Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

Hỏi:

Bên em cho thuê phòng trọ và có thu tiền để xe, không may đã bị trộm đột nhập lấy mất chiếc xe trị giá 22 triệu đồng. Trong khi đó lúc ký hợp đồng thuê phòng trong hợp đồng có đề (Bên B có trách nhiệm tự giữ và bảo quản đồ đạc, tư trang cá nhân cũng như phương tiện đi lại (ô tô, mô tô, xe gắn máy, xe đạp...) của mình. Nếu mất mát xảy ra bên A không chịu trách nhiệm). Và trước cửa của bãi xe có dán giấy (ra vào nhớ khóa xe, khách mất xe chúng tôi không chịu trách nhiệm).

Bên em có trách nhiệm bồi thường không và theo luật sư, căn cứ vào tính pháp lý trên, bên em nên bồi thường bao nhiêu phần trăm cho khách hàng, vì đây là sự cố ngoài ý muốn.

Trả lời:

1. Cơ sở pháp lý:

Bộ luật Dân sự 2005

2. Nội dung tư vấn

Bộ luật Dân sự 2005 quy định:

Điều 559. Hợp đồng gửi giữ tài sản

Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

Theo thông tin bạn cung cấp, bên bạn cho thuê phòng trọ và thu tiền gửi xe đối với khách hàng, ở đây bạn và khách hàng đã hình thành nên một giao dịch dân sự đó là hợp đồng gửi giữ tài sản, bên bạn được nhận thù lao từ việc gửi tài sản và bên bạn cũng phải có các nghĩa vụ đối với việc trông giữ tài sản đó. Bộ luật Dân sự 2005 quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên như sau:

{keywords}

Điều 561. Quyền của bên gửi tài sản

Bên gửi tài sản có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý;

2. Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Điều 562. Nghĩa vụ của bên giữ tài sản

Bên giữ tài sản có các nghĩa vụ sau đây:

1. Bảo quản tài sản như đã thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ;

2. Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản, nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi;

3. Báo kịp thời bằng văn bản cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí;

4. Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Căn cứ theo quy định trên, bên bạn có nghĩa vụ trông coi tài sản và được nhận thù lao từ việc gửi giữ đó, và bên bạn phải có nghĩa vụ bồi thường khi để xảy ra hư hỏng và mất mát tài sản, tuy nhiên như bạn cung cấp, bạn và khách hàng có thỏa thuận trong hợp đồng là khách hàng tự giữ và bảo quản đồ đạc tư trang cá nhân, phương tiện đi lại nhưng vẫn tiến hành thi tiền trông coi, điều này trái với nội dung trong hợp đồng gửi giữ tài sản được pháp luật quy định như trên, do đó bên bạn vẫn có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại khi để xảy ra mất mát trên.

Về mức bồi thường, pháp luật không quy định mức bồi thường và phần trăm bồi thường là bao nhiêu, do đó chi phí bồi thường sẽ là chi phí thực tế đối với tài sản tại thời điểm để xảy ra mất mát tài sản trên, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về mức bồi thường này.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của bạn. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do bạn cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trân trọng!

Theo PLO