Với lợi thế giá rẻ, nhiều hãng xe danh tiếng trên thế giới đồng loạt quyết định sử dụng công nghệ túi khí của Takata. Mặc dù rất nhiều lời cảnh báo được đưa ra về tính an toàn của chúng, song, nhiều hãng xe vì lợi nhuận trước mắt mà phớt lờ đi những lời cảnh báo trên, để rồi hàng loạt cuộc triệu hồi diễn ra trong nhiều năm gần đây.

Ford bị yêu cầu triệu hồi 3 triệu ôtô

Theo thông tin từ báo Tiền Phong, túi khí Takata vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến ngành ô tô toàn cầu khi cơ quan chức năng của Mỹ mới đây đã yêu cầu Ford triệu hồi 3 triệu ôtô do lỗi của bộ phận này.

Dù đã gửi nhiều đơn khiếu nại vào năm 2017 nhưng Ford vẫn bị Cơ quan An toàn Giao thông Hoa Kỳ (NHTSA) bắt buộc triệu hồi khoảng 3 triệu ôtô do túi khí bên người lái (được Takata sản xuất) có khả năng bị lỗi.

Theo Reuters, cơ quan này cũng sẽ yêu cầu Mazda triệu hồi và sửa chữa túi khí cho khoảng 5.800 chiếc B-Series được Ford thiết kế và chế tạo, chúng cũng sử dụng cụm bơm khí tương tự như mẫu xe bán tải Ranger.

Ford bị yêu cầu triệu hồi 3 triệu ô tô do lỗi túi khí Takata. Ảnh: Tiền Phong

 

Các mẫu xe bị triệu hồi được sản xuất từ năm 2006 đến 2012, tất cả đều có nguy cơ vỡ cụm bơm khí khi túi khí triển khai, khiến các mảnh nhỏ có thể gây chết người bắn vào khoang cabin - đặc biệt sau thời gian dài tiếp xúc với độ ẩm cao.

NHTSA thông báo: "Bằng chứng rõ ràng cho thấy những bộ cơm khí này gây rủi ro đáng kể về an toàn". Vào đầu tháng 1/2021, cơ quan này cũng cho biết hiện còn ít nhất 17 triệu chiếc ôtô với túi khí Takata vẫn chưa được sửa chữa. Đến nay, lỗi túi khí Takata đã khiến 27 người tử vong trên toàn thế giới (với 18 người tại Mỹ) và hơn 400 trường hợp chấn thương đã báo cáo.

Trong khi đó, Ford cho biết 3 triệu xe lần này đã từng được triệu hồi trước đó để sửa chữa túi khí túi khí bên ghế phụ nhưng từ chối bình luận thêm. Nhà sản xuất ôtô Mỹ có 30 ngày để đệ trình lên NHTSA một "lịch trình đề xuất để thông báo cho chủ xe và đưa ra biện pháp khắc phục".

Trước đây từng có 2 trường hợp tử vong do lỗi túi khí Takata được báo cáo liên quan đến mẫu Ford Ranger 2006 đã triệu hồi trước đó, trường hợp gần nhất xảy ra vào năm 2017.

Triệu hồi hơn 3.000 xe Mercedes lỗi túi khí ở Việt Nam

Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phê duyệt chương trình triệu hồi 3.286 xe Mercedes thuộc 2 dòng C-class và GLK với các phiên bản C200, C250 Blue Efficiency, C300, GLK 250 4Matic, GLK 220 CDI 4Matic và GLK 300 4Matic. Đây là những mẫu xe được Mercedes lắp ráp trong nước giai đoạn tháng 5/2011 – 7/2015.

Nguyên nhân triệu hồi xe đến từ bộ bơm khí, một phần của cụm túi khí, chứa nhiên liệu rắn bị đốt cháy khi túi khí được kích hoạt. Trên các mẫu xe Mercedes nêu trên có lắp túi khí do hãng Takata cung cấp. Bộ bơm khí có thể được sản xuất với nguy cơ bị hơi ẩm xâm nhập theo thời gian và trong điều kiện khí hậu nhất định.

Trong trường hợp những mẫu xe này không may gặp tai nạn và hệ thống túi khí được kích hoạt, tùy theo từng hoàn cảnh, việc giải phóng khí trơ có thể tạo nên áp lực bên trong quá lớn và dẫn đến khả năng bộ bơm khí bị nứt vỡ.

Túi khí lúc đó có thể không phát huy được tác dụng hạn chế va đập và những người ngồi trong xe có thể có nguy cơ bị chấn thương do các mảnh vỡ của bộ bơm khí văng ra bên trong xe.

Mercedes cho biết rằng hiện tại chưa có một báo cáo nào về hồ sơ lỗi được mô tả liên quan đến hệ thống bơm khí của túi khí Takata xảy ra trên các mẫu xe của hãng tại thị trường Việt Nam.

