"Ở nước khác, người dân rất có ý thức cảnh giác với tai nạn giao thông, bất kể là người lái xe ô tô hay điều khiển phương tiện thô sơ".

Sáng 22/1, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh một vụ va chạm giao thông khá "oái oăm" ngay trên phố Hà Nội.

Cụ thể, trong lúc đang di chuyển trên đường, một phụ nữ điều khiển xe máy Honda Lead bỗng muốn cắt ngang sang đường bên kia. Tuy nhiên, cùng lúc đó có một chiếc ô tô màu trắng đang di chuyển chậm trên đường và không thể ngờ được hành động của "nữ Ninja" nên 2 xe đã xảy ra va chạm nhẹ.

Tưởng chừng mọi chuyện sẽ dừng lại ở đó, thế nhưng, với nỗ lực của mình, "nữ Ninja" đã quay đầu xe để tìm đường luồn lách sang đường.

Trong khi chiếc ô tô màu trắng vẫn đứng im, "nữ Ninja" đã điều khiển xe đâm trúng chiếc ô tô tới 3 lần trước khi tìm được đường sang đường bên kia. Khi tài xế ô tô chưa kịp phản ứng gì thì người phụ nữ đã lái xe máy đi mất hút. Vì vậy, rất nhiều người khi xem clip đã bất bình với ý thức và thái độ của người phụ nữ này.

Cách đây không lâu cũng xảy ra trường hợp một phụ nữ điều khiển xe máy nhưng đã dừng giữa đường, chặn cả đầu xe ô tô để sử dụng điện thoại, bất chấp dòng phương tiện đang lưu thông, để một anh Tây phải đến nhắc nhở rồi nhấc cả người và xe vào lề đường.

{keywords}
Người phụ nữ điều khiển xe máy đã cố tình sử dụng điện thoại giữa đường, bất chấp dòng phương tiện đang lưu thông nên một anh Tây phải "ra tay" kéo cả người và vào lề đường. Ảnh cắt từ clip

Những sự việc bi hài nhưng cũng cho thấy sự đáng phê phán trong ý thức tham gia giao thông của một số người dân Việt Nam. Nhận xét với chúng tôi về điều này, theo nhìn nhận trên thực tế tham gia giao thông ở Việt Nam, ông Bùi Danh Liên (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội) cho rằng, nhiều người điều khiển xe thô sơ, xe máy khi đi đường thường không có quan sát cẩn thận và hay sử dụng điện thoại.

“Người điều khiển xe máy trong trường hợp như vậy mà cứ cố tình lao sang đường thì rõ ràng ý thức, trách nhiệm của chính họ đối với bản thân mình là chưa tốt.

Bản thân họ không tự bảo vệ mình trong tình huống như vậy. Ý thức của người dân là chưa tốt nên để xảy ra tai nạn, đặc biệt là tình trạng vừa đi đường vừa sử dụng điện thoại”.

Họ không có ý thức bảo vệ cho mình và cộng đồng, điều đó là nguy hiểm. Cho nên, nếu phát hiện thì cần phải xử lý một cách nghiêm khắc để làm gương cho người khác” - Ông Bùi Danh Liên nhấn mạnh.

Ông Liên cho rằng phải tiếp tục tuyên truyền mọi biện pháp để người dân chấp hành tốt luật lệ giao thông, trong bối cảnh lượng phương tiện ngày càng tăng lên.

{keywords}
Hình ảnh “Ninja Lead” cố húc hông ô tô để sang đường mới đây ở Hà Nội. Ảnh cắt từ clip

Nói về sự tương phản trong ý thức tham gia giao thông của người dân Việt Nam với các quốc gia khác, ông Liên cũng cho biết, ở nhiều nước khác, ý thức tham gia giao thông của người dân được rèn luyện, thử thách và giáo dục từ sớm.

“Ví dụ như ở Lào, buổi sáng, học sinh khi ra đến quốc lộ thì dừng lại giơ tay xin đường thì các phương tiện khác sẽ dừng lại.

Cũng có quốc gia thì trên đường họ có điểm để bấm đèn xin đường, khi xe khác đang chạy mà thấy tín hiệu xin qua đường thì họ dừng lại hết để mọi người đi qua.

Còn như ở Indonesia, dù đường hẹp chỉ khoảng 3,5 – 4 mét thôi nhưng khi thấy chúng tôi từ trong ngõ đi ra thì tự nhiên xe khác đang đi sẽ dừng lại, đồng thời, mọi người cũng tranh thủ đi thật nhanh để qua đoạn đường đó”.

Theo nhìn nhận của ông, việc chấp hành, xử phạt vi phạm giao thông ở Việt Nam cần phải được thực hiện nghiêm khắc hơn, đồng thời cũng phải tuyên truyền tốt hơn nữa.

Điều quan trọng vẫn là ý thức của chính những con người điều khiển phương tiện. Ở các nước khác, người dân rất có ý thức cảnh giác với tai nạn giao thông, bất kể là lái xe ô-tô hay điều khiển phương tiện thô sơ.

(Theo GiadinhNet)