- “Làm như thế không gọi là hợp tác được, là giết nhau thì đúng hơn”, đó là ý kiến bức xúc của công ty gỗ Cửu Long Furniture trong buổi gặp mặt các doanh nghiệp gỗ chia sẻ kinh nghiệm quản trị rủi ro trong mua bán Quốc tế.

Đông đảo doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, từ Nam cho tới Bắc, đã tham dự cuộc gặp do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) tổ chức vào ngày 24/8. Trong đó, những chia sẻ của các công ty thừa nhận là “nạn nhân” của Global Home S.R.O nhận được sự quan tâm nhiều nhất.

{keywords}

Đại diện pháp lý của Gia Hân cho biết quyết định kiện để giúp đỡ các doanh nghiệp trong ngành gỗ, chứ không phải để bôi nhọ ai

Luật sư Nguyễn Thanh Truyền, đại diện quyền lợi và nghĩa vụ của công ty TNHH Gia Hân (Đồng Nai) chia sẻ, doanh nghiệp Gia Hân ký hợp đồng F.O.B với Global Home từ năm 2012. “Theo nhận định của cá nhân tôi thì có rất nhiều điều khoản bất lợi cho DN Việt”, luật sư Truyền nhận định.

Hợp đồng quy định nếu phát sinh tranh chấp thì dùng luật của Vương quốc Anh, giải quyết tại trọng tài Hồng Kông. Doanh nghiệp dường như không hề quan tâm đến chi tiết bên trong hợp đồng, nhìn lại hợp đồng là thấy mình thua.

Họ không biết tiền thuê luật sư ở Hồng Kông mất tới 2000-2500 USD/giờ. Chỉ riêng việc chuẩn bị hồ sơ cần phải mất tới 25-30 giờ. Doanh nghiệp bị thiệt hại kép. Bên cạnh đó, thủ tục phán quyết trọng tài phải kéo dài mất 6 tháng tới cả năm.

Trong khi đó, việc công nhận và thi hành các bản án của trọng tài nước ngoài ở VN còn nhiều bất cập. Điều đó dẫn đến hệ luỵ: doanh nghiệp mất lòng tin khi làm việc với đối tác nước ngoài. 

"Doanh nghiệp Gia Hân quyết tâm làm vụ này, chấp nhận coi như đã mất, giúp cho các doanh nghiệp khác chứ ko phải là dè bỉu ai, bôi nhọ ai”, luật sư Truyền khẳng định.

“Global Home đặt cọc cho Gia Hân 10.000 USD. Sau khi đặt hàng thì có đơn gia công ngay, nhưng thanh toán sau 30-37 ngày. Cứ xong mỗi đơn hàng là có đơn hàng mới. Doanh nghiệp bị cuốn vào vòng quay bỏ tiền vốn rất nhiều. Khoản nợ thanh toán thường là theo tỷ lệ 40-60, bao giờ cũng gối lại một ít. Số nợ đến tháng 7/2015 là 493.000 USD, bao gồm tất cả các khoản nợ gối đầu của Gia Hân.

Không những vậy, Global Home còn sử dụng đủ thủ thuật tránh né. 5h sáng Global Home gửi email, yêu cầu xác nhận trả lời email này mới tổ chức cuộc họp gặp mặt. 3 tiếng sau Global Home gửi email khẳng định là vì Gia Hân không trả lời nên huỷ, trong khi đó pháp luật không quy định điều khoản bao lâu thì phải trả lời email. Nếu vụ việc đưa ra trọng tài Quốc tế thì đây có thể là điều khoản bất lợi cho Gia Hân khi cho rằng đó là sự thiếu hợp tác”, luật sư Truyền cho biết.

Luật sư của công ty TNHH Gia Hân cũng cung cấp thêm: theo xác minh thông tin từ phía Cộng hoà Séc và Hà Lan, từ năm 2012-2014, tổng số lần thay đổi, rút và bổ sung vốn, thay đổi trụ sở của Global Home là trên 30 lần. Từ 2013, Global Home không phải của ông Otto de Jager nữa, mà là của 1 bác sỹ. Đến năm 2014, công ty này mới chuyển về Praha từ 1 vùng hẻo lánh giáp Áo.

“Công ty Gia Hân mong muốn được gia nhập Hawa, muốn Hội là cầu nối giúp cho các đơn vị nội địa…Chúng ta ko có sự kết hợp đồng lòng thì sẽ còn nhiều hệ luỵ lớn hơn nữa”, đại diện công ty Gia Hân nhấn mạnh.

Đại diện Công ty Cửu Long Furniture chia sẻ: trong lần đầu gặp gỡ, Global Home đã chủ động cho Cửu Long tự đăng ký số lượng sản xuất được. “Đối với một doanh nghiệp ngoài Bắc như Cửu Long, đây là điều rất bất ngờ. Hợp đồng do Global Home soạn và gửi sang, Cửu Long tự điền số lượng vào theo năng lực”.

{keywords}

Đại diện công ty Cửu Long Furniture bức xúc bay từ ngoài Bắc vào "kể tội" của Global Home


“Khi Global Home thanh toán được 60.000 USD thì xảy ra sự việc công nhân của Cửu Long đình công do thiếu lương. Cửu Long trao đổi hoàn cảnh khó khăn với Global Home thì Global Home phạt chậm hợp đồng với Cửu Long tới 60.000 USD, trong khi thanh toán thực tế của Global Home thường là sau những 60 ngày. Sau đó, Global Home lại phạt tiếp Cửu Long 60.000 USD các đơn hàng chưa đến kỳ giao hàng, dù Global Home chưa duyệt mẫu màu.

Sau đó, ông Otto de Jager mời Cửu Long vào văn phòng của Global Home để thương thảo. Cửu Long đang trong hoàn cảnh ngặt nghèo, có 700 công nhân lương chưa thanh toán, nên đành phải ký vào biên bản thanh lý hợp đồng, điều chỉnh số tiền phạt về bằng 0, để tiếp tục có đơn hàng từ phía Global Home để làm. Sau đó, Cửu Long thoát khỏi cảnh khó khăn, nên công ty không hợp tác nữa”, đại diện của Cửu Long bức xúc chia sẻ.

“Cửu Long quyết định “tham chiến” khi biết được thông tin công ty TNHH Gia Hân khởi kiện cá nhân ông Otto và công ty Global Home. Cửu Long đã gửi đơn đến Bộ Công an. Cái cách mà Global Home đối xử với doanh nghiệp không đẹp. Sau cú đánh của Global Home thì Cửu Long gần như phá sản.

Lấy ví dụ, khi Cửu Long làm việc với IKEA, khi IKEA ngừng hợp đồng thì họ có đền bù cho doanh nghiệp. Còn cách làm của Global Home như thế không gọi là hợp tác được, gọi là giết nhau thì đúng hơn”, đại diện Cửu Long chia sẻ.

Việt Đông