3.000 ô tô khi đến đăng kiểm bị từ chối, chủ xe "té ngửa" mình vi phạm trước đó mà chưa nộp phạt.

3.000 ô tô khi đến đăng kiểm bị từ chối, chủ xe mới "té ngửa" mình vi phạm giao thông trước đó mà chưa nộp phạt vi phạm hành chính. Thực tế, do thiếu cơ sở dữ liệu kết nối giữa CSGT, TTGT với đăng kiểm và việc gửi giấy báo vi phạm còn thủ công, nên kéo theo nhiều hệ lụy, gây phiền hà cho cả lái xe và cơ quan đăng kiểm.

Bị chặn đăng kiểm xe vì chưa nộp “phạt nguội”

{keywords}

Chưa nộp "phạt nguội" vi phạm giao thông, phương tiện sẽ bị từ chối đăng kiểm (Đăng kiểm phương tiện tại Trung tâm Đăng kiểm 29-06V, Hà Nội) 


Tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-03V, xe khách 16 chỗ BKS 30T-1682 bị từ chối tiếp nhận đăng kiểm trước sự ngỡ ngàng của lái xe. Hỏi lý do, lái xe được đăng kiểm viên giải thích xe bị CSGT Hà Nội ghi hình vi phạm tín hiệu đèn giao thông, đã quá thời hạn nhưng chưa nộp phạt.

Lúc này, lái xe Lương Hải (phường Kim Mã, Hà Nội) mới té ngửa yêu cầu đăng kiểm cho xem bằng chứng. Đơn vị đăng kiểm lúc này mới đưa ra thông báo của Cục Đăng kiểm VN về việc phương tiện trên bị liệt vào danh sách dừng kiểm định theo công văn của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội và hướng dẫn lái xe liên hệ với cơ quan CSGT, chấp hành xử phạt để được đăng kiểm tiếp.

“Sau đó, làm việc với CSGT, họ cho xem hình ảnh vi phạm. Nhưng phải mất 2 ngày chạy đi, chạy lại mới xong thủ tục nộp phạt, rồi cầm biên lai đến mới đăng kiểm lại được”, anh Hải nói.

Ông Đặng Trần Khanh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-03V cho biết, trung tâm thường xuyên gặp phải tình trạng này, có ngày 2-3 xe bị từ chối tiếp nhận kiểm định do bị ghi hình “phạt nguội” và chưa nộp phạt. “Hầu hết người đưa xe đến đều cho rằng họ không biết phương tiện vi phạm và bị phạt. Chúng tôi phải cho họ xem cảnh báo của hệ thống kiểm định, công văn của cơ quan đề nghị dừng đăng kiểm. Có lái xe cho biết là lái xe thuê nên không biết có thông báo của CSGT. Có người sống ở trong nội thành, nhưng thông tin đăng ký xe lại ở quê, nên không biết có thông báo vi phạm”, ông Khanh nói.

Tương tự tại Trung tâm Đăng kiểm 29-01V, anh Trần Chu Tuyến, lái xe BKS 30S-022.4... cho biết, đang mang xe đi đăng kiểm giúp cho người khác, đến đây mới được thông báo chiếc xe này bị “phạt nguội”. “Lại mất công đi lại, chờ đợi. Giá chỉ cần ra cây ATM để chuyển khoản hoặc nộp qua tài khoản rồi được đăng kiểm luôn đỡ mất công đi lại”, anh Tuyến than.

Ông Lê Văn Ngân, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-01V cho biết: “Đa số lái xe khi bị từ chối kiểm định mới biết là bị “phạt nguội”. Thường rơi vào các trường hợp xe chưa sang tên đổi chủ, không chính chủ nên thông báo vi phạm không đến đúng người.

{keywords}

Nhiều lái xe“dính phạt nguội” nhưng khi đi đăng kiểm mới biết(Trong ảnh: Trung tâm Điều khiển giao thông Hà Nội, nơi thu thập dữ liệu từ nhiều camera làm căn cứ “phạt nguội”). 

Cách nào giảm phiền hà?

Ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) cho biết, từ 1/1/2016, khi thực hiện quy định tạm dừng kiểm định các trường hợp xe theo văn bản đề nghị của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, có hơn 3.000 trường hợp bị tạm dừng và nhiều nhất là trường hợp bị Thanh tra Sở GTVT, CSGT lập biên bản vi phạm pháp luật giao thông và không chấp hành xử phạt theo quy định. “Mỗi lần các địa phương tổng hợp, gửi đề nghị chặn kiểm định hàng trăm trường hợp phương tiện. Số lượng nhiều đến nỗi chúng tôi phải cắt cử 2 người chuyên làm việc nhập cảnh báo chặn đăng kiểm lên hệ thống, xác minh trả lời và dỡ cảnh báo”, ông Hệ nói và cho rằng điều này bộc lộ những bất cập trong công tác quản lý. Thực tế cũng đã xảy ra một số trường hợp chủ xe khiếu nại, bức xúc, cho rằng bị chặn kiểm định oan, khiến cơ quan đăng kiểm với vai trò “đứng giữa”, chỉ biết hướng dẫn người đi đăng kiểm liên hệ với đơn vị đề nghị dừng đăng kiểm để giải quyết.

