LTS: Nhân kế hoạch thí điểm cấm xe máy ở tuyến đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương của Tp Hà Nội đang gây sốt cộng đồng, chuyên trang Ô tô- xe máy mở Diễn đàn “Bỏ xe máy, đi xe bus có khó không?” Trân trọng kính mời bạn đọc cùng tham gia gửi bài viết chia sẻ góc nhìn cá nhân qua email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

Dưới đây là bài viết của Thạc sĩ văn hóa Nguyễn Hồng Hải, sống và làm việc tại Hà Nội. 

Trở lại khoảng 30 năm trước, vào đầu thập niên 90, người dân Hà Nội nói riêng cũng như với nhiều người Việt Nam nói chung đều đang có cái háo hức giống hôm nay: chuyển đổi từ xe đạp sang xe máy (bây giờ là chuyển từ xe máy sang ô tô cá nhân và xe buýt). Từ đó đến nay với khoảng 3 thập kỷ, xe máy đang thống lĩnh phần lớn thị phần giao thông trên toàn quốc, dĩ nhiên có cả Thủ đô.

Không thể phủ nhận những tiện ích mà xe máy đem lại cho đến tận bây giờ, với những người thường xuyên phải tham gia giao thông: phương tiện nhỏ gọn, tốc độ cao không thua gì xe ô tô, rất phù hợp với những “ngõ nhỏ, phố nhỏ” của HN…

“Văn hóa xe máy” của người Việt Nam gắn chặt với trình độ phát triển hạ tầng giao thông, mức thu nhập hàng ngày và đặc biệt là thói quen khó bỏ: muốn đi đâu thì đi với chi phí thấp.

{keywords}
Xe buýt ngày nay đã khác xưa?

Cũng trong thời gian ấy, hệ thống xe buýt của chúng ta có được những gì? Có thể nói là không nhiều. Xe buýt được nhiều người biết đến lúc ấy ở Hà Nội chẳng khác gì các chuyến xe khách đường dài, thay vì liên tỉnh thì nó liên huyện là chính.

Tôi nhớ có người bạn dạy học ở huyện Hoài Đức, hàng ngày phải đi bộ từ phố 325 (bây giờ là phố Thể Giao) đến tận phố Lò Đúc, sau đó bắt xe buýt đi Hoài Đức theo tuyến đường 32 bây giờ, vất vả vô cùng.

Thời gian đi đã dài, xe lại “được” nhồi nhét đầy người và hàng hóa, kể cả các bà, các chị “buôn thúng, bán buôn”… Còn xe buýt nội đô hầu như rất ít, không đáng kể, nếu có chỉ dành cho học sinh, sinh viên một số trường CĐ, ĐH. Xe chạy ít chuyến nên luôn bị cảnh chen chúc, các tệ nạn như móc túi, lấy đồ của khách không phải là hiếm.

Thế nhưng những năm gần đây, bức tranh giao thông nói trên, những tưởng sẽ được duy trì mãi mãi đang đứng trước những yêu cầu phải đổi mới cấp bách.

Thu nhập bình quân đầu người ở Hà Nội đã tăng cao gấp mấy chục lần so với trước. Đất nước đang hội nhập sâu rộng với bên ngoài, các sự kiện chính trị, quốc tế lớn liên tiếp được tổ chức. Và đặc biệt, do số lượng người ngoại tỉnh vào sinh sống, làm việc ngày càng nhiều, dẫn đến số lượng xe máy quá khủng khiếp nên cảnh tắc đường diễn ra liên miên ở mọi lúc, mọi nơi.

{keywords}
Ùn tắc, xe máy phải đi lên cả vỉa hè, tạo nên hình ảnh không đẹp cho giao thông đô thị

Xe máy đã và đang tạo ra một cảnh quan không đẹp, nếu không nói hẳn ra là xấu xí cho một Thủ đô đang từng bước trở nên hiện đại, văn minh như thủ đô của hầu hết các nước trong khu vực.

