Năm 2020 có thể xem là 1 năm biến động đối với nghề sale ô tô (nhân viên tư vấn bán xe ô tô). Nửa đầu năm, thị trường xe hơi đi xuống và ế ẩm do ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh khi doanh số toàn thị trường giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái, theo VAMA. Các hãng dự đoán cả năm sẽ mất khoảng 15-20% lương bán so với 2019. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của hầu hết các sale ô tô.

Tuy nhiên, nửa cuối năm, chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ xuất hiện, khiến mọi thứ đảo chiều rõ rệt.

Dân "xếp hàng" mua xe chạy phí, sale ô tô tất bật cuối năm

Toyota, Mercedes hay nhiều hãng có xe lắp ráp từ bình dân tới hạng sang ở Việt Nam đang hưởng lợi nhờ chính sách của Chính phủ. Những mẫu xe hot như Kia Seltos, Toyota Vios, Vinfast Fadil, Hyundai Accent, Grand i10 hay các dòng xe sang Mercedes… đều được ưu đãi thuế giảm đến từ vài chục triệu lên đến cả trăm triệu đồng. Mức hỗ trợ này kết thúc vào 31/12, các quyết định mua xe lắp ráp vì thế cũng được chốt nhanh hơn nhằm "chạy" ưu đãi lệ phí trước bạ.

{keywords}
Dân sale ô tô cuối năm: Kẻ tất bật, người ngồi không

Chị Nguyễn Linh- nhân viên kinh doanh tại một đại lý ô tô KIA ở Hà Nội phấn khởi cho rằng, mùa bán ô tô dường như chỉ bắt đầu trở nên sôi động trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây khi lượng khách hàng đổ xô mua xe ngày một tăng cao.

“Thời điểm hai quý đầu năm, anh em sale bọn mình từng điêu đứng vì có tháng chẳng bán được chiếc xe nào. Giá cả xe thì bấp bênh, xe thì cứ tồn đọng đại lý. Nhưng từ khi có thông tin ưu đãi phí thì lượng khách bắt đầu nhỉnh dần. Đến giờ khách ký chờ mua xe quá nhiều lại tiếc khi không có nhiều xe để bán. Thậm chí đại lý còn phải ký thanh lý nhiều hợp đồng của khách vì xe không về kịp để giao trước Tết”, chị Linh cho biết.

“Không đủ kiên nhẫn để xếp hàng ký hợp đồng, chờ đợi nhiều tháng mới nhận được xe, nhiều khách hàng còn ngỏ ý chi thêm tiền cho nhân viên như chúng tôi để được mua xe sớm kịp hưởng ưu đãi phí trước bạ”, chị Linh tiết lộ thêm.

Cũng cùng tâm trạng như chị Linh, anh Nguyễn Mạnh, nhân viên bán xe tại một đại lý Toyota ở Hà Nội cũng bán được gần 10 chiếc xe từ cuối tháng 10 đến nay. “Con số này tăng gấp 3 lần so với những tháng trước đó. Vì không kịp thời gian giao xe trước Tết nên đại lý chúng tôi cũng từ chối nhiều khách cọc ký hợp đồng trong 1 tuần trở lại đây. Thực sự cũng rất buồn vì không thể giúp được khách”, anh Mạnh chia sẻ.

Không riêng gì anh Mạnh, chị Linh, đợt này hầu hết các nhân viên sale bán xe ô tô lắp ráp trong nước đều phấn khởi khi đơn đặt hàng tăng mạnh, chốt được nhiều hợp đồng đồng nghĩa với việc thu nhập của họ cũng tăng lên đáng kể.

Nhân viên bán xe nhập  rơi vào cảnh “ngồi chơi, xơi nước”

Trong khi nhiều đại lý bán xe lắp ráp trong nước rơi vào tình trạng cháy hàng thì ở chiều ngược lại các dòng xe nhập khẩu dù bất chấp các nỗ lực giảm giá khuyến mại vẫn bán chậm, thậm chí ý ẩm. Nhiều đại lý xe, nhân viên kinh doanh rơi vào cảnh “ngồi chơi, xơi nước”.

Ngồi thẩn thờ tại quán trà đá, anh Trần Xuân Toại, nhân viên kinh doanh một đại lý Mitsubishi ở Hà Nội thở dài, mong cho qua sớm năm 2020 khó khăn đủ đường. Nhiều tháng liền bị giảm thu nhập do không bán được xe là nguyên nhân khiến anh Toại không còn mặn mà với nghề này dù năm cũ đã sắp khép lại.

{keywords}
Nhiều đại lý ô tô vắng khách, ế ẩm dịp cuối năm khiến nhân viên sale rơi vào tình cảnh giảm thu nhập trầm trọng. 

“Từ tháng 3 đến nay, tin nhắn ngân hàng “ting ting” hàng tháng báo mức thu nhập (tính cả lương và hoa hồng) chỉ vỏn vẹn 3-5 triệu đồng. Đây là mức thấp nhất mà tôi nhận sau gần 4 năm làm nhân viên bán ô tô ở Hà Nội”, anh Toại buồn bã nói.

Lý giải về điều này, anh Toại cho biết mức thu nhập nói trên tương ưng với việc trung bình những tháng qua anh bán chỉ 0-1 chiếc xe/tháng.

Không có thu nhập từ bán xe, gần đây anh Toại buộc phải tìm kiếm từ những khoản nhỏ khác như ăn chia hoa hồng từ bảo hiểm, hỗ trợ đăng ký xe, làm biển số, thậm chí là giới thiệu khách cho bạn bè ở showroom khác, khi showroom này không có loại xe mà khách muốn.

Chung tình cảnh như anh Toại, anh Xuân Khải nhân viên bán xe Isuzu ở Hà Nội đang nằm trong nhóm danh sách đen. Còn 10 ngày nữa để chạy doanh số. Từ chỗ chỉ đến showroom tư vấn khách, thì nay anh Khải phải bán hàng trên đủ mọi kênh, quảng cáo Google, tham gia các hội nhóm Facebook, nhưng tất cả đều chưa đem lại tác dụng, dù nỗ lực thế nào vẫn không thể thay đổi cục diện.

“Kinh tế khó khăn do dịch bệnh. Thị trường cứ thế chững lại. Thêm vào đó, giá xe cứ giảm liên tục khiến khách hàng có tâm lý chờ đợi xe giảm nữa mới mua. Rồi gần hết năm nhận thấy xe lắp ráp trong nước lợi hơn về mặt giá thì khách hàng bỗng quay lưng với các dòng xe nhập khẩu. Điều đó khiến chúng tôi lao đao thật sự", anh Khải nói. 

Tình cảnh sales không bán được sản phẩm, dẫn tới không đủ thu nhập để chi tiêu trong cuộc sống nhất là khi năm hết Tết đến có quá nhiều thứ phải chi. Áp lực tài chính cũng khiến không ít nhân viên sale ô tô phải chuyển ngành thậm chí bỏ nghề. 

 Chi Bảo

Bạn nghĩ gì về những vụ tai nạn xảy ra do đạp nhầm chân ga ở Việt Nam? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Mua ô tô gần Tết: Khách mòn mỏi chờ xe, méo mặt lo mất phí trước bạ

Mua ô tô gần Tết: Khách mòn mỏi chờ xe, méo mặt lo mất phí trước bạ

Nhiều khách hàng than vãn chuyện tranh thủ đặt mua xe sớm trước khi quy định ưu đãi 50% phía trước bạ hết hạn tuy nhiên vẫn phải "dài cổ" đợi nhận xe vì đại lý kêu hiếm hàng, xe không về kịp.