- Trong khi gia đình xin cho ông được về nhà trị bệnh thì ông Trần Văn Vót trình bày với tổ thẩm tra liên ngành rằng, ông chỉ kêu oan và xin ở trong trại giam chữa bệnh.

Ngày 19/10, trong cuộc họp báo, TAND tối cao, VKSND Tối cao và Bộ Công an đã phát đi thông cáo báo chí thông báo kết quả về vụ án Trần Văn Vót (SN 1949, ngụ thôn Nhân Phúc, Phú Phúc, Lý Nhân, Hà Nam) bị kết án các tội Giết người, Tàng trữ vũ khí trái phép và Gây rối trật tự công cộng ở tỉnh Nam Hà (cũ, nay là tỉnh Hà Nam).

Theo các căn cứ mà tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm áp dụng để kết tội Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh về tội Giết người là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan.

{keywords}

Tại cuộc họp báo, nhiều truy vấn được đặt ra và đại diện VKSNDTC, Bộ Công an và TAND TC đã trả lời từng câu hỏi.

Hồ sơ vụ án đã bị tiêu hủy

- Hồ sơ vụ án đã bị tiêu hủy hết, vậy tổ thẩm định dựa vào đâu để đi đến kết luận ông Vót không bị oan?

Hồ sơ vụ án bị tiêu hủy hết, nhưng tổ thẩm định dựa vào các hồ sơ như: bản án sơ thẩm, phúc thẩm, giám định thương tích, giám định hiện trường, tử thi, một số báo cáo của công an xã... Cái quan trọng là hồ sơ của công an tỉnh Nam Hà có hơn 1.000 bút lục.

- Vụ án này thật sự đặc biệt khi người nhà của nạn nhân bị sát hại nhiều năm qua đã liên tục gửi đơn kêu oan cho ông Vót?

Những khiếu nại của ông Trần Anh Điền, bố nạn nhân là không có cơ sở. Bản thân ông Điền không có mặt tại hiện trường, mọi thông tin ông có được đều do tự ông đi thu gom.

- Vì sao anh Thanh, người lần đầu cầm lựu đạn ném lại có thể ném quả lựu đạn xa đến hơn 60m?

Kết quả thẩm định cho thấy, không xác định được điểm đứng ném lựu đạn, nhưng các lời khai của Thanh cho thấy, anh ta ném quả lựu đạn đi xa hơn 10m.

Điều không ngờ

- Xô xát xảy ra giữa dân Thanh Nga và dân Nhân Phúc, Thanh là người Nhân Phúc, nếu anh ta có ném lựu đạn thì phải ném về phía dân Thanh Nga thay vì ném về phía dân Nhân Phúc?

Ngay từ đầu, hướng điều tra không hề nghĩ rằng người ném lựu đạn về phía người dân làng Nhân Phúc lại là người thuộc nhóm làng Nhân Phúc. 

Lúc đầu, cơ quan điều tra nghi ngờ và ra lệnh truy nã đối với Trần Văn Cự (SN 1957, ở thôn Thanh Nga), nhưng sau khi Thanh đầu thú, Cự không bị coi là kẻ giết người và việc điều tra đã đi theo hướng khác.

Đa số vết thương của các nạn nhân là từ phía sau lưng, mông, tức là lựu đạn được ném từ phía sau. Tổ thẩm tra liên ngành đã thẩm định tất cả các nội dung. Mỗi cá nhân tổ chuyên môn tự nghiên cứu tất cả và sau đó có ý kiến riêng trình lên lãnh đạo 3 ngành trung ương và Hội đồng thẩm phán TANDTC.

Tổng hợp ý kiến khách quan của từng cá nhân tổ chuyên môn thì đi đến kết luận, không có căn cứ xác định Vót và Thanh không có mặt tại hiện trường. Việc Thanh tự thú với cấp trên có biên bản bàn giao hồ sơ ban đầu.

- Tại sao Vót chỉ là người đưa lựu đạn thì ông ta vẫn đang phải chịu án tù, trong khi Thanh là người ném lựu đạn khiến 1 người tử vong, 21 người bị thương thì đã được ra tù từ lâu?

Ông Vót bị xác định là người chủ mưu, còn Thanh là đồng phạm. Người chủ mưu bao giờ cũng phải chịu tội nặng hơn. Việc ông Vót là người có nhiều huân, huy chương là một trong các tình tiết giảm nhẹ.

- Ông Vót là người có nhiều huân, huy chương, hiện đã già yếu và đang bị bệnh lao, nhưng không được về nhà trị bệnh?

Tổ liên ngành đã lên trại gặp ông Trần Văn Vót. Gia đình ông Vót rất quan tâm và xin cho ông được về nhà trị bệnh. Tuy nhiên ông Vót lại muốn ở trong trại giam chữa bệnh. Phạm nhân Vót trình bày với tổ thẩm tra liên ngành: "Tôi không xin ra trại mà chỉ kêu oan. Xin được tiếp tục chữa trị tại trạm xá của trại giam".

Sau khi thông cáo báo chí xác định ông Vót không bị oan được phát đi, bà Trần Thị Tân, mẹ của Trần Ngọc Thanh cho biết, họ sẽ tiếp tục làm đơn kêu oan.

T.Nhung