Sau khi VietNamNet phản ánh câu chuyện 3 năm đi xe không thay dầu của người phụ nữ ở Cầu Giấy (Hà Nội), cộng đồng chơi xe tiếp tục mổ xẻ về những lý do khiến ô tô bị bó máy.

Theo các chuyên gia kỹ thuật, bó máy trên ô tô (hay còn gọi là bó piston hoặc lup-pe) là hiện tượng piston di chuyển khó khăn hoặc kẹt cứng trong xylanh. Nguyên nhân chính của bó máy là do động cơ bị quá nhiệt dẫn đến piston làm bằng kim loại bị giãn nở, gây kẹt. Lúc này, động cơ không hoạt động được hoặc hoạt động rất khó khăn.

Việc bó máy thường gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng như kẹt xy-lanh, cong tay dên (biên), có thể bị gãy dên dẫn đến hỏng động cơ và nhiều bộ phận liên quan. Việc khắc phục thường rất mất thời gian và tốn nhiều tiền bạc.

Nguy hiểm là vậy nhưng nguyên nhân dẫn đến việc bó máy ô tô lại thường xuất phát từ những thói quen sử dụng “chẳng đâu vào đâu” của chủ xe. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp và cách phòng tránh.

Lười thay dầu nhớt

Dầu nhớt bị thiếu hoặc quá lâu không thay là nguyên nhân hàng đầu gây bó máy.

Hầu hết các hãng xe luôn khuyên chủ xe nên thay dầu nhớt với 1.000 km đầu tiên và mỗi 5.000 km/lần sau đó. Với các xe đi ít thì vẫn nên thay dầu định kỳ hàng năm để tránh việc nhớt để lâu sẽ đóng cặn, biến chất. Thế nhưng, không hiếm trường hợp sử dụng ô tô 2-3 năm mà không thay dầu khiến động cơ như bị "đóng bánh" lại.

{keywords}
Động cơ của một chiếc Kia Morning đi 3 năm không thay dầu nhớt.

Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến dầu bôi trơn của xe như: Dầu bị rò rỉ, thay phải dầu nhớt kém chất lượng hoặc bơm dầu bôi trơn hoạt động kém cũng là những nguyên nhân khiến chiếc xe bị bó máy.

Để khắc phục nguy cơ này, các chuyên gia khuyên bạn nên thường xuyên quan sát, kiểm tra chiếc xe xem có bị rò rỉ dầu hay không, kiểm tra mực dầu và chất lượng dầu máy xem còn tốt không. 

Quên kiểm tra nước làm mát

Nhiều người đi ô tô không mấy khi kiểm tra mực nước làm mát trên xe, thậm chí không biết bình nước làm mát ở chỗ nào.

Khi xe hoạt động, nếu nước làm mát bị hao hụt sẽ làm nhiệt độ động cơ tăng cao. Việc quá nhiệt gây ra thổi gioăng mặt máy, đồng thời làm piston giãn nở và gây bó máy.

{keywords}
Nên kiểm tra nước làm mát thường xuyên và sử dụng loại nước chuyên dụng.

Do vậy, lái xe phải thường xuyên kiểm tra mực nước làm mát, bổ sung kịp thời nếu nước làm mát bị thiếu và nên sử dụng nước làm mát chuyên dụng, không nên dùng nước lọc để thay thế.

Phớt lờ cảnh báo trên tap-lô

Một điều khá phổ biến hiện nay là lái xe chỉ biết lên xe và đi mà ít khi để ý đến các đèn cảnh báo hoặc kim chỉ nhiệt độ trên đồng hồ tap-lô.

Nhiều người còn có thói quen để các vật dụng như hộp kính, hộp giấy, ví tiền,… ngay lên mặt đồng hồ tap-lô, che khuất các đèn cảnh báo, đến khi đèn "nổi lên" mà không biết.

{keywords}
Đèn cảnh báo áp suất dầu máy nổi lên khi lượng dầu nhớt không đủ hoặc bơm dầu có vấn đề.

Với hầu hết các xe đời mới hiện nay, nếu chiếc xe có những vấn đề về mức dầu nhớt, nước làm mát và nhiệt độ động cơ bất thường, các hiện tượng này đều được cảnh báo trên tap-lô. Khi thấy các đèn cảnh báo nổi lên hoặc kim báo nhiệt độ động cơ ở mức cao bất thường, không được chạy cố mà phải đưa xe đi kiểm tra ngay để tránh rủi ro không đáng có.

Ngoài những nguyên nhân do cách sử dụng xe dẫn đến bó máy ở trên, việc thường xuyên sử dụng xăng kém chất lượng, thói quen đi ép ga ép số của nhiều lái xe (chủ yếu là lái mới) hay quạt làm mát động cơ bị hỏng mà không biết cũng là những nguyên nhân dẫn đến bó máy.

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mọi câu hỏi tư vấn về sử dụng, mua bán xe xin gửi tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Ô tô hỏng nặng vì bà chủ đi 3 năm không thay dầu

Ô tô hỏng nặng vì bà chủ đi 3 năm không thay dầu

Thật khó tin khi một chiếc ô tô đi liên tục đến hơn 3 năm không thay dầu nhớt. Chỉ đến khi chiếc xe này có hiện tượng bó máy, nữ chủ nhân mới tá hoả mang đi sửa hết gần 20 triệu.