Tiền mất, tật mang

Anh Đỗ Duy Khánh (34 tuổi, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) đang sở hữu chiếc Honda Civic đời 2010. Thời gian gần đây, anh thấy xe không còn bốc và nóng máy bất thường. Tuy nhiên, nghĩ là xe đã cũ, cộng với công việc quá bận rộn nên anh vẫn đi cố.

Cho đến cuối tuần vừa rồi, khi di chuyển từ cơ quan về nhà, chiếc xe của anh có hiện tượng rất ì, kim nhiệt báo gần đến vạch “H” và bốc mùi khét từ phía động cơ, lúc này anh mới cố “lết” vào một gara sửa xe gần đó.

Sau khoảng 5 phút kiểm tra, thợ sửa xe của gara phát hiện dầu máy trên chiếc Civic của anh gần như đã kiệt. Kiểm tra sâu hơn, người thợ này khẳng định ô tô của anh đã bị bó máy, có hiện tượng lột biên.

“Người thợ này nói rằng, xe của tôi bị khá nặng mà nguyên nhân do dầu máy đã cạn kiệt dẫn đến bó máy, còn mùi khét lúc trước chính là mùi dầu cháy. Người này còn bảo, vẫn may vì chưa bị gãy tay biên”, anh Khánh kể lại.

Anh Khánh thừa nhận, từ lúc mua lại chiếc xe cách đây 5 năm, gần như chỉ biết đi và hỏng đâu sửa đó chứ không mấy khi kiểm tra, bảo dưỡng, thay dầu định kỳ. Lần gần nhất anh thay dầu cũng là hơn 2 năm về trước.

Sau đó, anh Khánh buộc phải để xe lại gara để rã máy, ép biên, thay mới dầu máy,... “Phí” phải trả cho sự lơ đãng, chủ quan khi không thường xuyên kiểm tra và thay dầu máy định kỳ là hơn 10 triệu đồng.

{keywords}
Thông thường, đèn cảnh báo áp suất dầu bôi trơn trên bảng táp-lô sẽ sáng lên khi chiếc xe thiếu dầu . Ảnh: Viet Q

May mắn hơn anh Khánh một chút là trường hợp của anh Nguyễn Thành Nam (40 tuổi, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) - một người khá hiểu biết về xe. Anh Nam kể lại, cách đây không lâu, chiếc Toyota Altis đời 2005 của anh đột nhiên rất khó khởi động, khi khởi động cảm giác máy nặng và có tiếng lọc cọc phát ra từ phía động cơ.

Dự liệu có điều bất thường, anh Nam không cố khởi động nữa mà lật nắp capo lên kiểm tra các chi tiết, đồng thời quan sát xung quanh. Anh nhanh chóng phát hiện dầu máy đã bị chảy khá nhiều tạo nên một vũng đen, ngấm xuống đất.

“Do bận đi công tác nên hơn 3 tuần tôi mới động đến xe. Khi kiểm tra dầu máy, tôi ngỡ ngàng khi dầu đã cạn kiệt. Nguyên nhân có thể do gioăng phớt lâu ngày đã chai cứng, nứt vỡ khiến dầu chảy ra”, anh Nam nói.

Sau đó, anh đã lấy can dầu mới châm vào, sau đó chiếc xe vẫn đi lại được bình thường. Ngay hôm sau, anh Nam phải đưa xe vào gara của một người bạn để khắc phục triệt để.

“Lúc đó tôi không cố khởi động nhiều lần vì làm điều này khi cạn dầu máy có thể gây ra những hỏng hóc nặng liên quan đến động cơ. Lúc đó, chi phí sửa chữa, khắc phục sẽ là rất lớn”, anh Nam chia sẻ.

{keywords}
Có nhiều nguyên nhân khiến dầu máy bị hao hụt trong quá trình sử dụng. Ảnh: Đình Quý

Nên thường xuyên kiểm tra dầu máy

Trao đổi với VietNamNet, kỹ sư ô tô Lê Hồng Đại – giám đốc một trung tâm sửa chữa ô tô tại Hà Nội cho biết, việc hao dầu máy thường hay gặp ở những chiếc xe cũ, đã sử dụng 5-7 năm trở lên, khi một số chi tiết đã có dấu hiệu lão hoá theo thời gian.

