Số lượng xe ô tô trong nước ngày càng gia tăng, kéo theo dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng xe ngày càng phát triển, chất lượng được nâng cao. Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều gara sửa chữa ô tô làm ăn theo lối chụp giật, "chặt chém" khách, dù bị phát hiện nhiều lần những vẫn cố duy trì cách làm ăn được cho là "xấu xa" này.

Gara sửa xe M.S tại Hà Nội lại lần nữa bị khách hàng tố chặt chém khi mới đây một khách hàng đã phản ánh xe bị hỏng một đằng, gara sửa một nẻo và có chi tiết khai thêm phần hỏng để trục lợi.

Theo chủ xe Nguyễn N.M phản ánh, sáng ngày 7/7/2017, xe Chevrolet Spark của anh này bị hỏng ống dẫn bình nước làm mát, phải dừng lại trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Sau khi gọi cứu hộ, xe của anh này được đưa về gara có tên M.S gần đó và được yêu cầu trả 1,2 triệu đồng phí kéo xe sau đó.

{keywords}

Hình ảnh chiếc xe của anh M được cứu hộ đưa về từ cao tốc Hà Nội - Hải Phỏng (ảnh nhân vật cung cấp)

Tại đây, thợ sửa xe gara phán đoán hỏng gioăng thiết bị nói trên, báo giá khoảng 1 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó thợ tự mở máy xe, rồi bảo chủ xe để lại qua đêm.

Kịch bản cũ như rất nhiều chủ xe gặp trước đó tiếp tục được lặp lại, thợ sửa xe báo nước vào động cơ, xe bị hỏng nặng, báo giá sửa và thay hết 22 triệu đồng. Chủ xe không chịu nên đòi kéo ra ra gara Chevrolet. Hai bên đàm phán lại nhiều lần, cuối cùng chủ xe phải chi 11 triệu đồng để có thể lấy được xe.

Đáng chú ý, trong phiếu báo giá của M.S cho anh M, nhiều chi tiết được cho là chi phí liên quan đến làm lại máy chứ không phải hỏng hóc xảy ra như: làm lại mặt máy xe ô tô, làm xi lanh, thông tắc turbo, thay lọc dầu... được yêu cầu thanh toán 7 triệu đồng. Riêng phần công làm được tính 4 triệu đồng.

Theo khách sửa xe M, do không để ý nên sau khi bị tháo máy xe mới biết là bị chặt chém, xe hiện vẫn nằm tại gara nói trên và được cam kết ngày 11/7 sẽ giao lại xe.

{keywords}

Phiếu báo giá (hoá đơn cho khách) của cơ sở (ảnh nhân vật cung cấp)

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên chủ xe MS bị người tiêu dùng, chủ lái xe tố chặt chém, bổ máy và đọc lỗi sai nhằm ăn chênh tiền.

Trước đó, phản ánh với Dân Trí, nhiều chủ xe như Lê Cường, Hồng Sơn, Nguyễn Thanh Tùng... đã đưa nhiều hoá đơn, bằng chứng về việc gara M.S cấu kết với cứu hộ giao thông, bổ máy xe ô tô và chặt chém chủ xe, số tiền lớn nhất cho một xe khi vào sửa tại đây là gần 80 triệu đồng.

Ngay sau nhiều sự cố và bị tố giác liên tiếp trên các phương tiện truyền thông và các diễn đàn về xe hơi, đại diện gara M.S đã giải thích song thiếu thuyết phục, càng làm người tiêu dùng lên tiếng tẩy chay.

Sau sự việc, nhiều địa điểm vốn là cơ sở của M.S trước đó đã được cánh lái xe phản ánh đã đổi tên khác nhưng vẫn do M.S quản lý, sửa chữa. Nhiều lái xe đã cảnh báo cộng đồng nhằm tránh xa những gara "chặt chém" này nhưng sau sự việc của anh N.M, cộng đồng lái xe lại một lần nữa rúng động trước sự việc cũ nhưng tái diễn nhiều lần, gây bức xúc dư luận.

Tuy nhiên, M.S không phải là gara duy nhất bị cộng đồng lên án lối làm ăn này. Thỉnh thoảng, vẫn có những gara kinh doanh theo lối "chụp giật", lừa lọc những khách hàng mới lần đầu tới xưởng hoặc mới đi xe ô tô, chưa hiểu gì nhiều về dịch vụ sửa chữa xe. Ví dụ như liệt kê, đưa ra những thiết bị, phụ tùng chưa cần phải thay thế nhưng vẫn báo hỏng; thay vật tư, linh kiện không đúng nguồn gốc, xuất xứ; thông báo mức hư hỏng quá thực tế....

Để tránh tình trạng bị "chặt chém" như thế này, những người am hiểu về dịch vụ, kỹ thuật sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, chủ phương tiện nên tự tìm hiểu, nâng cao kiến thức về máy móc, thiết bị, linh kiện xe; tìm hiểu, xác định các cơ sở, gara bảo dưỡng, sửa chữa xe có uy tín, chất lượng để khi xe bị hư hỏng, dù ở khoảng cách xa cũng nên đưa về cơ sở mình tin cậy để sửa chữa; theo dõi các diễn đàn về ô tô để biết được những địa chỉ "đen" như gara M.S để tránh và có giải pháp khi đã lỡ đưa "xế hộp" của mình vào những gara kiểu này...

(Theo Dân trí)