thẩm được mở lại, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Nghĩa mức án tù chung thân.

Tới phiên phúc thẩm ngày 5/12/2012, TAND Tối cao tuyên hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu xét xử lại cấp sơ thẩm vì cho rằng, không có căn cứ xác định bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau khi điều tra bổ sung, ngày 7/5/2013, TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử Nghĩa và tuyên bị cáo án tù chung thân.

Phiên tòa phúc thẩm ngày 18/10, HĐXX của TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên bố hủy án, yêu cầu điều tra lại vì cho rằng, còn một số vấn đề chưa được làm rõ.

T.Nhung