- TAND tỉnh Điện Biên đã ra thông báo mở lại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ siết nợ xôn xao Điện Biên vào ngày mai, 14/9.

Như VietNamNet đã đưa tin, vụ án "siết nợ" xôn xao tỉnh Điện Biên đã dẫn tới tranh chấp về nhà ở khiến hai cấp tòa của tỉnh Điện Biên nhiều lần mở phiên xét xử.

Theo đó, vợ chồng ông Nguyễn Quang Tuyến (TP Điện Biên) cho vợ chồng em trai mượn bìa đỏ thửa đất để thế chấp theo yêu cầu của chủ hiệu cho vay tín dụng Bùi Văn Bột.

{keywords}
Ngôi nhà tranh chấp trong vụ xiết nợ gây xôn xao tỉnh Điện Biên.

Mặc dù khoản vay này đã được giải quyết bằng vụ hòa giải do TAND TP Điện Biên tiến hành, nhưng ông Bột vẫn khởi kiện đòi nhà của vợ chồng ông Tuyến.

Ngày 30/3, TAND tỉnh Điện Biên đã mở phiên phúc thẩm lần 2, do bị đơn kháng cáo.

Tại phiên tòa, ông Nguyễn Quang Tuyến (chồng bà Oanh), khẳng định: Trên thực tế, vợ chồng ông chưa bao giờ đến nhà ông Bùi Văn Bột, cũng như chưa bao giờ nhận tiền trực tiếp từ tay ông Bột.

Cũng theo ông Tuyến, tờ giấy nhận tiền mà ông Bột nộp cho Tòa có chữ ký được coi là của ông Tuyến là giả mạo. Vì ông Tuyến chưa bao giờ ký vào giấy nhận tiền nào với ông Bột. Tại Tòa, ông Tuyến đề nghị HĐXX cho giám định chữ ký đối với tờ giấy đó.

Bên cạnh đó, anh Nguyễn Ngọc Anh (con trai bà Oanh, ông Tuyến) cũng đã có đơn khiếu nại gửi UBND TP Điện Biên Phủ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) TP Điện Biên Phủ khiếu nại về việc Văn phòng đăng ký QSDĐ đã “tự ý” đính chính sổ đỏ chủ sử dụng từ “hộ” sang chỉ còn tên bà Oanh, ông Tuyến.

Việc đính chính như thế đã đương nhiên tước đi quyền và lợi ích hợp pháp của anh Ngọc Anh và những người còn lại trong nhà.

HĐXX sơ thẩm TAND TP Điện Biên Phủ đã bác bỏ lời khai của bị đơn, nhân chứng và cho rằng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 31/7/2013 đã tuân thủ về “nội dung hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” và “hình thức của hợp đồng mua bán nhà ở”, nên đã tuyên buộc phía gia đình ông Tuyến giao cả nhà, đất cho ông Bột.

Tại phiên tòa phúc thẩm trước đó, nguyên đơn đã thừa nhận mình tự ý đi nộp thuế, làm thủ tục sang tên sổ đỏ mà không có sự đồng ý của bên bán, không đúng thỏa thuận trong hợp đồng.

Theo ông Tuyến, để bảo đảm ông Bột không lợi dụng việc giữ giấy tờ đất và hợp đồng mua bán để sang tên sổ đỏ và chiếm đoạt nhà đấ, vợ chồng ông đã “thòng” bằng điều 3 và 4 của hợp đồng là “bên bán (tức vợ chồng ông Tuyến) có nghĩa vụ thực hiện việc đăng ký quyền sử dụng đất tại cơ quan có thẩm quyền” và “Thuế, lệ phí liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hợp đồng này do bên bán chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”.

Bên mua thừa nhận “làm thay” bên bán

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Bột (nguyên đơn) đã chính thức thừa nhận mình là người đi làm thủ tục sang tên thửa đất, là người nộp thuế thu nhập cá nhân cho ông Tuyến, nộp lệ phí trước bạ. Trong khi theo hợp đồng, phía vợ chồng ông Tuyến phải làm việc này.

Tại phiên tòa, phía bị đơn cho biết, khi bàn giao sổ đỏ cho ông Bột, giấy này vẫn ghi rõ tên người sử dụng đất là “hộ gia đình”. Nhưng hiện nay, vợ chồng ông Tuyến lại phát hiện phần đất này đã được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) TP Điện Biên Phủ đính chính thành ông Tuyến, bà Oanh (không còn “hộ gia đình”) vào ngày 31/3/2013 (đúng ngày ký hợp đồng chuyển nhượng).

Gia đình ông Tuyến cho rằng, việc đính chính này là sai quy định và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những thành viên trong hộ gia đình. Hiện hồ sơ tại cơ quan chức năng cho thấy, không có tài liệu nào thể hiện gia đình ông Tuyến nộp hồ sơ và sổ đỏ để yêu cầu VPĐKQSDĐ TP Điện Biên Phủ điều chỉnh tên người sử dụng đất từ “hộ gia đình” thành “ông Tuyến, bà Oanh”.

Thái Bình