Điều này được thể hiện trong Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình thực hiện Nghị định số 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các 3 bộ phải phối hợp đánh giá toàn diện về ngành ô tô Việt Nam dưới tác động của Hiệp định ATIGA.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì kiểm tra, đánh giá tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước ASEAN đáp ứng điều kiện được hưởng ưu đãi thuế suất (0%) theo hiệp định ATIGA.

{keywords}
Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 48.000 ô tô con hưởng thuế 0%

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát chính sách về ô tô, đánh giá toàn diện tác động tới thị trường ô tô Việt Nam sau khi hiệp định ATIGA có hiệu lực với các mặt triển vọng, khó khăn, thách thức và đề xuất giải pháp phát triển, tạo điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh công nghiệp ô tô tại Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào quý II/2019.

Theo hiệp định này, từ 1/1/2018, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu từ ASEAN nếu đạt hàm lượng nội khối 40% thì được hưởng thuế nhập khẩu 0%. Trong năm 2018, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu 54.000 xe con, trong đó, 48.000 chiếc, chiếm 89% được hưởng thuế 0%, chủ yếu đến từ Thái Lan và Indonesia.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xử lý các vướng mắc theo thẩm quyền. Trường hợp có vấn đề vượt thẩm quyền, phải kịp thời đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định nhằm đảm bảo các doanh nghiệp hoạt động tốt, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP. Theo dõi, chủ động rà soát xem xét các vấn đề còn vướng mắc ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và chưa phù hợp với quy định của điều ước quốc tế để sửa đổi hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bên cạnh đó nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy trình kiểm tra ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo từng lô theo hướng áp dụng quản lý trên cơ sở đánh giá rủi ro của hàng hóa và mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thông báo của VPCP cũng nêu rõ, sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị định số 116/2017/NĐ-CP cho thấy trong thời gian đầu thực hiện do doanh nghiệp chưa hiểu rõ quy định về Giấy chứng nhận kiểu loại ô tô nhập khẩu nên có những khó khăn nhất định. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các Bộ, ban, ngành có liên quan giải thích, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô.

Đến thời điểm hiện tại cơ bản các nước (nhập khẩu ô tô vào Việt Nam) đã cung cấp được tài liệu VTA cho xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam. Trên thực tế cho thấy, hầu hết ô tô từ các thị trường khác nhau cũng đã nhập khẩu được về Việt Nam mà không gặp những khó khăn, vướng mắc lớn.

Phạm Huyền

Vì sao ô tô nhập khẩu thuế 0% về Việt Nam, giá ô tô vẫn không rẻ? Mọi ý kiến chia sẻ, tin bài cộng tác xin gửi về chuyên trang qua email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

Gần 90% ô tô con nhập về Việt Nam hưởng thuế 0%

Gần 90% ô tô con nhập về Việt Nam hưởng thuế 0%

- Số lượng ô tô con nhập từ ASEAN hưởng thuế 0% chiếm gần 90% tổng số ô tô nhập khẩu vào Việt Nam năm 2018. Số xe này cũng chiếm ¼ tổng số xe con được bán ra trong năm qua.