Mới đây, bà Đặng Thị Kim Oanh, đại diện Tập đoàn Kim Oanh có đơn tố cáo, phản ảnh gửi đến Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền Thông đề nghị vào cuộc điều tra, xử lý những kẻ giấu mặt đã sử dụng mạng xã hội Youtube để tấn công, nhục mạ cá nhân bà cũng như các công ty thuộc Tập đoàn Kim Oanh.

Bà Kim Oanh cho rằng, đây là hành vi có tổ chức, cố ý và các đối tượng được thuê mướn, có trình độ về công nghệ thông tin, truyền thông.

{keywords}
 Một trong những kênh Youtube dày đặc các clip về Tập đoàn Kim Oanh và cá nhân bà Kim Oanh nhưng không có chứng cứ xác thực cho nội dung thông tin

Cụ thể, bà Kim Oanh nêu ra trên mạng xã hội Youtube có các kênh như: BĐS Kim Oanh, Sự thật về địa ốc Kim Oanh cùng được tạo ngày 23/3/2021 và kênh Tin tức Tài chính và Pháp luật được tạo ngày 28/9/2020.

Bà khẳng định “những kênh này, đặc biệt là kênh Tin tức Tài chính và Pháp luật đã đưa dày đặc các clip sai sự thật, xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống… về các công ty thuộc tập đoàn Kim Oanh và cá nhân tôi”.

Theo tìm hiểu các kênh này sản xuất clip dày đặc về tập đoàn Kim Oanh và cá nhân bà Kim Oanh. Các kênh này bám theo các sự kiện rồi cắt ghép các hình ảnh có liên quan đến các công ty, cá nhân bà Kim Oanh… sử dụng giọng đọc nhân tạo để cho ra các clip.

Những clip có các tiêu đề như: bóng ma bất động sản mang tên Kim Oanh, Công ty Kim Oanh tráo trở, trò ảo thuật biến đất công thành đất tư, đàn con siêu lừa Kim Oanh dẫn đi uy hiếp Trần Uyên Phương, Công ty Kim Oanh ép chính quyền hợp thức hóa các sai phạm của mình; Kim Oanh trốn thuế và lừa dối khách hàng…

Dù nội dung các clip mang tính chất quy kết, nhưng nội dung không đưa ra được bằng chứng, kết luận từ cơ quan chức năng chỉ ra các sai phạm liên quan đến tập đoàn Kim Oanh hay cá nhân bà Kim Oanh. Trong các clip này thường dùng cụm từ “theo một số luật sư” nhưng không hề có danh tính của luật sư nào cụ thể.

{keywords}
 Bà Đặng Thị Kim Oanh

Trong đơn, người đại diện Tập đoàn Kim Oanh lo ngại các clip phát tán trên mạng xã hội đã và sẽ gây hiểu nhầm cho dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cho Tập đoàn Kim Oanh và bản thân bà. Quan trọng hơn, những nội dung sai sự thật, vu khống phát tán trên mạng xã hội khiến các khách hàng và nhà đầu tư, đối tác của Tập đoàn Kim Oanh e dè, dẫn đến thiệt hại gián tiếp về vật chất; khiến hàng nghìn cán bộ nhân viên trong Tập đoàn Kim Oanh hoang mang, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của cả tập đoàn.

Ngoài ra bà Kim Oanh nêu: “chúng tôi cũng lo ngại những thông tin sai sự thật này còn có thể ảnh hưởng đến tiến trình điều tra của cơ quan chức năng trong một số vụ việc mà chúng tôi là nạn nhân”.

Từ cơ sở đó, đại diện Tập đoàn Kim Oanh đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án, xác định ai đứng sau trò tấn công bẩn trên mạng xã hội và xử lý theo quy định pháp luật.

Bà Kim Oanh cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản yêu cầu Youtube gỡ bỏ các clip sai sự thật, đồng thời thông báo rộng rãi về thủ đoạn mới của tội phạm mạng, để ngăn chặn các sự việc tương tự có thể xảy ra đối với các doanh nghiệp, cá nhân khác.

Được biết, trong những năm qua, các công ty thuộc Tập đoàn Kim Oanh xảy ra vướng mắc tại một số dự án ở các tỉnh thành. Nhưng sau đó các vướng mắc này, hầu hết đã được giải quyết bằng các văn bản chính thức từ cơ quan chức năng hoặc bản án của toà dân sự.

Bỏ hơn 1.500 tỷ mua đấu giá, doanh nghiệp mòn mỏi chờ phán quyết của tòa

Bỏ hơn 1.500 tỷ mua đấu giá, doanh nghiệp mòn mỏi chờ phán quyết của tòa

Thanh tra Bộ Tư pháp khẳng định, việc mua bán tài sản đấu giá là đúng quy định pháp luật nhưng thật khó hiểu khi doanh nghiệp trúng đấu giá phải liên tục phải kêu cứu, đòi tài sản?   

Trang Nguyên