Trong quá trình lưu thông trên đường, các phương tiện bị hỏng hoặc có việc cá nhân buộc phải đỗ là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, có một thực tế là không ít các vụ tai nạn đã xảy ra mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc các phương tiện dừng đỗ không có cảnh báo hoặc cảnh báo sơ sài.

Nhan nhản vi phạm

Mới đây, ngày 29/8 trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, đoạn qua địa phận huyện Bến Lức, Long An xảy ra vụ va chạm giữa một xe khách 45 chỗ chở hàng chục công nhân với một xe khách 16 chỗ. Hậu quả vụ tai nạn khiến 2 người tử vong và 5 người khác bị thương. Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn này được xác định là do ô tô 16 chỗ bị nổ lốp và tài xế đã không tìm cách đưa xe vào làn đường dừng khẩn cấp mà đỗ xe sát dải phân cách.

Trước đó, ngày 15/7, anh Nguyễn Nhựt Xuân (29 tuổi, ngụ phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa) cũng tử vong khi điều khiển xe máy đi hướng từ ngã tư Amata vào ngã tư Tân Phong. Theo tìm hiểu, do một chiếc xe tải tấp vào lề đường mà không có tín hiệu báo trước nên anh Xuân không kịp phản ứng. Khi bị ngã văng xuống đường thì xe tải biển số 60L-8836 do Đỗ Cao Trọng (36 tuổi, ngụ xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) điều khiển đi cùng chiều phía sau chạy đến cán qua người. Anh Xuân tử vong trên đường đi cấp cứu.

{keywords}

Có một điểm chung giữa hai vụ tai nạn ở trên đó là, bên cạnh nguyên nhân từ sự cố phương tiện thì ý thức kém của lái xe là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn. Khách quan nhìn nhận, không khó để bắt gặp những hình ảnh các phương tiện dừng đỗ thiếu ý thức gây ảnh hưởng đến giao thông.

Chẳng hạn, từ phố Đào Duy Anh lên Đại Cồ Việt (Hà Nội) tới ngã tư, theo quy định các phương tiện phải dừng đúng vạch cách đường ray tàu hỏa khoảng 5m. Song, do thời gian dừng chờ tín hiệu đèn đỏ khá lâu nên nhiều chủ phương tiện thường dừng xe sát phần đường ray, thậm chí đỗ hẳn trên đường ray tàu hỏa nhằm nhanh chóng thoát tín hiệu đèn qua ngã tư. Hành động này không chỉ vi phạm luật giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao nhưng người tham gia giao thông vẫn phớt lờ.

Trong các vi phạm liên quan đến dừng đỗ phương tiện, có một điểm đáng chú ý là hầu hết các trường hợp xe ô tô dừng đỗ dọc đường để sửa chữa đều chỉ sử dụng những cảnh báo không đạt yêu cầu, hết sức đơn giản. Trong khi đó theo qui định phải sử dụng các biển báo phản quang để các phương tiện khác lưu thông trên đường dễ dàng phát hiện từ xa và chủ động xử lý tình huống.

“Bản thân tôi cũng từng bị va quệt khi không trông thấy rõ “cảnh báo” của một xe tải khi họ sửa lốp dọc đường. Tôi thấy việc đặt cảnh báo bằng cành cây, gạch đá hay vật dụng ở phía trước hoặc sau xe ôtô chủ yếu là cho có hoặc để đối phó. Vì thường lái xe sử dụng các cành cây và đặt khoảng cách quá gần với phương tiện. Hơn nữa, việc đặt các vật phía trước, phía sau xe ôtô mà không có phản quang với khoảng cách quá gần lại ở khu vực không có ánh đèn, đường hẹp thì hầu như không phát huy được tác đụng cảnh báo đối với người điều khiển phương tiện khác” - anh Nguyễn Văn Quang, một tài xế taxi chia sẻ.

Đâu là giải pháp?

Khách quan nhìn nhận, để phòng ngừa những vụ tai nạn liên quan đến xe đỗ, dừng không có biển cảnh báo có thể xảy ra, lực lượng chức năng đã không ít lần khuyến cáo tất cả các tài xế khi tham gia giao thông phải tuân thủ các qui định của luật an toàn giao thông đường bộ. Nói cách khác, khi đỗ, dừng các phương tiện phải lưu ý đỗ ở nơi đường rộng, tầm nhìn thoáng, đỗ sát nơi có lề đất rộng.

Với trường hợp bất khả kháng, các chủ phương tiện phải đặt ngay cảnh báo nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết. Đặc biệt, với lái xe khi lưu thông trên đường, nhất là vào ban đêm nên lưu ý về tốc độ, chú ý chuyển đèn chiếu sáng xa, gần để các phương tiện ngược chiều không bị chói, dễ quan sát và kịp thời phát hiện chướng ngại vật phía trước.

Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, Nguyên cán bộ Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội phân tích, việc phương tiện trong quá trình tham gia giao thông với quãng đường dài, vận chuyển hàng hóa nặng khiến phương tiện hỏng hóc là điều khó tránh khỏi. Điều đáng nói là, khi dừng lại để sửa chữa có những xe chiếm một phần lòng đường nên gây ảnh hưởng lớn tới việc lưu thông của các phương tiện khác. Trong khi đó các lái xe chỉ sử dụng các hình thức cảnh báo thô sơ bằng các cành cây hoặc gạch đá thì nguy cơ khiến phương tiện khác đâm vào là rất cao. Đặc biệt nguy hiểm là khi trời tối, kiểu cảnh báo có cũng như không này là một trong những nguyên trực tiếp gây ra tai nạn.

“Luật Giao thông đường bộ đã quy định khi phương tiện khi muốn dừng đỗ phải có cảnh báo để các phương tiện khác biết. Vì thế, những phương tiện không may gặp sự cố giao thông phải đưa vào vị trí an toàn, đồng thời đặt cảnh báo phía trước và phía sau phương tiện để các phương tiện khác biết, tránh tai nạn xảy ra. Nếu người điều khiển phương tiện không tuân thủ các quy định của pháp luật trong vấn đề này dẫn tới tai nạn thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm” - Thượng tá Quỹ chia sẻ.

Những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra thời gian gần đây cho thấy, chỉ cần một sai sót nhỏ, một sự chủ quan của người điều khiển phương tiện cũng đủ để gây ra những tai nạn nghiêm trọng. Chính vì thế, sự cẩn trọng của người tài xế và ý thức cảnh báo để đảm bảo an toàn cho các phương tiện khác là điều tối quan trọng góp phần hạn chế rủi do khi tham gia giao thông.

(Theo Pháp luật Việt Nam)