- Chuyện tranh chấp trong nội bộ một công ty cổ phần nhưng chính quyền lại “thò tay” bằng các văn bản hành chính, thậm chí còn chỉ đạo hình sự hóa vụ việc.

Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Phó Thủ tướng đã 2 lần yêu cầu làm rõ vụ việc nhưng cấp dưới vẫn làm ngơ. Đến nay, đã hơn 10 năm, vẫn chưa có hồi kết.

Sau vụ quán Xin chào ở TP.HCM được giải quyết thấu tình đạt lý, mới đây, bà Mai Thị Khánh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty cổ phần Hữu Nghị (23 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) và 16 người nguyên là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên công ty tiếp tục gửi đơn cầu cứu tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

{keywords}

Bà Mai Thị Khánh (giữa) cùng các cổ đông đề nghị Thủ tướng chỉ đạo làm rõ vụ việc kéo dài hơn 10 năm nay.

Tranh chấp nội bộ

Rắc rối bắt đầu từ việc chuyển nhượng, mua bán cổ phần khi công ty này tiến hành cổ phần hóa năm 1999-2000.

Lúc mới cổ phần hóa, HĐQT gồm 5 thành viên được đại hội cổ đông bầu chọn do bà Mai Thị Khánh làm Chủ tịch kiêm Giám đốc. Có 36 người đã thực hiện 47 hợp đồng chuyển nhượng lại cổ phần của mình cho người khác, trong đó phần lớn được bán lại cho 5 thành viên của HĐQT.

Khi thị trường bất động sản sôi động làm giá trị cổ phần tăng nhanh, nhóm đã bán trên vội tìm mọi cách lấy lại. Họ khởi kiện ra tòa đòi hủy các hợp đồng mua bán trước đó và đề nghị công nhận HĐQT mới do họ bầu ra.

Qua 2 cấp xét xử, đầu năm 2002, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội tuyên y án sơ thẩm. Cụ thể, không hủy 47 hợp đồng mua bán cổ phần trước đó nhưng cũng không thừa nhận tính hợp pháp mà yêu cầu các bên tiếp tục hoàn tất thủ tục.

Đồng thời, Tòa phúc thẩm cũng không công nhận HĐQT mới như đề nghị của nhóm cổ đông đã bán cổ phần.

Dù bản án của tòa chưa được thi hành, nhóm cổ đông đã bán cổ phần đứng ra triệu tập đại hội cổ đông để phế truất HĐQT cũ và bầu HĐQT mới nhưng lại không cho các thành viên trong HĐQT cũ cũng như những người đã mua cổ phần trước đó tham dự.

Nhóm cổ đông này nắm giữ phần lớn cổ phần của công ty (33% vốn điều lệ, không kể số cổ phần đã mua đang bị tranh chấp), còn nhóm cổ đông tổ chức đại hội chỉ sở hữu 22% cổ phần hợp pháp.

Hình sự hóa

Khoảng cuối năm 2005, UBND TP Hà Nội lại có văn bản công nhận HĐQT mới và yêu cầu HĐQT cũ giao nộp con dấu cho HĐTQ mới. HĐQT cũ không chấp nhận giao nộp con dấu và gửi đơn khiếu nại. UBND Hà Nội không những không giải quyết khiếu nại mà tiếp tục ra văn bản chỉ đạo Công an Hà Nội tịch thu con dấu nhưng không thành.

Tháng 11/2005, vụ việc đã bị hình sự hóa bằng quyết định khởi tố vụ án “chiếm đoạt con dấu” theo điều 268 bộ luật Hình sự và Công an Hà Nội ra lệnh khám xét khẩn cấp để tịch thu con dấu, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và tất cả giấy tờ liên quan đến tư cách pháp nhân của công ty.

Sau 1 năm điều tra không tìm ra ai là người chiếm đoạt con dấu và cũng không tìm ra sai phạm gì trong hoạt động kinh doanh của công ty nên vụ việc không thể khởi tố bị can cũng như không có kết luận điều tra.

Sự việc khi ấy đã tốn không ít giấy mực của báo chí. Theo phân tích của nhiều chuyên gia pháp lý và kinh tế lúc bấy giờ như: Luật sư Trần Hữu Huỳnh, luật gia Cao Bá Quát, TS Nguyễn Đình Cung…, chỉ có tòa mới có quyền phán quyết con dấu thuộc về bên nào cũng như việc có công nhận HĐQT mới hay không.

{keywords}

Hàng loạt báo đã lên tiếng về việc hình sự hóa “chiếm đoạt con dấu” sai luật diễn ra những năm 2005-2006.

Các chuyên gia pháp lý cũng khẳng định, việc khởi tố vụ án chiếm đoạt con dấu theo điều 268 bộ luật Hình sự là hoàn toàn sai. Bởi tội chiếm đoạt con dấu chỉ áp dụng đối với cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội, trong khi công ty cổ phần Hữu Nghị đã được cổ phần hóa, 100% vốn tư nhân.

Việc này đã được chính VKSND Hà Nội nhận định: “Không có dấu hiệu cấu thành tội chiếm đoạt con dấu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội theo điều 268 bộ luật Hình sự”. Chính vì vậy, VKSND Hà Nội đã đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đình chỉ vụ án này.

Đình chỉ vụ án rồi bỏ lửng

Mặc dù sau đó vụ án đã được đình chỉ, nhưng việc tranh chấp mua bán cổ phần, con dấu, quyền điều hành công ty vẫn chưa rõ trắng đen.

Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội lại tiếp tục có công văn chỉ đạo Công an TP  trao trả con dấu và giấy tờ liên quan đến hoạt động của công ty cho HĐQT mới. Đồng thời chuyển giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Sở KH&ĐT để làm thủ tục cấp lại giấy đăng lý kinh doanh cho HĐQT mới.

Dựa vào đó, HĐQT mới đã loại HĐQT cũ, lên nắm toàn bộ quyền điều hành công ty. Số cổ phần đã bán trước đó vẫn đang trong quá trình tranh chấp nhưng HĐTQ mới đã đóng dấu xác nhận 20/47 hợp đồng đã bán trước đó bán lại lần 2 và chuyển giao tư cách pháp nhân và toàn bộ tài sản của công ty cho một bên thứ 3.

Cũng từ đó đến nay, HĐQT cũ cùng nhóm cổ đông mua cổ phần lần đầu đã nhiều lần khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền để đòi lại công bằng nhưng vẫn chưa có hồi kết.

2 lần chỉ đạo của Phó Thủ tướng bị làm ngơ

Ông Lê Thanh Vân, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách QH khóa 13, ông đã nhiều lần đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét, giải quyết thỏa đáng.

Tuy nhiên, ông không nhận được hồi âm nào của TP Hà Nội nên tiếp tục gửi văn bản, hồ sơ tới Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (năm 2013-2014). Phó Thủ tướng khi đó đã 2 lần chỉ đạo TP Hà Nội, Bộ Công an giải quyết, trả lời. Nhưng đến nay, ông Vân vẫn chưa nhận được văn bản phúc đáp giải quyết vụ việc.

Từ sự việc quán cà phê Xin chào và hàng loạt chỉ đạo quyết liệt khác Thủ tướng vừa qua, ĐB Vân hy vọng, vụ việc này sẽ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục xem xét, giải quyết quyết liệt trong thời gian tới.

Phương Nguyên