Thấy hóa đơn tiền bảo dưỡng xe máy chồng đã thanh toán lên tới gần 4 triệu đồng, đắt hơn cả khi đi sửa chính hãng, chị Mai Loan (Cầu Giấy, Hà Nội) cảm thấy rất sốc.

Chia sẻ với PV. VietNamNet, chị Loan cho hay, khi chị đi vắng, chồng chị tranh thủ mang chiếc Honda Lead 125 của chị đi bảo dưỡng. Bình thường, chị hay đến các head của hãng để sửa, nhưng lần này chồng chị ra cửa hàng Nhật Ý Motor ở 70 Trần Thái Tông (Cầu Giấy) cho gần.

Chị Loan kể, xe của chị đi được 2 vạn 3 cây số, mới chạy hơn 1 năm nay. Bình thường khi ra head, xe của chị chưa bao giờ hỏng nặng. Vậy mà khi vào đây bảo dưỡng, nhân viên cửa hàng tư vấn chồng chị là nên sửa linh kiện này, linh kiện kia,... Họ nói “nếu không thay xe sẽ bị cháy”. Vì thế chồng chị đã đồng ý thay hết.

{keywords}
Hóa đơn tiền bảo dưỡng, sửa chữa xe máy mà chồng chị Loan đã trả tại cửa hàng.

Cụ thể, ngoài việc bảo dưỡng thông thường, chiếc xe còn được chạy lại kim phun, vệ sinh buồng đốt, thay dầu máy, bi côn, má phanh sau, bát côn trước, chuông côn sau, dây curoa, lọc gió,... Đến khi thanh toán, tổng cộng hóa đơn hết hơn 3,8 triệu đồng.

“Chồng em cứ thế trả tiền thôi. Lúc về chồng đưa hóa đơn mà em bị sốc. Bản tính đàn ông bảo sao đưa vậy, chồng em không kêu ca đâu. Mà có kêu thì họ cũng đã sửa rồi, vẫn phải trả tiền”, chị Loan bức xúc.

Theo chị Loan, nhiều lần chị đi bảo dưỡng và sửa ô tô cũng không hết nhiều tiền như vậy. Thế nên, khi thấy hóa đơn thanh toán cho việc sửa chữa bảo dưỡng xe máy lên tới gần 4 triệu đồng, chị phát cáu với cả chồng.

Tiếc tiền và bức xúc, chị Loan chụp ảnh hóa đơn và chia sẻ thông tin lên một diễn đàn chuyên về ô tô. Khi đưa lên, hầu hết các bình luận đều cho rằng chị đã bị “chém đẹp”. Và, cửa hàng sửa chữa xe máy mà chồng chị mang đến bảo dưỡng đã từng được cảnh báo là một trong những nơi nên cảnh giác, nếu không muốn bị lừa.

“Dây curoa chính hãng bán có hơn 500.000 đồng. Đây chém hẳn 680.000 đồng”, thành viên Ngô Anh Hoàng nhận xét.

Ngô Anh Hoàng còn cho biết, nhà anh cũng cũng đi Lead 125 hơn 3 năm chỉ thay đúng những thứ sau: còi (còi chết), 10.000 km thay lọc gió, 10.000 km vệ sinh kim phun, cứ 5.000 km thì vệ sinh côn, kiểm tra curoa định kì, 1.000 km/thay dầu máy, 3.000 km/thay dầu lap. Đến giờ vẫn chạy đều, “chứ 1 năm mà cứ bảo dưỡng làm cái hóa đơn như thế này chắc chết”, anh nhận xét.

{keywords}

Hóa đơn bảo dưỡng xe cùng loại của chị Hương Linh tại cửa hàng có uy tín

Thành viên Thắng Lâm Nguyễn viết:” Lead đi cực lành, 1.200-1.500 km mới phải thay dầu một lần. Khi nào đi được 3 vạn mang ra hãng bảo dưỡng. Chẳng mấy khi phải sửa gì cả, trừ thủng xăm mợ nhé. Nhìn qua, thấy mợ bị chặt gấp 5 lần rồi, chưa kể đồ đang tốt vứt đi thay đồ đểu vào. Đến khổ cho các mợ”.

Thành viên Nguyễn Văn Đại, một người buôn đồ phụ tùng, cho hay, nếu cửa hàng mà thay dây curoa đểu thì có hơn 100.000 thôi, dầu máy thường chỉ 80.000 đồng.

“Quá đắt nhé, dầu máy 80.000 đồng, dây curoa 350.000 đồng, bi côn 120.000 đồng, bát côn trước, chuông côn sau không cần thay trừ khi nứt vỡ, còn chẳng mấy khi nó mòn, lần sau đừng dại vào đó”, thành viên Canh Cá nhận xét.

Còn thành viên Dinh Thuy Chinh kể, xe của Chinh cùng loại đi 2,8 vạn bảo dưỡng chỉ hết 650.000 đồng tại các cửa hàng uy tín.

Chị Hương Linh, một người vừa đi bảo dưỡng xe Honda Lead của mình cuối tháng 6, cho hay xe, của chị chạy 2,9 vạn cây số, thợ cũng vệ sinh kim phun, buồng đốt, thay tấm lọc gió, thay dầu, thay xylanh phanh chính,... tổng cộng hết có 660.000 đồng.

Thế nên, kinh nghiệm cho mọi người khi đi bảo dưỡng xe nên chọn các cửa hàng uy tín, chính hãng. Việc nhân viên cửa hàng tư vấn thay phụ tùng gì cũng nên hỏi lại cặn kẽ, nếu đắt quá cũng nên khéo léo từ chối để xem xét, tìm hiểu thêm chứ không nên đồng ý ngay, tránh vừa mất tiền mất oan mà xe lại bị tráo đồ xịn thành đồ đểu - một thợ sửa xe máy khuyến cáo.

Ngọc Hà