Áp suất lốp là yếu tố cần lưu ý khi sử dụng ô tô. Áp suất lốp quá thấp hay quá cao đều có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn của hành khách và người xung quanh, cũng như khả năng vận hành của xe và độ bền lốp.

Hệ thống kiểm soát áp suất lốp (Tire Pressure Monitor System - TPMS) là một trang bị trên ôtô, có tác dụng theo dõi áp suất không khí bên trong lốp xe. Khi áp suất của một hay nhiều lốp xe nằm ngoài ngưỡng khuyến cáo, đèn cảnh báo sẽ phát sáng.

den canh bao ap suat lop sang anh 1

Đèn cảnh báo áp suất lốp. Ảnh: Lesschwab.

Đèn cảnh báo áp suất lốp nằm trên bảng đồng hồ, có hình dấu chấm than nằm trong móng ngựa. Trên một số dòng xe, đèn này có thêm dòng chữ "TPMS".

Tùy từng trường hợp mà đèn TPMS có cách phát sáng khác nhau, gồm phát sáng liên tục, bật/tắt và nhấp nháy rồi phát sáng liên tục.

Đèn TPMS phát sáng liên tục

Khi đèn TPMS phát sáng sau đó giữ nguyên tình trạng này, ít nhất một lốp xe đang có áp suất lốp thấp.

Người dùng cần kiểm tra áp suất của tất cả lốp bằng dụng cụ đo, tìm và khắc phục nguyên nhân gây rò rỉ hơi hoặc thay lốp dự phòng. Sau đó, bơm lại lốp lên mức áp suất khuyến cáo (thường được dán ở cửa bên tài xế).

Bên cạnh đó, người dùng cũng nên đưa xe tới xưởng để kiểm tra và bảo dưỡng lốp.

Đèn TPMS phát sáng rồi tự tắt

Khi áp suất của một hay nhiều lốp ở sát mức cảnh báo, nhiệt độ thay đổi có thể khiến đèn TPMS phát sáng rồi tự tắt.

den canh bao ap suat lop sang anh 2

Ảnh: Mechanic Base.

Ví dụ, vào buổi tối khi nhiệt độ xung quanh xuống thấp khiến áp suất lốp giảm nhẹ, vượt qua mức cảnh báo làm đèn TPMS sáng.

Ngược lại, vào buổi sáng hoặc khi xe đang vận hành, nhiệt độ xung quanh tăng lên khiến áp suất lốp tăng, đèn TPMS sẽ tự tắt.

Trong trường hợp này, người dùng nên kiểm tra áp suất của tất cả lốp để bơm lên mức khuyến cáo.

Đèn TPMS nhấp nháy rồi phát sáng liên tục

Nếu mỗi lần nổ máy xe, đèn TPMS nhấp nháy khoảng 60-90 giây, sau đó phát sáng liên tục, hệ thống kiểm soát áp suất lốp đang bị lỗi và không thể hoạt động bình thường.

Điều này đồng nghĩa xe sẽ không hiện cảnh báo nếu áp suất lốp thấp. Người dùng cần lưu ý, kiểm tra tình trạng lốp thường xuyên hơn cho đến khi hệ thống TPMS được sửa chữa.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng dù không gặp trục trặc nào, hệ thống TPMS vẫn có thể hoạt động không chính xác trong một số trường hợp và không hiện cảnh báo dù lốp gặp vấn đề.

Vì vậy, người dùng cần tự mình kiểm tra lốp thường xuyên, cũng như chú ý khi sử dụng xe hàng ngày để kịp thời phát hiện bất thường trong trải nghiệm lái, vận hành.

Mặt khác, người dùng cũng nên chuẩn bị sẵn trên xe bơm điện, dung cụ đo áp suất lốp và bộ dụng cụ vá lốp để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Theo Zing

Bạn đang hài lòng hay thất vọng với xế cưng của mình? Hãy chia sẻ bài viết trải nghiệm về chiếc xe của mình tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Vì sao ô tô phát sinh mùi khí thải khó chịu?

Vì sao ô tô phát sinh mùi khí thải khó chịu?

Thông thường những lỗi từ các bộ phận như bộ chế hòa khí hay bộ chuyển đổi khí thải gặp trục trặc, sẽ khiến xe ô tô có mùi xăng hay một số mùi khó chịu khác.