Xe tự lái Trung Quốc vào Việt Nam từ 1/10 không được quá 100 chiếc/ngày và chỉ hoạt động ở Móng Cái.

Mở cửa cho xe du lịch tự lái

Ông Lê Đăng Doanh, Trưởng phòng Vận tải (Sở GTVT Quảng Ninh) cho biết, từ ngày 1/10 các loại ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống, thuộc sở hữu cá nhân, DN đi tham quan, du lịch của Trung Quốc được nhập cảnh vào Việt Nam và ngược lại. Thời gian nhập cảnh và lưu trú tại Việt Nam đối với khách Trung Quốc là không quá 3 ngày/lần cấp phép, nếu bất khả kháng như tai nạn, hư hỏng phương tiện thì cấp gia hạn 1 ngày. Phạm vi khách du lịch được phép di chuyển là trong TP Móng Cái nhưng không vượt quá Trạm Kiểm soát liên hợp Km15, bến tàu Dân Tiến, xe không được hoạt động trên tuyến QL18C (thuộc vành đai biên giới) và các khu vực quân sự.

{keywords}

Xe Lào vào Việt Nam qua cửa khẩu Cầu Treo

Doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép thực hiện quản lý khai thác thí điểm loại hình xe du lịch tự lái là Công ty CP Du lịch và Dịch vụ Hồng Gai còn phía Trung Quốc là một DN du lịch khác. Hoạt động này phải tuân thủ một số nguyên tắc về quy định nhận diện như: Xe tự lái Trung Quốc phải dán logo, mẫu logo do đơn vị tự xây dựng, đăng ký với Sở GTVT để thống nhất quản lý. DN lữ hành phải ký hợp đồng trọn gói theo phương thức du lịch với đối tác trong tổ chức cho đoàn khách du lịch sử dụng ô tô du lịch tự lái, xuất và nhập cảnh Việt Nam. Đồng thời, DN phải bố trí nhân viên thông thạo tiếng Trung ngồi trên xe đầu tiên để dẫn đường cho đoàn xe trong quá trình tham gia giao thông, du lịch tại Móng Cái.

Ngày 12/1/2016, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND tỉnh Quảng Ninh thí điểm hoạt động xe ô tô du lịch tự lái giữa hai TP: Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) qua Cửa khẩu Móng Cái với thời gian thí điểm là 1 năm. Sau đó, UBND tỉnh Quảng Ninh tổng kết, đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Về số xe và khách tham quan, UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép tối thiểu 5 xe và tối đa không quá 20 xe mỗi đoàn/lần. Trong thời gian nhập cảnh du lịch, tổng lượng xe tự lái Trung Quốc tại Việt Nam không quá 100 chiếc/ngày, xong các xe đợt trước mới được quyền cấp phép xe đợt sau.

“Đối với hoạt động này, các cơ quan như: Sở GTVT, hải quan, biên phòng đóng vai trò quản lý và thực hiện việc kiểm soát phương tiện và người khi đi qua địa phận của Việt Nam. Hoạt động du lịch sẽ được các DN du lịch triển khai theo quy định, cụ thể ở đây là hai công ty của hai nước đã được bàn giao”, ông Doanh nói.

Một chuyên viên của Phòng Vận tải (Sở GTVT Quảng Ninh) cho biết thêm, nếu có khách du lịch theo xe tự lái, một công ty lữ hành của Trung Quốc trực tiếp tổ chức khai thác du lịch đến Việt Nam sẽ làm thủ tục cho đoàn khách theo quy định và trao đổi khách với Công ty Du lịch Hồng Gai. Bên phía Việt Nam cũng làm ngược lại. Lúc này, xe sẽ làm thủ tục theo quy định của xe, người theo thủ tục của người. “Trước khi xe vào địa phận của Việt Nam, lực lượng công an, biên phòng, hải quan kiểm tra kiểm soát và làm các thủ tục xuất nhập cảnh. Về phía giao thông, Trạm Quản lý vận tải cửa khẩu (phía Trung Quốc cũng có một trạm) thực hiện cấp phép theo giấy phép hai bên đã trao đổi”, chuyên viên này cho biết.

Được biết, đây là một loại hình dịch vụ du lịch vận tải mới tại khu vực biên giới nhằm tạo cơ hội thúc đẩy giao thương giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Theo quy định, xe du lịch tự lái sang Việt Nam phải chấp hành Luật GTĐB Việt Nam. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam hoặc các hiệp định, nghị định thư, Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc ký kết.