Trước thực trạng ấy, vấn đề giảm tải, dẫn đến cấm hẳn xe máy vào nội đô đã từng bước được đặt ra và trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, như đã đề cập đến ở trên, do đa phần người dân đã duy trì một thói quen khá lâu (trên dưới 30 năm) là đi đâu cũng sử dụng xe máy: kể cả ra chợ mua mớ rau, hay chỉ là cái bao thuốc lá…nên việc từ bỏ ngay xe máy với nhiều người trở nên khá ‘sốc” và không dễ chút nào.

Trở lại câu chuyện của mình, nếu vào một ngày tình cờ tôi không có dịp đi xe buýt từ nhà vào Hà Đông, thì chắc đến bây giờ, tôi vẫn đang ở trong số đông nhóm người chẳng thích đi xe buýt.

Đó là hôm tôi có dịp vào trụ sở 2 của cơ quan ở gần Nhà thi đấu quận Hà Đông trên đường Quang Trung, người thì khá mỏi mệt, nghĩ bụng phải đi gần chục km bằng xe máy dưới trời nắng nóng thì quá ngại. Thế nên khi thấy chuyến xe buýt số hiệu 02 (Bác Cổ - Yên Nghĩa) đi ngang qua trước mặt, tôi nghĩ mình nên đi thử xem sao.

Lên xe rồi mới thấy nhiều cái hay: xe có điều hòa; giá vé rất rẻ (7.000đ/chuyến; vé tháng 1 tuyến là 100.000đ); trên xe có loa thông báo cho khách biết điểm đỗ sắp tới; người đi xe có thái độ văn minh, các bạn trẻ biết nhường ghế cho người có tuổi…

Từ đó đến nay, tôi đã quyết tâm bỏ xe máy, chuyển sang xe buýt.

Mặc dù vậy, việc đi lại bằng xe buýt hiện vẫn còn nhiều bất cập, nếu được Thành phố đầu tư tốt hơn thì chắc chắn, số người đi buýt còn nhiều hơn nữa.

Thứ nhất, vào giờ cao điểm (từ 7h – 8h, 17h – 18h) số đầu xe còn ít, dẫn đến việc hành khách phải chen chúc rất vất vả, trong khi các giờ còn lại trong ngày, số khách đi xe lại ít hơn nhiều.

Thứ hai, số lượng các điểm dừng đỗ có mái che mưa, nắng, có bảng báo điện tử thông báo về thời gian, khoảng cách các chuyến buýt còn ít so với nhu cầu thực. Cá biệt, có điểm đỗ xe trước cổng trường ĐH Công đoàn trên phố Tây Sơn còn gần ngay điểm tập kết rác công cộng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tâm lý của khách đi xe.

Thứ ba, công tác tuyên truyền về những mặt đã làm được, những ưu việt của hệ thống xe buýt hiện nay so với vài ba chục năm còn yếu. Nhiều người (kể cả các bạn trẻ) còn không biết muốn đi từ nhà đến điểm A, rồi từ điểm A đến cơ quan bằng xe buýt thì làm thế nào? Thời gian chờ đợi giữa các tuyến ra sao?

Thứ tư, việc áp dụng công nghệ cho xe buýt tuy đã có thành công bước đầu, như có App tra cứu tiện lợi cho việc đi xe trên điện thoại thông minh tại địa chỉ timbus.vn, tuy nhiên, việc giới thiệu rộng rãi ứng dụng này cho mọi người còn khá nhiều hạn chế…

Có thể nói, từ việc vận động mọi người đi xe buýt nói riêng cũng như sử dụng các phương tiện công cộng khác nói chung, là việc làm hết sức cần thiết trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đây là cả một quá trình để chuyển đổi từ quá trình nhận thức sang hành động nên cần có thời gian, không nên nóng vội.

Thạc sĩ văn hóa Nguyễn Hồng Hải (Hà Nội)

Trân trọng mời bạn đọc gửi tin bài chia sẻ ý kiến về chủ đề trên về chuyên trang qua email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

Đại gia sao lại đi xe buýt?

Đại gia sao lại đi xe buýt?

 Hẹn nhóm bạn ở công viên 30-4 trước Dinh Thống Nhất, thấy tôi vừa từ trên xe buýt bước xuống, một người liền nói: “Đại gia sao lại đi xe buýt?” Tâm lý "giàu sang đi ô tô, nghèo hèn đi xe buýt" có lẽ là một rào cản.