Các chuyên gia cho hay, nếu duy trì kiểu dạy học sơ sài, cắt xén chương trình, dạy riêng lái xe số tự động, các trung tâm dạy lái xe vẫn cho ra lò những tay lái nguy hiểm cho người đi đường.

Việc học và thi sát hạch lái ô tô số tự động dễ hơn nhiều so với lái xe số sàn. Tuy nhiên, người học vẫn e dè với loại hình đào tạo này. Các chuyên gia cho hay, nếu duy trì kiểu dạy học sơ sài, cắt xén chương trình, dạy riêng lái xe số tự động, các trung tâm dạy lái xe vẫn cho ra lò những tay lái nguy hiểm cho người đi đường…

Xe xịn, người học vẫn dè dặt

Ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Quản lý phương tiện người lái (Tổng cục Đường bộ) cho hay, tính đến thời điểm này, sau gần 4 tháng triển khai đào tạo riêng lái xe số tự động, toàn quốc mới có hơn 100 học viên tham gia. Riêng tại Hà Nội, Phòng Quản lý phương tiện và người lái - Sở GTVT Hà Nội cho biết, chỉ có hơn 10 học viên đăng ký học.

“Hình thức đào tạo mới nên người học dè dặt, thăm dò xem khóa đầu tiên học và thi như thế nào. Nhưng nguyên nhân chính là học viên đang tính toán: học lái xe số sàn vẫn lái được xe số tự động và học riêng lái xe số tự động, phương án nào tối ưu hơn”, ông Nguyễn Thắng Quân cho hay.

{keywords}

Chương trình đào tạo lái xe số tự động không phải là giải pháp triệt để chống nạn “xe điên”.

Trong khi người học dè chừng, các trung tâm đào tạo lại đầu tư mạnh cho loại hình đào tạo này. Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ, từ đầu năm đến nay, các trung tâm đào tạo trên toàn quốc đã đầu tư mới hơn 500 ô tô số tự động để đào tạo, sát hạch. Thậm chí, Trung tâm đào tạo lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) - đơn vị đầu tiên đề nghị được đào tạo riêng lái xe số tự động vừa đầu tư mới nhiều xe Nissan Sunny; có cả dòng xe đắt tiền như Toyota Corolla Altis để phục vụ học viên.

Do đầu tư xe mới, muốn thu hồi vốn nhanh, chi phí đào tạo lái xe bị đẩy lên cao, mặc dù chương trình đào tạo lái xe số tự động được rút ngắn so với đào tạo lái xe số sàn 80 tiết thực hành. Chi phí công bố đào tạo lái xe số tự động tại Trung tâm Đông Đô là 7,7 triệu đồng/khóa; trong khi, chi phí đào tạo lái xe số sàn hạng B2 là 6,9 triệu đồng.

Tại Trung tâm đào tạo lái xe của Đại học Phòng cháy chữa cháy, chi phí đào tạo lái xe số sàn chỉ 5,2 triệu đồng, trong khi chi phí lái xe số tự động là 8 triệu đồng. Đây cũng là một rào cản khiến nhiều người chưa quyết định học lái xe số tự động. “Do số lượng học viên học lái xe số tự động còn ít nên chi phí học lái xe cho mỗi người cao. Khi số lượng học viên đông, các trung tâm phải giảm giá mới cạnh tranh được”, một giáo viên đào tạo lái xe số tự động tại Trung tâm Đào tạo sát hạch ô tô số 2 Hà Nội, nói.

Thi rất khó... trượt

Thực nghiệm học lái xe số tự động tại Trung tâm Đông Đô (hiện có 30 học viên học lái xe số tự động, chủ yếu là phụ nữ và người cao tuổi) cho thấy, chương trình học dễ dàng hơn nhiều so với chương trình dành cho lái xe số sàn. Trong đó, bài tập đề-pa lên dốc với số sàn hầu như bị hóa giải hoàn toàn.

{keywords}

Phần quảng bá cho phép học viên tự học lý thuyết trên trang hoclaixetotnhat.com

Ông Nguyễn Minh Tươi, giáo viên của trung tâm này cho hay: “Với số sàn, nhiều chị em bị trừ điểm, đánh rớt vì để xe chết máy ở bài thi; với số tự động, phần thi này hầu như không thể trượt”. Những bài thi khác như tăng tốc, dừng đột ngột khi gặp nguy hiểm trước đây cũng thuộc diện khó với học viên nữ khi phải kết hợp cả chân phanh, côn và số; nay thực hiện rất đơn giản.

Ông Nguyễn Thắng Quân cho hay, chương trình rút ngắn, học và thi dễ hơn nên chắc chắn sẽ nảy sinh tâm lý chủ quan. Để đề phòng, khi thiết kế chương trình, Tổng cục Đường bộ đã đưa thêm vào bài thi ghép ngang (xe đỗ song song, lốp gần nhất cách vỉa hè không quá 25 cm). Ngoài ra, từ 1/7 tới, công đoạn thi thực hành lái xe trên đường trường sẽ được kiểm soát chặt hơn bằng biện pháp chấm điểm qua phần mềm, camera gắn trên xe.

Nói về khả năng dẹp được nạn “xe điên” (do đạp nhầm chân phanh và chân ga như mục tiêu của đào tạo riêng lái xe số tự động), ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay: Điều khiển ô tô đòi hỏi khả năng tổng hợp trong phán đoán, xử lý tình huống; không chỉ riêng việc có đạp nhầm chân phanh và ga hay không. “Mấu chốt là phải học đầy đủ các tiết học, cả lý thuyết và thực hành; không được cắt xén chương trình học, học viên mới có thể điều khiển xe an toàn ngay sau khi ra trường”, ông Thanh nói.

Trong khi đó, việc cắt xén chương trình cả lý thuyết và thực hành để tiết kiệm chi phí đang hết sức phổ biến, công khai. Trang điện tử hoclaixetotnhat.com (giới thiệu là kênh nhận học viên cho trung tâm đào tạo lái xe của Đại học Phòng cháy chữa cháy) cho hay, học viên có thể tự học lý thuyết ở nhà. Trong khi đó, quy định hiện hành của Bộ GTVT không cho phép như vậy.

Nói về hiện tượng cắt xén chương trình này, ông Nguyễn Thắng Quân cho biết: “Tổng cục đã phân cấp cho các sở quản lý. Tuy nhiên, thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất”.

(Theo Tiền phong)