Theo bản án phúc thẩm, năm 2013, Nguyễn Ngọc Hùng Anh (SN 1975, ở Tiền Giang, cựu Giám đốc công ty CP Đầu tư dịch vụ xuất nhập khẩu Tín Nghĩa) và Huỳnh Thị Hạnh là môi giới bất động sản.

Biết nhiều người, DN dùng tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng, nhưng do gặp khó khăn về tài chính, chưa thể trả nợ đúng hạn, có thể bị kiện ra tòa, tài sản thế chấp bị phát mại.

{keywords}
Nguyễn Hùng Anh và Huỳnh Thị Hạnh

Với những trường hợp này, họ cần giãn nợ hoặc giảm nợ để có thời gian thu xếp tiền trả nợ; đồng thời, có nhu cầu tiếp tục được vay khoản tín dụng mới, nhằm đầu tư sản xuất. Nhưng họ không có điều kiện hoặc không có mối quan hệ để giải quyết.

Dù không có khả năng giãn nợ, giảm nợ và vay vốn, Hùng Anh đưa ra thông tin không có thật về việc có quan hệ với lãnh đạo các tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, ngân hàng, tòa án, thi hành án... nên có thể can thiệp việc giãn nợ, giảm nợ cho những khoản vay quá hạn, tài sản thế chấp không bị phát mại và tiếp tục được vay vốn ngân hàng.

Lấy được lòng tin của nhiều đại gia, từ tháng 8/2013 đến 3/2016, Hạnh đã soạn thảo 22 hợp đồng (trong đó 12 hợp đồng có nội dung giãn nợ, 8 hợp đồng vay vốn, 2 hợp đồng có nội dung giảm nợ) để Hùng Anh ký với 14 người có nhu cầu giãn nợ, giảm nợ và vay vốn. "Cặp đôi hoàn hảo" đã chiếm đoạt của 14 khách hàng hơn 19 tỷ đồng.

Đại gia dính bẫy lừa

Một trong số các bị hại của Hùng Anh phải kể đến ông Q. (Giám đốc công ty Hồng Long). Năm 2014, công ty Hồng Long vay nợ ngân hàng Eximbank, BIDV, Vietinbank 100 tỷ đồng. Cần giãn nợ, ông Q. gặp Hùng Anh để nhờ tư vấn.

Ngày 19/9/2014, Hạnh soạn thảo hợp đồng giãn nợ để hai bên ký kết. Theo đó, Hùng Anh tư vấn, hướng dẫn, thay mặt công ty làm việc với các ngân hàng, tòa án, thi hành án… để tài sản đảm bảo không bị phát mại.

Với hợp đồng này, công ty phải trả cho Hùng Anh 7 tỷ đồng. Ngoài ra, theo cam kết, công ty Hồng Long còn phải trả thêm 50%/số tiền được miễn giảm.

Thực hiện hợp đồng trên, công ty Hồng Long đã chuyển 580 triệu đồng. Nhận tiền nhưng các bị cáo không thực hiện như cam kết.

Một đại gia khác là ông B. (GĐ một công ty ở Bắc Ninh). Đại gia này đang có nhu cầu tư vấn giãn nợ khoản vay 16 tỷ đồng của một NH.

Hùng Anh hứa giúp ông B. vay 50 tỷ đồng tại một NH bất kỳ... Tin tưởng Hùng Anh, ông B. chuyển cho kẻ lừa đảo 1 tỷ đồng để được giải quyết khó khăn về tài chính.

Sau một thời gian không thấy ngân hàng liên lạc để làm thủ tục cho vay vốn như Hùng Anh hứa, ông B. gọi điện nhưng không liên lạc được. Lúc này vị đại gia mới ngã ngửa chuyện mình bị lừa.

4 quý bà khác ở các tỉnh thành phía Bắc tin tưởng Hùng Anh và Hạnh có khả năng giãn nợ và vay vốn NH nên đã nhờ kẻ lừa đảo vay 325 tỷ đồng. Với chiêu thức cũ, Huỳnh Anh và Hạnh đã lừa của 4 quý bà 3 tỷ đồng...

Năm 2018, tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt Hùng Anh án tù chung thân; Hạnh 16 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau phiên tòa trên, Hùng Anh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Bản án phúc thẩm cho rằng, hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt số tiền lớn của nhiều cá nhân, công ty. Những người  bị lừa đều đang lâm vào khó khăn về tài chính, nhưng hành vi của bị cáo càng làm cho bị hại khó khăn hơn.

Cho rằng cấp sơ thẩm phạt bị cáo tù chung thân là có căn cứ, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên y án.

'Quý bà' mạo danh nhân viên VietNam Airlines, lừa đảo tiền tỷ

'Quý bà' mạo danh nhân viên VietNam Airlines, lừa đảo tiền tỷ

Chỉ ở khách sạn hạng sang, luôn tỏ ra là người lắm tiền, Lê Thị Mai Hương vờ là nhân viên VietNam Airlines, lừa 10 người, lấy gần 6 tỷ đồng.

T.Nhung