Tòa triệu tập các nhân chứng cùng 12 doanh nghiệp liên quan: Công ty TNHH MTV Dịch vụ và du lịch biển đảo Hải Thành, CTCP Đầu tư sản xuất thương mại Mai Anh, ngân hàng BIDV, công ty TNHH Cảnh Hưng, CTCP Yên Khánh Hải Thành, CTCP tập đoàn Yên Khánh, CTCP BOT Cầu Việt Trì, công ty TNHH BOT và BT quốc lộ 20...

Phiên tòa vắng mặt một số nhân chứng. Các luật sư đề nghị xem xét thêm chứng cứ mới xuất trình và đề nghị triệu tập thêm đại diện Sở TN&MT, Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM.

{keywords}
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến

Được triệu tập đến tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đại diện ngân hàng BIDV đề nghị triệu tập đại diện Văn phòng công chứng trung tâm và Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM.

Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, đối với việc triệu tập thêm các cá nhân và tổ chức, hồ sơ vụ án đã có đủ lời khai và cơ bản phù hợp do đó việc triệu tập thêm là không cần thiết.

Nếu có thêm chứng cứ về tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, đề nghị luật sư cung cấp.

Sau khi xem xét, HĐXX cho rằng, những thành phần tham gia tố tụng khi đưa ra vụ án xét xử đã được xem xét đầy đủ, không cần thiết phải triệu tập thêm người làm chứng như đề nghị của các luật sư.

{keywords}
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ

Đối với đề nghị của đại diện BIDV, theo HĐXX, đề nghị này không thuộc thẩm quyền giải quyết của vụ án. Các nội dung liên quan đã có trong hồ sơ tài liệu vụ án. Sau khi HĐXX giải quyết vụ án, BIDV có thể thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luât.

Về các tài liệu mà luật sư đã nộp, HĐXX sẽ xem xét trong quá trình xét xử.

“Bốc hơi” đất quốc phòng

Theo cáo buộc, các khu đất số 2 (diện tích 1.995 m2), số 7-9 (diện tích 3.531 m2) và số 9-11 (diện tích 1.660 m2) tại đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM có nguồn gốc là đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của Quân chủng Hải quân (QCHQ).

Năm 2006, Ban Thường vụ Đảng ủy QCHQ nhất trí phương án hợp tác kinh doanh do cơ quan chức năng, doanh nghiệp đề xuất.

Bộ Tư lệnh Hải quân đã báo cáo và được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng nhất trí về chủ trương.

{keywords}
Các bị cáo tại tòa

Theo đó, yêu cầu QCHQ chỉ được hợp tác liên doanh sau khi hoàn thành các thủ tục liên quan về quản lý, khai thác các khu đất theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng.

Để thực hiện chủ trương trên, QCHQ giao cho các cơ quan chức năng và công ty Hải Thành của Quân chủng, mà trực tiếp là các bị cáo Bùi Như Thiềm (cựu Trưởng phòng Kinh tế), Đoàn Mạnh Thảo (cựu Trưởng Phòng Tài chính), Bùi Văn Nga (cựu Giám đốc công ty Hải Thành) và Trần Trọng Tuấn (cựu Phó giám đốc Hải Thành) triển khai thực hiện.

Quá trình thực hiện, các bị cáo đã ký các văn bản hoặc tham mưu để Thủ trưởng Bộ Tư lệnh ký các văn bản, làm các thủ tục không đúng quy định của pháp luật, Bộ Quốc phòng về quản lý đất đai trong triển khai thực hiện khai thác 3 khu đất.

Bị cáo Trần Trọng Tuấn được cho là chỉ tham gia dự án khu đất số 7-9, đã không quản lý được phần vốn góp là quyền sử dụng đất của QCHQ, trực tiếp ký biên bản họp HĐTV, HĐQT, điều lệ công ty Yên Khánh Hải Thành (cho phép công ty liên doanh được thế chấp quyền sử dụng đất).

Hành vi của bị cáo Tuấn đã tạo sơ hở để Út “trọc” và đồng phạm dùng hồ sơ khu đất 7-9 đi thế chấp ngân hàng, vay vốn phục vụ mục đích riêng.

Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm đã có hành vi gian dối để công ty Hải Thành, QCHQ tin tưởng, làm các thủ tục ký kết hợp đồng thành lập công ty liên doanh TNHH Yên Khánh Hải Thành để thực hiện dự án xây dựng và vận hành cao ốc đa chức năng tại khu đất số 7-9, thời hạn 49 năm.

Sau đó, Út “trọc” và đồng phạm đã làm thủ tục chuyển quyền sử dụng khu đất cho công ty Yên Khánh Hải Thành.

Khi có giấy chứng nhận chuyển quyền sử dụng đất, Hệ chỉ đạo người khác lập hồ sơ thế chấp khu đất này (có chữ ký giả của Trần Trọng Tuấn) để lập hồ sơ vay VietBank 52 tỷ đồng. Tiền Hệ dùng mua nhà ở quận 2, TP.HCM và mua cổ phiếu.

Sau khi giải chấp tại VietBank, Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm thế chấp khu đất tại BIDV, chi nhánh Thành Đô, bảo đảm cho 8 công ty của Hệ vay, cấp bảo lãnh hơn 765 tỉ đồng.

Hiện nay, còn 4 công ty có dư nợ với ngân hàng, được bảo đảm bằng khu đất số 7-9, với tổng số nợ gốc và lãi hơn 545 tỉ đồng.

Đối với cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cáo buộc cho rằng, đã tin tưởng vào vào sự tham mưu cấp dưới và việc thảo luận tập thể mà ký, phê duyệt các văn bản không đúng quy định của Bộ Quốc phòng, Chính phủ và luật Đất đai năm 2003.

Bị cáo cũng không kiểm tra và chỉ đạo kiểm tra năng lực thực tế của công ty Yên Khánh; không kiểm tra việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng các khu đất; không kiểm tra việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Quốc phòng, dẫn đến bị đối tác sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi thế chấp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển nhượng quyền sở hữu cho bên thứ ba...

Hậu quả, làm QCHQ mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hơn 939 tỷ  đồng.

Bị cáo Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Có 4 bị cáo bị xét xử về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai, gồm: Bùi Như Thiềm (cựu Trưởng phòng kinh tế Quân chủng Hải quân), Đoàn Mạnh Thảo (cựu Trưởng phòng tài chính Quân chủng Hải quân), Bùi Văn Nga (cựu Giám đốc công ty Hải Thành) và Trần Trọng Tuấn (cựu Phó giám đốc Hải Thành).

3 bị cáo bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", cựu phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn), Phạm Văn Duyệt (cựu tổng giám đốc CTCP tập đoàn Đức Bình) và Vũ Thị Hoan (cựu giám đốc công ty Yên Khánh).

Màn lừa của Út ‘trọc’ khiến cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến bị truy tố

Màn lừa của Út ‘trọc’ khiến cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến bị truy tố

Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) đã cùng đồng phạm thực hiện màn lừa đảo hết sức tinh vi.

 

T.Nhung