Xe du lịch có được qua lại các cửa khẩu khác?

Theo một chuyên viên của Vụ Vận tải (Bộ GTVT), đây là mô hình lần đầu tiên áp dụng sau khi được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động vận tải du lịch như trên chưa áp dụng cho các cửa khẩu khác. Các cửa khẩu còn lại đều đang thực hiện theo các Nghị định thư về vận tải được ký kết song phương.

Ông Hà Tiến Sơn, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Nghệ An cho biết: “Nghị định thư số 72/2010/SPQT ngày 17/12/2010 đã được Chính phủ Việt Nam và Lào ký kết quy định: “Xe ô tô của hai nước được phép lưu trú trên lãnh thổ của nước bạn gọi là “tạm nhập” thời gian tối đa là 30 ngày. Hết hạn các xe này phải ra khỏi lãnh thổ nước bạn, gọi là “tái xuất”. Nó được áp dụng không chỉ đối với xe cá nhân, mà ngay cả các xe khách, xe tải nếu đủ điều kiện.

Về điều kiện xe lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam của xe BKS Lào, Đại tá Cao Minh Phượng, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an tỉnh Nghệ An cho biết: “Các phương tiện này phải có: Giấy tạm nhập tái xuất (tạm nhập phương tiện này về Việt Nam có thời hạn), giấy phép liên vận Việt - Lào (Transit Vietnam - Lao), có dán (tem) ký hiệu phân biệt quốc gia ở kính trước và kính sau của xe, đăng ký xe, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, bảo hiểm có bản dịch từ tiếng Lào sang tiếng Việt... Người lái xe phải có GPLX, hộ chiếu”.

Ông Cao Đức Thắng, Chi cục phó Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) cũng cho biết, bình quân mỗi ngày có khoảng 70-80 xe tải, xe khách, xe du lịch và xe con của Lào đi vào Việt Nam qua cửa khẩu Cầu Treo. Đối với xe kinh doanh vận tải hành khách chạy theo tuyến cố định. Xe tải cũng được phép chở hàng vào lãnh thổ Việt Nam nhưng không được dùng các xe tải đó để kinh doanh vận tải trong lãnh thổ Việt Nam. Tất cả các xe ô tô Lào khi đi vào lãnh thổ Việt Nam đều làm thủ tục theo quy định tại Thông tư 42/2014 của Bộ Tài chính. Các xe Lào được lưu trú tại Việt Nam tối đa 30 ngày, sau 30 ngày phải xuất cảnh. “Mỗi ngày có khoảng 40-50 xe Việt Nam đi qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo vào Lào theo dạng này”, ông Thắng thông tin.

Còn theo ông Lê Thanh Hùng, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Trị, phương tiện từ Thái Lan vào Việt Nam theo quy định của Hiệp định tạo thuận lợi cho vận tải qua biên giới (GMS). Thái Lan đã cấp thủ tục cho xe đến 9 chỗ ngồi, trong đó xe du lịch được đi từ Vinh đến Nha Trang, còn xe vận tải hàng hóa (không quy định tải trọng) được đến Cảng Đà Nẵng. Đối với phương tiện từ Thái Lan (tay lái nghịch) qua Việt Nam phải có giấy phép GMS… “Phương tiện Lào qua Việt Nam không hạn chế, còn phương tiện từ Thái Lan qua là tay lái nghịch nên bước đầu có hạn chế cấp phép về số lượng để thích nghi dần…”, lãnh đạo Sở GTVT Quảng Trị cho biết.

Tại Long An có hai cửa khẩu Bình Hiệp (TX Kiến Tường) và Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ). Tuy nhiên, các phương tiện ô tô, mô tô chỉ được phép đến khu vực cửa khẩu, không được xuất cảnh sang nước bạn Campuchia. Ông Châu Thanh Vũ, Đội trưởng Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan cửa khẩu Bình Hiệp cho biết, hiện nay Chính phủ chưa ký hiệp định liên vận với Campuchia, do đó ô tô, mô tô đều không thể làm thủ tục xuất, nhập cảnh được. “Tất cả các ô tô đến cửa khẩu hai nước đều phải dừng lại. Đối với người dân khu vực biên giới, khi qua lại thăm thân đi bằng ô tô cũng đều phải gửi lại phía cửa khẩu, sau đó thuê phương tiện nước sở tại đi tiếp”, ông Vũ cho biết.

(Theo Báo Giao thông)