Hai "điểm nghẽn" với công nghiệp ô tô

Trong ASEAN, có 5 quốc gia sản xuất, lắp ráp ôtô gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Trong 5 quốc gia này, Thái Lan có sản lượng ôtô lớn nhất, trung bình đạt trên 2 triệu xe/năm. Khoảng cách giữa sản xuất và doanh số bán hàng trong nước của Thái Lan cho thấy nước này đã xuất khẩu xe nguyên chiếc với số lượng khá lớn, chiếm đến 50% sản lượng.

Thị trường Malaysia đã đạt mức bão hoà nên trong hơn 10 năm qua quy mô thị trường luôn duy trì ở mức trên 500 ngàn xe/năm. Từ 2009 đến nay, thị trường Indonesia tăng trưởng đều đặn, quy mô thị trường đạt ngưỡng 1 triệu xe/năm vào năm 2012 và từ đó đến nay vẫn duy trì ở ngưỡng đó.

Đối với ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, theo nhận định của Cục Công nghiệp, hiện tại quy mô thị trường ôtô Việt Nam mới chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và 1/4 của Indonesia.

Thị trường nhỏ, bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp và nhiều model khác nhau khiến cho các công ty sản xuất (cả sản xuất, lắp ráp ôtô và sản xuất linh kiện phụ tùng) rất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt.

Công nghiệp ôtô Việt Nam

Công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Ảnh: Tuấn Vũ

Mặt khác, GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua chưa đủ để đa số người dân có thể sở hữu ô tô cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô trong nước phát triển, tạo ra lợi nhuận. Hệ thống giao thông yếu kém (mà chủ yếu do tổ chức giao thông kém) cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới cầu của thị trường, làm cho nhu cầu về sử dụng ôtô của nền kinh tế chưa lớn.

“Có thể nói, dung lượng thị trường và chênh lệch giá thành giữa ôtô sản xuất trong nước và ôtô nhập khẩu đang là hai điểm nghẽn, thách thức lớn nhất hiện nay của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam”, Cục Công nghiệp nhận định.

Bên cạnh điểm nghẽn về thị trường, theo Cục này, hiện nay chi phí sản xuất ôtô trong nước cao hơn các quốc gia trong khu vực từ 10 - 20%, khiến giá thành xe sản xuất trong nước chịu nhiều bất lợi so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN trong bối cảnh hàng rào thuế quan được gỡ bỏ.

Nguyên nhân bởi dung lượng thị trường hiện tại của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam còn nhỏ, nên không tận dụng được lợi thế kinh tế theo quy mô của ngành, khiến các chi phí cao hơn so với các nước ASEAN khác vốn đã có thị trường và ngành công nghiệp ôtô đi trước rất lâu.

Các linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ôtô hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài – phải chịu thêm các chi phí đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo hiểm… từ đó ảnh hưởng đến giá thành của xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Chính sách khơi thông thế nào?

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, khó khăn lớn cho các doanh nghiệp làm ôtô "Made in Việt Nam" là tính cạnh tranh rất cao. Các doanh nghiệp Việt phải trực tiếp cạnh tranh với những "đại gia" ôtô trên thế giới, hình thành và có nền tảng từ vài chục năm trước. Những doanh nghiệp này có truyền thống, công nghệ, kinh nghiệm, thị trường. Cho nên, các doanh nghiệp của Việt Nam phải cạnh tranh rất quyết liệt thì mới có thể tồn tại được.

Bên cạnh đó, giá thành ôtô Việt cao so với ôtô nhập khẩu, nhất là so với một số thị trường nhập khẩu giá rẻ như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan khi Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống theo các cam kết FTA. Một khi giá cao, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô Việt muốn cạnh tranh cũng rất khó. Trong khi cạnh tranh bằng thương hiệu lại càng khó hơn, vì tâm lý chung của người tiêu dùng vẫn tin hơn các dòng xe của Nhật Bản, Hàn Quốc hơn là dòng xe trong nước.

"Để phát triển hơn nữa, để tạo đà cho ôtô Việt cần có những chính sách khơi thông. Cụ thể, năm 2020, Việt Nam ra chính sách rất tốt nhằm giảm, bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với linh kiện cho doanh nghiệp lắp ráp trong nước không sản xuất được. Việc này đã khiến các doanh nghiệp xe tăng cường nội địa hóa tại Việt Nam để hưởng thuế thay vì nhập khẩu ồ ạt trong khu vực như trước kia", bà Lan nói.

Theo Lao động

Ngành xe hơi trầy trật chống đỡ cuộc khủng hoảng thiếu chip

Ngành xe hơi trầy trật chống đỡ cuộc khủng hoảng thiếu chip

Trong 18 tháng qua, ngành công nghiệp xe hơi đã phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, từ việc Anh rời châu Âu (Brexit), đại dịch Covid-19 và nay là tình trạng khủng hoảng thiếu chip xử lý.