Ông Phan Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 15-01V (Hải Phòng) kể, mới đây khi trung tâm từ chối kiểm định một xe theo đề nghị của Thanh tra Sở GTVT một tỉnh phía Nam, nhưng lái xe phản ứng gay gắt, thậm chí nặng lời, cho rằng đã chấp hành nộp phạt, nhưng không có giấy tờ. “Là người trực tiếp thực hiện, chúng tôi cũng khó xử, không biết làm thế nào, chỉ còn biết cho họ xem công văn đề nghị, căn cứ pháp luật để thực hiện và hướng dẫn gọi vào đường dây nóng của đơn vị đề nghị. Vì hệ thống kiểm định vẫn yêu cầu dừng đăng kiểm, mà đơn vị đề nghị chặn đăng kiểm cũng chưa có văn bản phản hồi về việc dỡ bỏ việc dừng đăng kiểm. Nguyên nhân do đơn vị thanh tra kia quên không có thông tin lại để dỡ cảnh báo trên hệ thống đăng kiểm”, ông Đức kể.

Một cán bộ ở TP HCM chia sẻ, có lần anh đi qua hầm sông Sài Gòn, do sơ suất chạy xe quá tốc độ cho phép (sau này mới biết bị hệ thống camera trong hầm ghi lại). “Lúc ra cửa hầm không có CSGT nên xe của anh không bị phạt nóng và cũng không nhận được phiếu báo “phạt nguội”. Sau đó, một số lần vợ con anh sử dụng chiếc xe đi qua hầm cũng đều chạy quá tốc độ, camera đều ghi nhận vi phạm nhưng không nhận được phiếu phạt”, anh kể và cho biết, gần đây khi đi xe qua hầm, dù không vi phạm về tốc độ nhưng hệ thống phát hiện chiếc xe chưa đóng phạt các lần vi phạm trước nên đội CSGT túc trực trước cửa hầm yêu cầu dừng xe. Lúc đó anh mới tá hỏa vì số tiền phạt lên đến hơn 30 triệu đồng.

“Họ đưa ra bằng chứng hình ảnh cụ thể nên mình không thể chối cãi được. Nhưng số tiền lớn quá cũng hoảng. Nếu như nhận được thông báo đóng phạt một hai lần trước đó, chắc chắn tôi không vi phạm nhiều thế. Giờ đi qua hầm sông Sài Gòn lúc nào tôi cũng rất cẩn thận”, anh này nói.

Đề cập giải pháp để hạn chế tình trạng người dân khi đi đăng kiểm mới biết bị chặn, theo ông Hệ, tới đây cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về phương tiện, trong đó có phương tiện thuộc diện bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý. Từ cơ sở trên, không chỉ các đơn vị đăng kiểm mà các lực lượng chức năng xử lý vi phạm giao thông ở địa bàn khác, khi phát hiện các trường hợp trên sẽ áp dụng các biện pháp để cưỡng chế chấp hành quyết định xử phạt, tạo hiệu quả hơn trong xử lý vi phạm.

“Phạt nguội” cả lỗi chưa sang tên chuyển chủ

Trung tá Huỳnh Tấn Nam, Đội trưởng Đội Đèn chỉ huy tín hiệu giao thông, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, Công an TP Hà Nội đã kí hợp đồng với Bưu điện Hà Nội để chuyển phát thông báo vi phạm tới chủ phương tiện. Thực tế, vẫn có người cố tình không nhận thông báo hay đã nhận nhưng chây ỳ không đến giải quyết. Với những trường hợp này, cơ quan công an sẽ gửi thông báo vi phạm của phương tiện đó đến cơ quan đăng kiểm cùng phối hợp để khi chủ phương tiện hoặc người điều khiển đến làm thủ tục đăng kiểm sẽ bị cơ quan đăng kiểm từ chối.

Với những trường hợp mua bán chưa làm thủ tục sang tên chuyển chủ, CSGT vẫn gửi thông báo vi phạm đến chủ đứng tên trong đăng ký. Nếu xe đã được bán, sẽ gửi thông báo vi phạm đến người chủ mới đang sử dụng. Những trường hợp chưa sang tên chuyển chủ sẽ bị xử phạt theo quy định. Theo thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, trong năm 2016, cảnh sát đã xử lý 7.127 trường hợp; Quý I/2017 xử lý được 1.172 trường hợp vi phạm qua hệ thống camera.


Tra cứu thông tin bị “phạt nguội” qua hình ảnh trên cổng thông tin CSGT

Bà Trần Thị Hồng Nhung, Đội phó Đội Tuyên truyền (Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP HCM cho biết, người dân có thể tra cứu trên cổng thông tin www.csgthcm.vn để biết các phương tiện bị xử “phạt nguội” qua hình ảnh. Trong trang web này, PC67 đã niêm yết danh sách và thông tin chi tiết các phương tiện vi phạm Luật GTĐB bị camera ghi lại gồm: Biển số xe, thời gian, địa điểm và lỗi vi phạm. Ngoài ra, người dân có thể điền thông tin biển số xe vào mục “Tìm kiếm phương tiện” để biết xe của mình có bị xử “phạt nguội” vi phạm hay không. Theo bà Nhung, hiện nay hàng tuần có khoảng trên 10 trường hợp biết bị “phạt nguội” qua hình ảnh và đi nộp phạt sau khi tra cứu thông tin trên trang web.


(Theo Báo Giao thông)