Theo kỹ sư Đại, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hao dầu, phổ biến nhất là dầu bị rò rỉ qua các gioăng, phớt của động cơ. Các gioăng phớt này sau một quá trình sử dụng không còn đàn hồi, khi gặp áp lực lớn, nhiệt độ cao có thể nứt vỡ làm dầu máy chảy ra ngoài.

Một nguyên nhân phổ biến khác dẫn đến chiếc xe bị hao dầu là do phớt ghít trong động cơ lâu ngày bị chai cứng, không ôm sát được xu-páp. Trường hợp này khó phát hiện hơn do dầu không bị chảy ra ngoài.

“Xu-páp có nhiệm vụ đóng mở để cho dòng khí nạp và xả đi vào và thoát ra khỏi động cơ. Trên thân xu-pap có một phớt làm kín để ngăn không cho dầu bôi trơn trên nắp máy lọt xuống buồng đốt gọi là phớt ghít. Nếu phớt này bị hư hỏng, dầu động cơ có thể sẽ lọt xuống buồng đốt, dẫn đến hao dầu”, kỹ sư Đại giải thích kỹ hơn.

Nguyên nhân thứ ba kỹ sư Đại đưa ra là do xéc-măng bị mòn hoặc bó. Nếu các xéc-măng, nhất là xéc-măng dầu bị mòn sẽ khiến cho dầu bôi trơn động cơ đi lên buồng đốt và bị đốt cháy cùng với xăng.

Vị chuyên gia về ô tô này cho rằng, với bất kỳ lý do gì thì việc hao dầu dẫn đến cạn kiệt dầu máy là rất nguy hiểm, gây ra những hỏng hóc lớn cho chiếc xe như: Bó máy, lột biên (như trường hợp của anh Khánh ở trên).

Đồng thời, cạn kiệt dầu khiến động cơ bị quá nhiệt gây ra hiện tượng sôi dầu, cháy dầu dẫn tới kẹt xéc-măng,… Nặng hơn có thể gãy tay biên, gãy trục, vỡ động cơ,…

Hệ luỵ từ việc cạn dầu máy khiến chiếc xe bị hỏng nặng, khó khắc phục và chi phí sửa chữa rất cao. Ô tô bị chảy dầu còn tiềm ẩn nguy cơ cháy xe do dầu máy cũng là một chất dễ cháy khi đủ điều kiện.

{keywords}
Nên thường xuyên kiểm tra mức dầu máy, đồng thời thay dầu định kỳ theo đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất.

Để hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro trên, kỹ sư Lê Hồng Đại đưa ra một số lời khuyên như sau:

- Tạo thói quen quan sát xung quanh chiếc xe trước mỗi hành trình, trong đó quan sát phía gầm xe, dưới nắp ca-po xe xem có bị chảy dầu không.

- Thường xuyên kiểm tra mức dầu máy, nếu thiếu phải châm thêm ngay.

- Thay dầu, lọc dầu đúng định kỳ theo hướng dẫn và tiêu chuẩn của nhà sản xuất.

- Nên chọn những thương hiệu dầu máy có uy tín, phù hợp với từng dòng xe.

Hoàng Hiệp

Bạn nghĩ sao về hiện tượng ô tô chảy dầu máy và những hệ luỵ khi dầu máy bị cạn? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận.Trân trọng mời bạn đọc gửi tin, bài, ảnh, video cộng tác về Ban Ô tô xe máy, email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

Điểm danh những nguyên nhân khiến ô tô bị chết máy giữa đường

Điểm danh những nguyên nhân khiến ô tô bị chết máy giữa đường

Việc xe không may bị chết máy giữa đường là cơn ác mộng của không ít tài xế lái xe. Dưới đây là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này mà các tài xế nên nắm rõ.