Trong vụ án này, ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐQT PVN, Trưởng ban chỉ đạo triển khai các Dự án nhiên liệu sinh học) bị cáo buộc, dù biết PVC không đủ năng lực thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ nhưng đã ban hành chủ trương, chủ trì các cuộc họp để kết luận chỉ đạo quyết liệt PVB, PVC hoàn tất thủ tục chỉ định thầu cho Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T thực hiện gói thầu trái quy định.

Hậu quả dẫn đến dự án phải dừng thi công, gây thiệt hại cho PVB hơn 543 tỷ đồng. Hành vi của ông Thăng phạm vào tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

{keywords}
Các bị cáo tại tòa

Trong phần tự bào chữa của mình, bị cáo Đinh La Thăng bày tỏ thái độ không bằng lòng với Trịnh Xuân Thanh. Theo lời bị cáo, việc thẩm định giá hợp đồng để làm dự án Ethanol Phú Thọ là quyền của chủ đầu tư. PVC đồng ý thì làm, không đồng ý thì thôi.

“Anh Thanh nói, nếu tập đoàn không chỉ đạo thì PVC không làm. Nói xin lỗi anh Thanh, anh Thanh nói thế là tự tát vào mồm anh”, lời bị cáo Thăng.

Trong khi ông Thăng trình bày những lời trên, chủ tọa phiên tòa phải nhắc bị cáo Trịnh Xuân Thanh trật tự.

Ông Đinh La Thăng tự bào chữa: Đại diện VKS nói có nhóm lợi ích, tôi xin được trao đổi lại, nhóm lợi ích nào?, lợi ích gì?, bao nhiêu tiền?, từng người trong nhóm lợi ích được hưởng bao nhiêu tiền? “Đề nghị đại diện VKS giữ quyền công tố đối đáp lại phần tôi nêu”, lời bị cáo Thăng.

Ông Thăng trình bày: "Nếu không có lần đầu tiên, không có chủ trương chỉ định thầu của Chính phủ thì làm sao có những dự án lớn thành công.

Nói tôi giữ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, vai trò Chủ tịch HĐQT PVN, Trưởng ban chỉ đạo thì phải biết các việc của cấp dưới, kể cả việc của PVB là đơn vị không nằm trong hệ thống tập đoàn thì có thỏa đáng không? đề nghị VKS đối đáp.

Những người đứng đầu không chỉ mình tôi là người đứng đầu. Ở các ban ngành địa phương thì những người đứng đầu ở những địa phương có dự án họ cũng phải ra tòa chứ. Họ cũng là người đứng đầu".

Bị cáo trình bày tiếp: "Bản cáo trạng chứ không phải bản nhạc, một bản nhạc thì cũng có nhiều nốt chứ không phải chỗ nào cũng nốt Thăng. Chỗ nào cũng là Thăng chỉ đạo. Mỗi lần nói Thăng chỉ đạo là liên quan đến những năm tù chứ không đơn giản là những nốt nhạc.

Văn bản nào tôi chỉ đạo, lời khai nào tôi chỉ đạo? Hoàn toàn không có chuyện giới thiệu liên danh nhà thầu, đó là thẩm quyền của chủ đầu tư".

Bào chữa cho bị cáo Thăng, luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng: Động cơ và mục đích của ông Thăng là đúng đắn, chỉ muốn phát triển ngành dầu khí, phát triển ngành nguyên liệu sạch.

Theo luật sư, Ban Chỉ đạo triển khai các Dự án nhiên liệu sinh học được thành lập để tư vấn cho HĐQT và nguyên tắc là không làm thay chủ đầu tư. Nhưng quan điểm của cáo trạng lại đi ngược điều này.

Hành vi của ông Thăng không có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại vụ án. Chủ thể của tội phạm nằm ở chỗ khác. “Hành vi của ông Đinh La Thăng không thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm, đề nghị HĐXX xem xét tuyên ông Thăng không phạm tội”, lời luật sư Hướng.

Đề nghị được miễn trách nhiệm hình sự

Cáo buộc cho rằng, ông Phạm Xuân Diệu, với vai trò là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám PVC, dù biết Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu TK05 nhưng đã tiếp nhận chỉ đạo của ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, ký văn bản gửi PVB, PVN xin được chỉ định thầu.

Bị cáo còn đồng ý với nội dung cuộc họp HĐQT với Ban TGĐ PVC và nghị quyết của HĐQT PVC về thực hiện gói thầu TK05; ký tờ trình đề xuất HĐQT PVC xem xét và thông qua dự thảo nội dung hợp đồng EPC và trực tiếp đại diện PVC ký hợp đồng EPC theo hình thức chỉ định thầu.

Các hành vi vi phạm nêu trên của ông Diệu gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng, phạm vào tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Được quyền tự bào chữa, ông Diệu trình bày: "Nếu tôi biết việc lựa chọn nhà thầu không đúng pháp luật, không bao giờ tôi ký các văn bản liên quan".

Ông Diệu cho rằng, mình không vụ lợi, không lợi ích nhóm. Thiệt hại của vụ án không do hành vi của bị cáo gây ra. Việc dự án phải dừng, gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng không phải do năng lực của Liên danh nhà thầu, không phải do PVC được chỉ định thầu mà do khi triển khai hợp đồng đã không làm đúng như 30 điều khoản đã ký.

Theo bị cáo, dự án Ethanol phải dừng là do chủ đầu tư thiếu vốn và do nhiều nguyên nhân khác, chứ không phải do năng lực của PVC.

“Tôi nhận thấy lỗi của tôi nếu có chỉ là vi phạm hành chính, mong HĐXX cân nhắc xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho tôi, đồng thời miễn trách nhiệm dân sự cho bị cáo”, cựu TGĐ PVC trình bày.

Bào chữa cho bị cáo Diệu, luật sư đưa ra quan điểm: Thiệt hại trong vụ án mà cáo trạng nêu là lãi ngân hàng phát sinh từ năm 2013 đến khi khởi tố vụ án là thiếu cơ sở, chưa khách quan, công bằng.

Theo luật sư, việc áp dụng pháp luật trong vụ án này cũng không đúng khi mà hành vi cũ nhưng lại truy tố bị cáo theo điều luật mới.

Luật sư vụ Ethanol Phú Thọ đề nghị trả tự do cho bị cáo tại tòa

Luật sư vụ Ethanol Phú Thọ đề nghị trả tự do cho bị cáo tại tòa

Chiều nay (10/3), phiên tòa xét xử vụ sai phạm xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ tiếp tục với phần tranh luận.

T.Nhung