Triệu hồi gần 2.500 xe Nissan Navara tại Việt Nam do lỗi túi khí

Mới đây, Cục Đăng kiểm đã phê duyệt đợt triệu hồi dành cho 2.471 chiếc bán tải Nissan Navara (thuộc hai bản LE và XE) tại Việt Nam do lỗi túi khí Takata phía trước người lái. Tất cả xe này đều được nhập khẩu từ Thái Lan và sản xuất từ ngày 20/9/2010 đến ngày 27/11/2014.

Nguyên nhân khiến xe bị lỗi là do một số túi khí của hãng Takata chế tạo có thể bị hơi ẩm xâm nhập. Điều này khiến túi khí có thể không triển khai theo cách bình thường, nếu kích hoạt với áp suất quá lớn từ bộ bơm khí, túi khí có thể bị "vỡ các linh kiện và bộ phận bên trong".

Trong trường hợp đó, túi khí có thể bung ra với áp suất quá lớn và làm cho vỏ bộ thổi khí hoặc các linh kiện nhỏ có thể bị vỡ, bắn ra gây tổn thương cho người lái và hành khách đi cùng.

Takata thu hồi 10 triệu túi khí tại Mỹ

Đợt triệu hồi túi khí lớn nhất của hãng Takata Nhật Bản hồi đầu năm 2020 phải nhắc tới chính là vụ thu hồi 10 triệu túi khí để thay thế tại Mỹ giữa lúc các nhà chức trách Mỹ vẫn đang cân nhắc về việc mở rộng phạm vi thu hồi, thông tin trên VietNamNet.

Các xe bị ảnh hưởng trong đợt thu hồi túi khí lần này do các hãng Audi, BMW, Honda, Daimler Vans, Fiat Chrysler, Ferrari, Ford, GM, Mazda, Mitsubishi, Nissan, Subaru, Toyota và Volkswagen sản xuất.

Hãng sản xuất ô tô GM của Mỹ cho hay, nếu buộc phải thu hồi ô tô bị lỗi túi khí, hãng này có thể mất tới 1,2 tỷ USD.

Theo thỏa thuận ký năm 2015 với Cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA), Takata phải cung cấp dữ liệu cho các cơ quan chức trách của Mỹ về việc hàng chục triệu túi khí lỗi cần được thu hồi. Có thể nói đây là một sự cố nghiêm trọng trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô thế giới, gây ảnh hưởng tới uy tín của khoảng 19 thương hiệu xe nổi tiếng, khiến hàng chục triệu xe phải thu hồi trên phạm vi toàn cầu.

Theo thông tin từ các nhà khoa học Thụy Điển, hãng sản xuất túi khí Takata bắt đầu kinh doanh không phải túi khí mà là dây an toàn từ giữa những năm 80, đến 1990 mới sản xuất túi khí. Tuy nhiên sau nhiều đợt triệu hồi xe do túi khí của hãng này các nhà khoa học đã phát hiện ra Takata sử dụng hợp chất amoni nitrat dễ bay hơi rất nguy hiểm trong bơm túi khí, bộ phận quan trọng đẩy túi khí bung. Đây cũng là một hợp chất dẫn tới đợt triệu hồi ô tô lớn nhất lịch sử thế giới.

Được biết, ban đầu, Takata không sử dụng amoni nitrat để sản xuất bơm túi khí. Nhưng năm 1997, nhà máy của hãng ở Moses Lake (Washington, Mỹ) dính hàng loạt vụ nổ phá hủy thiết bị, ảnh hưởng năng suất. Takata buộc phải mua bơm túi khí từ các đối thủ để cung cấp cho hãng xe.

Để chống lại bối cảnh khó khăn, hãng chấp nhận sử dụng hợp chất mới rẻ hơn, đó là amoni nitrat, bất chấp những nguy hiểm kéo theo. Đây là nguồn tin do Mark Lillie, kỹ sư từng làm việc tại Takata trả lời phỏng vấn của tờ NYTimes vào 2014 tiết lộ.

Cũng chính vì những bê bối mà Công ty sản xuất túi khí ô tô Takata của Nhật Bản ngày 26/6/2017 đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản, đánh dấu vụ sụp đổ doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất của đất nước mặt trời mọc Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Takata phá sản do sức ép nợ nần quá lớn từ việc phải thu hồi nhiều triệu túi khí ô tô sau khi túi khí do hãng sản xuất bị cho là có liên quan tới nhiều cái chết của người dùng ô tô trên toàn thế giới. 

Theo VietQ

Tin bài cộng tác xin gửi về otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

Khó thuê xe tự lái dịp Tết, giá tăng chóng mặt

Khó thuê xe tự lái dịp Tết, giá tăng chóng mặt

Dù còn hơn nửa tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, thế nhưng việc tìm thuê một chiếc xe tự lái ưng ý để “vi vu” đi Tết đang khá vất vả đối với nhiều người.