- "Tôi viết những dòng thư này ở những năm tháng cuối của cuộc đời mình. Càng viết nước mắt càng ứa ra, rơi xuống nhòe cả trang giấy".

Phạm tội Mua bán trái phép chất ma túy với án phạt 20 năm, sau 8 năm thụ án tại trại giam Tân Lập, Phú Thọ, phạm nhân Lê Tuấn Bút (SN 1950, ở Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã gửi thư xin lỗi gửi đến UBND xã Mai Đình, Hiệp Hòa, Bắc Giang.

Phạm nhân này mở đầu: "Khi nhận được lá thư này chắc UBND xã cũng ngạc nhiên lắm nhỉ? Vì chưa có ai đi tù mà lại viết thư gửi cho chính quyền của xã. Có lẽ tôi là người đầu tiên".

 

{keywords}
Ảnh minh họa.

Từng là bộ đội, thương binh hạng 3/4, đã trải qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, trở về địa phương, được chính quyền tin tưởng giao chức "quan xã" nhưng ông Bút đã đánh mất tất cả khi đưa chân vào con đường phạm tội.

Phạm nhân Lê Tuấn Bút được biết đến là người đàn ông "phong tình" với 2 bà vợ và 12 người con cùng chung sống dưới một mái nhà.

Ngoài bảng "thành tích" lắm vợ nhiều con, Lê Tuấn Bút đã vài lần đi tù, thậm chí có lần phạm nhân này từng trốn khỏi nơi giam giữ.

Năm 1995, Lê Tuấn Bút bị Tòa án huyện Tiên Sơn (tỉnh Hà Bắc cũ) xử 3 năm tù vì tội lừa đảo. Năm 1996, ông ta lại bị Tòa án huyện Tân Yên (Hà Bắc) xử 12 tháng tù vì tội trốn khỏi nơi giam giữ. Ngày 30/4/2000, Lê Tuấn Bút được đặc xá.

Đến năm 2006, khi cùng đồng bọn đi mua ma túy ở Lóng Luông, Mộc Châu (Sơn La), lúc về đến Bến xe Mỹ Đình, Hà Nội, Lê Tuấn Bút bị bắt quả tang.

Nhận án 20 năm tù khi ngót 60 tuổi, nam phạm nhân này cay đắng khi thấy ngày về xa lắc.

Hối hận

Nam phạm nhân này trải lòng trong lá thư của mình gửi UBND xã: "Tôi sinh ra ở một gia đình và quê hương của xã Mai Đình giàu truyền thống cách mạng. Được thừa hưởng những cái đó, nó là động lực để tôi lên đường đi theo cách mạng và cũng đã trưởng thành trong khói lửa chiến tranh. Tôi cũng đã lập chiến công chói lọi mang tính lịch sử của bản thân, quê hương và gia đình...

Sau khi chiến đấu bị thương, trở về quê hương, tuy mang thương tật trên người, tôi vẫn phát huy được bản chất của anh bộ đội, tiếp tục công tác, đã từng là cán bộ chủ chốt của Hợp tác xã ở địa phương với thời gian rất dài, được tổ chức tin yêu, được nhân dân mến mộ...

Thế mà thật đáng tiếc, trước sự việc riêng tư, giữa phong tục, tập quán lạc hậu, tôi đã không đấu tranh nổi, gục ngã, nặng về người nối dõi tông đường. Tôi mất tất cả, phải xa rời tổ chức Đảng vì tôi không còn đủ tư cách là đảng viên nữa.

Hàng ngày tôi không được sự giáo dục, rèn luyện của tổ chức Đảng, từ đó tôi dần dần mai một, lối sống buông thả, chơi bời cờ bạc, thoái hóa, biến chất, lao vào dòng xoáy của ma lực đồng tiền, buôn bán ma túy, làm cho gia đình tan nát và nguy hại cho xã hội. Đó là những việc làm xấu xa nhất của tôi, dẫn đến phạm pháp, sa lưới pháp luật.

Tôi viết những dòng thư này ở những năm tháng cuối của cuộc đời mình. Càng viết nước mắt càng ứa ra, rơi xuống nhòe cả trang giấy. Vì cũng có thể tôi sẽ về hoặc không về được nữa. Chẳng ai biết được ở đời này cái chết nó sẽ đến bao giờ".

Phạm nhân này viết: "Cho tôi được xin lỗi Ban chấp hành Đảng ủy xã là tổ chức đã thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng cho tôi nên người, mà đến hôm nay tôi không giữ được trọn lời tuyên thệ khi kết nạp. Xin lỗi quê hương Mai Hạ, nơi sinh ra tôi, nuôi dưỡng tôi khôn lớn, nay tôi không phục vụ được gì".

T.Nhung